Thời gian qua, ngành thuế Yên Bái đã đẩy mạnh việc thực hiện điện tử hóa và chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử như: kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động (Etax mobile); triển khai Cổng thông tin điện tử kê khai, nộp thuế dành cho nhà cung cấp nước ngoài..., tạo điều kiện ngày càng thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Đặc biệt từ ngày 1/7/2022, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc là một bước ngoặt có tính bản lề, tạo ra những cải cách sâu rộng và tác động to lớn đến công tác quản lý thuế. Việc triển khai hệ thống HĐĐT đã tiết kiệm được chi phí cho DN và người dân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân nộp thuế.
Việc chuyển đổi sang HĐĐT và triển khai hệ thống HĐĐT có ý nghĩa quan trọng, đã tiết kiệm được chi phí cho DN và người dân (giảm chi phí như giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn...), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, từ đó DN quản trị hiệu quả hơn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế.
Ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Thời gian vừa qua, một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập DN không để sản xuất, kinh doanh mà để thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn khống; một số DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao, tham gia hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng, kê khai khống chi phí được trừ nhằm trốn thuế thu nhập DN gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Qua đó, ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.
Trước tình hình đó, đối với công tác quản lý hóa đơn, bên cạnh việc cung cấp các chức năng khai thác trên hệ thống HĐĐT, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai các ứng dụng hỗ trợ trong việc xác minh, đối chiếu, khai thác dữ liệu HĐĐT phục vụ công tác quản lý thuế thông qua áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi mua bán của các DN, từ đó phát hiện nhanh, chính xác các dấu hiệu gian lận trong sử dụng HĐĐT.
Trong quá trình quản lý thuế, cơ quan thuế đã nhận diện những hành vi điển hình vi phạm pháp luật của một số DN, tổ chức, cá nhân có động cơ, mục đích cố tình sử dụng HĐĐT bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách Nhà nước như: xuất khống, mua bán hóa đơn (trong đó có trường hợp là hóa đơn giả) để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, giảm chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu; hóa đơn chiết khấu thương mại lại lập thành hóa đơn điều chỉnh...
Hành vi thủ đoạn hết sức tinh vi, phạm vi thực hiện trên cả nước. Thời gian diễn ra từ khi thành lập đến khi bỏ địa điểm kinh doanh hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian ngắn.
Các cơ quan báo chí truyền thông đã tích cực thông tin trên 3.500 bài viết đấu tranh, lên án hành vi buôn bán hóa đơn bất hợp pháp.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và tổ chức khai thác tối đa cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) trong công tác quản lý thuế và quản lý HĐĐT nhằm phòng, chống và kiên quyết xử lý những hành vi cố tình vi phạm sử dụng HĐĐT bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách Nhà nước, ngành thuế mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, phát hiện, phản ảnh, lên án những DN, tổ chức, cá nhân vi phạm về sử dụng HĐĐT bất hợp pháp, từ đó góp phần quan trọng cùng ngành thuế thực hiện quản lý thuế công khai, minh bạch, bình đẳng giúp cộng đồng DN và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Quang Thiều