Chè vàng giảm giá gần 50%
- Cập nhật: Thứ năm, 17/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2007 tình hình sản xuất kinh doanh chè có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó chè xanh sơ chế bằng công nghệ thấp (bom quay tay) tiêu thụ qua đường tiểu ngạch tại cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Phong Thổ - Lai Châu với mức giá từ 25 đến 28 nghìn đồng/kg, đây là mức giá cao một cách bất thường, kéo theo giá chè búp tươi giao động từ 4,8 đến 5,2 nghìn đồng/kg.
Giá chè nguyên liệu và chè qua sơ chế tăng mạnh khiến người trồng chè tăng cường lượng phân bón, tổ chức thu hái ngay từ khi chè đầu vụ mới nhú búp; nhiều nhà tiếp tục đầu tư mua thêm bom chè về sơ chế. Khi chè búp tươi bán với giá cao gấp đôi niên vụ 2006, người chế biến chỉ cần sao qua loa, đem ra phơi nắng trên đường nhựa lại bán được giá gần 30 nghìn đồng, nếu chỉ dừng lại như vậy thì đúng là cây chè là "cây làm giầu" chứ không phải là "cây xóa đói, giảm nghèo" như người ta đã từng xác định; nhưng câu chuyện tất nhiên không phải đơn giản như thế.
Khi rất nhiều người còn hả hê với giá chè gia tăng thì những nhà quản lý và những người có đầu óc chiến lược hơn, tầm nhìn vĩ mô hơn lại nghĩ khác: Không thể có chuyện chè sơ chế, công nghệ thấp, phơi trên đường nhựa lại bán được giá cao đến thế, liệu có chuyện một số đối tượng nào đó dùng giá làm phương tiện để thôn tính ngành chè? Ngay bây giờ là giá cao, mọi người tập trung, ồ ạt sản xuất, chế biến khi có khối lượng thật lớn thì họ lại quay lại khống chế người sản xuất kinh doanh bằng cách không mua hoặc mua với giá thật rẻ mạt? Bài học chuối xanh, mít xanh, dưa hấu hẳn còn nguyên giá trị. Và nếu đúng như vậy thì hậu quả của nó thật khôn lường. Mặt khác khi giá chè nguyên liệu lên cao, các nhà máy chế biến đứng chân trên địa bàn đó là biết bao hậu quả khác.
Đứng trước tình hình trên, ngày 3/5/2007 Ban Thường vụ huyện ủy Văn Chấn đã tổ chức họp và đề ra một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý và chống thất thu đối với ngành nghề sản xuất và buôn bán chè. Cụ thể hóa Nghị quyết của Ban thường vụ huyện ủy, ngày 4/5/2007 UBND huyện Văn Chấn đã triệu tập Hội nghị cán bộ chủ chốt trong toàn huyện để triển khai một số giải pháp cụ thể nhằm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh chè, phát triển bền vững vùng nguyên liệu; không để tình trạng vì lợi ích trước mắt mà người dân thu hái không đúng thời vụ, không đúng quy trình; khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, cân nhắc trước khi đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến chè xanh và lắp thêm bom chè. Đặc biệt ngành Thuế và chính quyền các xã, thị trấn đồng loạt ra quân ngăm chặn, xử lý các trường hợp thu mua vận chuyển chè trốn lậu thuế.
Theo ông Nguyễn Công Ký - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Văn Chấn cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện ngành Thuế đã có hướng dẫn cụ thể cho các xã những biện pháp quản lý; xây dựng mức thuế phải thu nộp và công khai hóa toàn bộ những nội dung này trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo đó chè khô vùng thấp mức thu 1,5 nghìn đồng/kg và chè khô đặc sản vùng cao thu với mức 3 nghìn đồng/kg. Chi cục thuế cũng đã tập trung 100% quân số, làm việc 24/24 giờ, phối hợp với các ngành thành viên trong Tổ kiểm tra liên ngành do huyện thành lập tiến hành kiểm tra, thu thuế, hướng dẫn các doanh nghiệp, các đại lý tổ chức kê khai thu thuế tập trung. Sau 10 ngày triển khai các biện pháp quản lý thu, các xã thị trấn của Văn Chấn đã thu thuế được với số tiền 58,5 triệu đồng; Chi cục Thuế huyện trực tiếp thu được 116 triệu đồng, ngoài ra Chi cục Thuế còn phối hợp với các đơn vị bạn truy thu được gần 100 triệu đồng. Có thể nói quá trình chế biến và kinh doanh xuất khẩu chè đã được ngành Thuế quản lý một cách kịp thời, ngăn chặn tình trạng thất thu hai khoản thuế là GTGT và thu nhập doanh nghiệp, đem lại một khoản ngân sách cho địa phương.
Thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này (ngày 17/5/2007) đã có thông tin giá xuất bán chè vàng tại Lào Cai và Lai Châu tụt một cách thê thảm (17 nghìn đồng/kg) và với giá thế này, theo tính toán của một chủ lò chè thì mỗi tấn sản phẩm sẽ thua lỗ 2 triệu đồng. Giá chè vàng tút xuống kéo theo giá chè nguyên liệu hạ theo, hiện nay các lò chè treo biển thông báo giá thu mua 3 nghìn đến 3,2 nghìn đồng/kg và lập tức các doanh nghiệp chế biến chè đã có được giá mua hợp lý để thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất; ngay trong ngày đầu tiên doanh nghiệp chè Tân Thịnh đã mua được 28 tấn chè tươi với giá 2,8 nghìn đồng/kg.
Còn quá sớm để rút ra kết luận về vụ "Chè vàng" năm 2007 nhưng bài học cho những nhà quản lý và các doanh nghiệp của ta là trong cơ chế thị trường, trong thời kỳ hội nhập phải nắm được thông tin một các chính xác và kịp thời từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng nhằm hạn chề rủi ro và không để lại hậu quả đáng tiếc. Với ngành chè (cả nông dân lẫn nhà chế biến) một lần nữa thấy được sự cần thiết của mối liên kết nông dân - doanh nghiệp trong quá trình làm ăn.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên 688.777,3 ha. Diện tích có rừng 384.499,4 ha, trong đó, rừng tự nhiên 245.570,8 ha, rừng trồng 139.411,8 ha. Tài nguyên rừng đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ về kinh tế, môi trường mà còn mang tính chiến lược về quân sự. Sự tồn tại và phát triển của rừng Yên Bái gắn liền với công tác quản lý bảo vệ rừng, nòng cốt là lực lượng kiểm lâm.
YBĐT - Ngày 15/5, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã tổ chức buộc gặp mặt nhân dịp Tổng công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ 1996 - 2005. Đến dự có đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Bưu chính Viễn thông, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh... và toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên Chi nhánh Tổng công ty tại Yên Bái.
YBĐT - Năm 2004, thành phố Yên Bái triển khai thí điểm Dự án nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp tại hai xã Tân Thịnh và Minh Bảo.
YBĐT - Cánh đồng Tà Ghênh ở xã Xà Hồ, rộng trên 50 ha rất phì nhiêu. Cách đây vài ba năm, lực lượng quân đội, các tổ chức đoàn thể, ngành nông nghiệp huyện đã cử biết bao nhiêu lượt cán bộ lên đây cùng làm và hướng dẫn người dân gieo cấy vụ lúa đông xuân, cái vụ lúa mà theo người Mông là không thể gieo cấy được!