Để cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 69 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 69 đã nhận được sự đồng thuận, thực hiện của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp, đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống. Đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ thực hiện 38 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, dự kiến đến hết năm 2023 là 48 dự án.
Các dự án được thực hiện đảm bảo về nội dung, quy mô đề ra, hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được duy trì như các dự án chuỗi dâu tằm, chuỗi sản xuất măng tre Bát độ, chuỗi dược liệu, chuỗi chăn nuôi, tạo nền tảng, cơ sở để thúc đẩy phát triển sản xuất một cách ổn định, bền vững.
Các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ được người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ thực hiện 2.997 cơ sở chăn nuôi; hỗ trợ 61 tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò, góp phần phát triển đầu đàn vật nuôi, nâng cao sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Chính sách hỗ trợ trồng rừng bền vững cũng đã được các địa phương tích cực triển khai, đến nay đã phê duyệt, hỗ trợ trồng mới trên 2.100 ha, tạo cơ sở, tiền đề để thực hiện các mục tiêu chuyển hoá rừng gỗ lớn; nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ rừng và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) trong thời gian tới, góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng hàng năm, đạt trên 15.000 ha.
Đối với các chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao, hiện đang triển khai hai dự án trồng khoai sọ nương tại huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải và một dự án sản xuất miến đao theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên. Thông qua các dự án, mô hình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Văn Yên kiểm tra mô hình chăn nuôi trâu được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 tại xã Yên Hợp, huyện Văn Yên
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh đã mang lại những hiệu quả tích cực, nhất là việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức, phương pháp chỉ đạo thực hiện chính sách của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Các địa phương, đơn vị đã có sự tiếp cận bài bản từ việc xác định đối tượng tham gia liên kết, hướng dẫn xây dựng phương án tổ chức sản xuất đến hợp tác liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản xuất.
Các chính sách hỗ trợ cũng góp phần thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của người dân, từ chỗ sản xuất tự phát theo phong trào sang sản xuất có chủ đích theo kế hoạch thị trường của đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh từng bước được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định, khẳng định được thương hiệu, phát triển được các thị trường tiềm năng như: sản xuất quế hữu cơ, sản xuất măng tre Bát độ, sản xuất kén tằm.. đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Kết quả thực hiện chính sách đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Điển cho biết, trong thời gian tới, Yên Bái tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh; đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân duy trì và phát triển tốt các dự án, nội dung chính sách hỗ trợ; tích cực thu hút, mời gọi các doanh nghiệp và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia phát triển sản xuất và đăng ký thực hiện chính sách.
Cùng đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách tại cơ sở, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để thực thi chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện chính sách.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tổng kết từ thực tiễn, làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện chính sách đạt hiệu quả, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Mạnh Cường