Vì sao chương trình cải tạo và phát triển đàn bò ở Văn Chấn chưa hiệu quả?
- Cập nhật: Thứ năm, 24/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2005, huyện Văn Chấn bắt đầu triển khai thực hiện chương trình cải tạo và phát triển đàn bò của huyện giai đoạn 2005- 2010 nhằm phát triển ngành chăn nuôi cân đối với trồng trọt, sử dụng hợp lý quỹ đất đai, lao động hiện có vào chăn nuôi; cải tiến phương pháp chăn nuôi truyền thống, phấn đấu đến năm 2010 cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm 30% tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp của huyện, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.
Chăn
nuôi bò
ở xã
Tú Lệ (Văn Chấn). (Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai Dự án chăn nuôi bò bán công nghiêp; Dự án chăn nuôi bò cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Bà Lò Thị Bình - Phó ban chỉ đạo Dự án phát triển chăn nuôi bò huyện Văn Chấn cho biết: Ngay sau khi tỉnh có chương trình cải tạo và phát triển đàn bò, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình cải tạo và phát triển đàn bò của huyện giai đoạn 2005 - 2010 gồm 2 hợp phần: Dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp và Dự án phát triển chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn.
Đối với Dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp, căn cứ vào kế hoạch giao, các xã chọn hộ đủ điều kiện tham gia và được Ngân hàng NN - PTNT huyện thẩm định cho vay vốn. Ban chỉ đạo dự án huyện tư vấn nơi cung ứng giống, tổ chức chỉ đạo giám sát, hướng dẫn quản lý và nghiệm thu. Bò giống yêu cầu mua ngoại tỉnh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn bò cái sinh sản từ 18 tháng tuổi trở lên, khoẻ mạnh, an toàn dịch bệnh.
Với Dự án phát triển chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn, căn cứ vào kế hoạch giao và tiêu chí hộ nghèo, chuẩn nghèo mới của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, các xã tiến hành họp bình xét công khai các đối tượng và tiêu chuẩn người được hưởng lợi. Ban chỉ đạo Dự án huyện giao quyền tự chủ cho các xã trực tiếp ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng về con giống.
Qua 2 năm thực hiện chương trình cải tạo và phát triển đàn bò của huyện, dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp đã có 75 hộ dân ở 9 xã tham gia, đã mua về được 389 con bò cái sinh sản với tổng giá trị là 1.920,9 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 389 triệu đồng, vốn các hộ tham gia dự án vay ngân hàng là 1.531,9 triệu đồng. Hình thức hỗ trợ: đối với hộ chăn nuôi từ 5 con trở lên được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ con và 200.000 đồng/con để làm chuồng trại cộng với giống cỏ voi để trồng chăn nuôi bò.
Dự án phát triển chăn nuôi bò cho những hộ nghèo đặc biệt khó khăn gồm có 1.000 hộ ở 30 xã trong huyện được tham gia, đã mua về được 1.000 con bò cái sinh sản với tổng giá trị là 5.284,39 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ là 3 tỷ đồng, vốn các hộ tham gia dự án vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là trên 2 tỷ đồng, vốn các hộ tham gia dự án tự có là trên 169 triệu đồng; mức hỗ trợ cho các hộ được tham gia dự án là 3 triệu đồng/con bò.
Nhìn chung, các hộ được tham gia các dự án đều rất phấn khởi và kỳ vọng đây là cơ hội để xoá đói giảm nghèo. Đến nay số bò cái sinh sản của các hộ tham gia dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp của huyện mua về đã sinh sản được 172 con bê con; số bò cái sinh sản các hộ tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò bán công nghiệp cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn mua về đã sinh sản thêm được 160 con bê con. Đó là niềm vui của nhiều hộ dân ở Văn Chấn được tham gia vào các dự án chăn nuôi bò. Song cũng có không ít hộ đang phải khóc dở mếu dở vì chăn nuôi bò.
Hiện nay số bò hai dự án mua về đã bị chết khá nhiều. Tính đến tháng 3 năm 2007, số bò thuộc dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp đã bị chết mất 48 con, trong đó bê là 11 con và bò cái sinh sản là 38 con; dự án phát triển chăn nuôi bò cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã bị chết 33 con (chủ yếu là bò cái sinh sản mới mua về).
Nguyên nhân bò chết gồm: chết do viêm phổi, sán lá gan, tụ huyết trùng, khó đẻ, ngã ta luy, ngộ độc... Nhưng cho dù bò chết bất cứ nguyên nhân nào thì người dân tham gia dự án cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” chịu thiệt thòi.
