Hướng đi nào cho xã vùng cao Lâm Thượng
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi có dịp trở lại Lâm Thượng, một trong những xã vùng cao của huyện Lục Yên (Yên Bái). Là xã vừa ra khỏi chương trình 135 của Chính phủ, nhưng việc phát triển kinh tế không bền vững, thiếu quy hoạch vùng sẽ là một trong những vấn đề đáng phải bàn của xã vùng cao này.
Ảnh minh họa. (Thanh Chi)
|
Những ngôi nhà sàn, nhà tranh của đồng bào Dao, Tày thấp thoáng ẩn hiện bên những rặng cây ven đồi và những triền ruộng bậc thang chỗ xanh chỗ vàng, trông có vẻ êm đềm nhưng ẩn sâu trong đó là những nỗi nhọc nhằn với bao lo toan thường nhật của biết bao gia đình.
Khoát một vòng tay chỉ về những triền ruộng chỗ xanh chỗ vàng, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Trần Văn Ước cho biết: "Do khí hậu vùng cao lạnh hơn vùng thấp, vả lại một số diện tích bà con phải gieo cấy muộn để chờ nước. Thiếu phân, thiếu kiến thức kỹ thuật chăm bón nên giờ này khi ở các xã vùng thấp đã vào mùa gặt mà ở đây lúa mới đỏ đuôi".
Thời tiết thất thường như năm 2007 này năng suất lúa chỉ đạt trên 60 tạ/ha, thấp hơn những năm trước khoảng 15%. Với 265 ha lúa chia đều cho gần 6.000 nhân khẩu trong 12 tháng, dù có cộng thêm cả ngô, sắn của vụ 3 cũng chỉ đủ ăn còn việc phát triển chăn nuôi, làm giàu sẽ là bài toán khó.
Lãnh đạo xã đã bao lần trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho người dân với việc áp dụng nhiều mô hình kinh tế, song không đem lại hiệu quả như mong muốn khi nội lực địa phương yếu mà sức ì của người dân thì lớn.
Năm 2006, xã đã vận động nhân dân thâm canh tăng vụ và trồng thêm được gần 150 ha rau màu, ngô, đậu tương trên đất đồi, bãi và chân ruộng hai vụ. Song chỉ được ở những diện tích của chân ruộng hai vụ, khu đồi, bãi một hai vụ đầu cho thu khá, còn những vụ tiếp theo đất đã cằn cỗi bạc màu nên năng suất ngô từ 45 tạ/ha giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30 tạ/ha.
Việc gieo cấy chậm thời vụ, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong gieo trồng chăm bón nên năng suất lúa trung bình chỉ đạt chưa đầy 80 tạ/ha/năm. Không ngành nghề phụ, người dân chỉ biết trông vào ruộng nương, đồi rừng và dựa vào tự nhiên là chủ yếu.
Để phát triển kinh tế, nghị quyết của Đảng bộ xã năm 2006 đã định hướng tập trung vào việc xóa bỏ vườn tạp, phát triển các mô hình kinh tế hộ tổng hợp theo nội lực từng gia đình, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bán chăn thả bằng việc trồng và dự trữ cỏ cho mùa khô. Nhưng để triển khai nghị quyết quả là một vấn đề nan giải bởi người dân đã quen với cách làm trước đây, chăn nuôi vẫn theo hướng thả rông, số lượng đàn tăng nhanh trong khi chất lượng không đảm bảo, vào mùa khô hạn thiếu thức ăn nên hiện tượng trâu bò chết đói, chết rét diễn ra khá phổ biến trong xã.
Đất rừng là thế mạnh của địa phương song người dân chưa biết khai thác và làm giàu từ tiềm năng này. Vẫn là kiểu mạnh ai nấy làm, hơn nữa những năm trước đây người dân không biết trông coi bảo vệ, việc chặt phá rừng bừa bãi, khai thác tràn lan nên hậu quả để lại là những cánh rừng đại ngàn xơ xác, bạc phếch, loang lổ vết xói mòn.
Là 1 trong 4 xã của huyện được ra khỏi chương trình 135 của Chính phủ. Nhưng trước thực trạng này, nếu Đảng bộ, chính quyền xã không có những định hướng phát triển kinh tế cụ thể như: phát triển kinh tế không gắn với xoá đói giảm nghèo một cách bền vững, không có các chủ trương quy hoạch đất đai sản xuất cũng như không định hướng được các cây trồng vật nuôi là thế mạnh chủ lực thì việc tái nghèo có khả năng tái diễn bởi tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 40% (theo tiêu chí mới).
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Trấn Yên đã có sự chuyển dịch bước đầu từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả và sản xuất tự cấp tự túc là chính sang sản xuất hàng hoá bằng một số vùng sản xuất tập trung như: vùng tre măng Bát độ, vùng lúa chất lượng cao, vùng chè, vùng dâu tằm vv...
YBĐT - Y Can là xã vùng 2 của huyện Trấn Yên nhưng có tới 4 thôn bản đặc biệt khó khăn. Bà con nông dân ở đây đang vào vụ trồng rừng và tập trung chăm sóc lúa chiêm xuân. Bận rộn như vậy nhưng khi Đảng bộ triển khai cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì trên một trăm đảng viên ở 12 chi bộ thôn bản đều có mặt đông đủ. Nhiều đảng viên ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, được miễn sinh hoạt cũng nhờ con cháu đưa đến.
YBĐT - Kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX trong những năm qua đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Hoạt động của các HTX đã không còn bó hẹp trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp mà đã phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề, kinh doanh nhiều lĩnh vực như quỹ tín dụng, khai thác, kinh doanh vận tải, chế biến, dịch vụ quản lý điện, thương mại...