Ông Trần Văn Nở ở bản Noong Ỏ, xã Phù Nham buồn rầu nói: “Năm 2005, gia đình tôi tham gia dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp mua về được 8 con, nuôi được một thời gian thì bị bệnh chết mất 4; năm 2006 tiếp tục tham gia dự án mua được 6 con thì 1 con lại bị ngã chết. Tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội 27 triệu đồng, Ngân hàng NN-PTNT huyện 24 triệu đồng để mua bò về chăn nuôi, bò chết nhiều quá mà thời hạn vay lại ngắn nên việc trả nợ ngân hàng cũng rất khó khăn. Thời gian này bò lại xuống giá, nếu bán tất 13 con bò mua về đi bây giờ không đủ để trả nợ cho ngân hàng, vì những con mua 5 triệu bây giờ chỉ bán được khoảng 2,5 triệu đến 3 triệu đồng, còn những con mua 4,5 triệu bây giờ cũng chỉ bán được khoảng 2,5 triệu đồng”.
Trường hợp của bà Hà Thị Đấu ở bản Ta Tiu, xã Phù Nham cũng tương tự như ông Nở. Bà Đấu tham gia dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp từ năm 2005, mua về được 5 con bò cái sinh sản thì 1 con bị ngã chết, những con còn lại trông rất gầy gò, trọng lượng con bò to có lẽ chỉ được từ 160- 170 kg. Nhìn đàn bò gầy gò, thiếu sự chăm sóc, bà Đấu buồn bã không muốn trả lời phỏng vấn của chúng tôi nữa.
Sau 2 năm huyện Văn Chấn thực hiện chương trình cải tạo và phát triển đàn bò giai đoạn 2005 - 2010, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Dự án phát triển chăn nuôi bò cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã hoàn thành. Nhiều hộ dân được tham gia hai dự án nêu trên rất phấn khởi vì bò mua về đang phát triển tốt. Nhưng cũng có nhiều hộ dân bò mua về bị chết, không có vốn để mua bò nữa mà lại mắc nợ ngân hàng.
Nguyên nhân, các dự án chưa thực sự hiệu quả thì có nhiều, song nguyên nhân chính là do cách triển khai dự án có phần quá thiên về số lượng mà không nghĩ tới chất lượng như. Việc thẩm định dự án, nghiệm thu, kiểm dịch chất lượng giống chưa đảm bảo; việc trang bị về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò cho các hộ tham gia dự án chưa được chu đáo... nên hiệu quả của 2 dự án chưa tốt.
Thiết nghĩ, để các dự án chăn nuôi bò ở Văn Chấn mang lại hiệu quả cao, Ban chỉ đạo dự án phát triển chăn nuôi bò của huyện Văn Chấn cần phải làm tốt hơn việc kiểm tra về chất lượng con giống mua về; làm tốt việc thẩm định dự án; việc tập huấn trang bị kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi cho các hộ tham gia dự án... nhất là không nên triển khai dự án quá thiên về số lượng vì thực tế đã cho thấy, do phát triển quá ồ ạt về số lượng mà các “lái bò” đã tạo nên cơn “sốt ảo" về giá bò cái sinh sản để kiếm lời. Nếu không kiểm soát tốt về giá thì người dân tham gia dự án sẽ không được hưởng tiền hỗ trợ từ vốn ngân sách, mà nhiều tỷ đồng này sẽ rơi hết vào túi các “ lái bò”.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, gas hoá lỏng đã trở thành chất đốt thông thường và quen thuộc với các bếp ăn nhiều gia đình. Kéo theo đó là sự phát triển của hệ thống cửa hàng kinh doanh và các cơ sở chiết nạp gas. Tuy nhiên, đã xuất hiện và gia tăng những bất ổn từ những cửa hàng kinh doanh này…
YBĐT - Lúa xuân của thành phố Yên Bái đã bắt đầu chín rộ. Nhà nông đang tranh thủ những ngày nắng ráo để gặt lúa; đồng thời, tích cực kiểm tra sâu bệnh ở những trà cấy muộn vì nguy cơ của rầy nâu hoặc nấm cổ bông vẫn có thể gây hại.
YBĐT - Theo dự báo, thời tiết năm nay khắc nghiệt, thay đổi thất thường thuận lợi cho các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm phát triển như: tụ huyết trùng, bệnh dại, cúm và một số bệnh khác. Đặc biệt ở tỉnh Yên Bái, dịch lở mồm long móng (LMLM) vừa xảy ra ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và bệnh tụ huyết trùng trâu bò ở huyện Văn Yên rất dễ tái phát.
YBĐT - Để đảm bảo có đủ cây giống hoàn thành kế hoạch trồng 700 ha rừng phòng hộ tập trung, đến nay, UBND huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo Lâm trường Trạm Tấu gieo ươm, chăm sóc tốt 1,5 triệu cây giống: thông mã vĩ, vối thuốc, sơn tra đưa vào trồng.