Tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp Yên Bái

Bài 1: Thực trạng hoạt động của các công ty lâm nghiệp Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2024 | 9:52:11 AM

YênBái - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 4 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và 2 lâm trường, đều là các đơn vị của Nhà nước, song trong nhiều năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều chỉ ở mức “cầm cự” để nuôi bộ máy và đóng bảo hiểm cho công nhân, thậm chí bị thua lỗ, nợ nần nhiều nhưng chưa giải thể được. Vì rất nhiều lý do.

Lãnh đạo Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao trao đổi với công nhân và người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo.
Lãnh đạo Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao trao đổi với công nhân và người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 4 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và 2 lâm trường. Mặc dù các công ty, lâm trường này đều là các đơn vị của Nhà nước, song trong nhiều năm qua, các đơn vị này gặp phải rất nhiều khó khăn do vốn của chủ sở hữu thấp và không được vay vốn ưu đãi dài hạn để trồng rừng sản xuất, đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp, sâu bệnh, thiên tai làm chết nhiều diện tích rừng, giá gỗ rừng trồng không ổn định... dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đều chỉ ở mức "cầm cự” để nuôi bộ máy và đóng bảo hiểm cho công nhân; hai lâm trường thì nhiều năm sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nợ nần nhiều nhưng chưa giải thể được.

Để tìm hiểu thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị này, chúng tôi đã đến một số công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (viết tắt là TNHHMTVLN), cơ quan quản lý nhà nước, gặp gỡ trao đổi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc.

Qua tìm hiểu được biết, sau khi sáp nhập, một lâm trường vào Ban Quản lý Rừng phòng hộ và chuyển đổi mô hình hoạt động của Lâm trường Trạm Tấu thành Ban Quản lý Rừng phòng hộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có bốn công ty lâm nghiệp và hai lâm trường bao gồm: Công ty TNHHMTVLN Thác Bà, Công ty TNHHMTVLN Yên Bình, Công ty TNHHMTVLN Việt Hưng, Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao.

Tổng diện tích đất các công ty lâm nghiệp, lâm trường đang quản lý là 8.270,72 ha, trong đó Công ty TNHHMTVLN Thác Bà 1.075,27 ha, Công ty TNHHMTVLN Yên Bình 1.436,12 ha, Công ty TNHHMTVLN Việt Hưng 2.162,26 ha, Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao 1.551,35 ha; Lâm trường Văn Yên 524,42 ha, Lâm trường Lục Yên 1.521,30 ha. Về hiện trạng quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp, lâm trường hiện nay: Công ty TNHHMTVLN Thác Bà diện tích đất tự sản xuất kinh doanh 28,39 ha; Công ty TNHHMTVLN Yên Bình 4,8 ha; Công ty TNHHMTVLN Việt Hưng 38,29 ha; Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao 15 ha. 

Diện tích đất các công ty lâm nghiệp, các lâm trường khoán cho công nhân lao động, các hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh là 5.386,83 ha, trong đó khoán theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ là 4.160,61 ha; khoán trắng cho người lao động 372,5 ha tại Lâm trường Văn Yên; các hình thức khoán khác 853,72 ha; diện tích sử dụng khác 2.797,41 ha, trong đó đất chưa giao khoán đã bàn giao về địa phương là 1.137,15 ha; diện tích tranh chấp 37,5 ha; diện tích bị lấn, chiếm 1.332,07 ha. Trong đó, diện tích Lâm trường Lục Yên quản lý bị lấn, chiếm nhiều nhất là 1.176,93 ha, diện tích bị tranh chấp 37,5 ha; Lâm trường Văn Yên, diện tích bị lấn, chiếm 141,4 ha; Công ty TNHHMTVLN Việt Hưng diện tích bị lấn, chiếm 13,74 ha. 

Thực tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng đất đai của các công ty lâm nghiệp chủ yếu được giao khoán liên kết trồng rừng với công nhân lao động, các hộ gia đình, cá nhân sống trên địa bàn thông qua hợp đồng trồng rừng, ăn chia sản phẩm theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao cho hay: Việc trồng rừng sản xuất hàng năm của Công ty hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, Công ty phải trả tiền thuê đất hàng năm trên 1.500 ha, nhưng thực tế đất trồng được rừng chỉ có 1.200 ha, còn lại là đất phi nông nghiệp, khe rãnh, đá nổi không thể trồng được rừng; vốn để sản xuất kinh doanh sở hữu của Nhà nước chỉ có trên 2,5 tỷ đồng; việc vay vốn ưu đãi dài hạn, ngắn hạn để đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn; cộng với điều kiện khí hậu như gió lốc, sâu bệnh làm đổ gẫy thiệt hại rừng độ tuổi từ 3 - 5 năm năm nào cũng xảy ra, có năm mất vài chục héc-ta, ảnh hưởng lớn đến chất lượng rừng. Giá gỗ cây đứng và gỗ qua chế biến không ổn định và giảm mạnh so với các năm trước, có nhiều thời điểm Công ty không bán được gỗ do các xưởng chế biến không thu mua. 

Việc chuyển đổi công ty theo Nghị định của Chính phủ kéo dài, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý người lao động cũng như chiến lược phát triển của Công ty. Năm 2023, Công ty bị cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn bán hàng bằng hình thức tạm ngừng hóa đơn bán hàng do Công ty không nộp được tiền thuê đất hàng năm (từ 2019-2023, khoảng gần 5 tỷ đồng)... 


Một trong nhiều diện tích keo, bạch đàn của Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao bị gẫy, đổ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua.    

Tìm hiểu thêm về những khó khăn hiện tại của Công ty và các hộ dân, công nhân trong việc ký hợp đồng trồng rừng với Công ty, chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi với một số hộ dân và công nhân ở đây. Chia sẻ về những khó khăn của gia đình trong việc ký hợp đồng trồng rừng sản xuất với Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao, anh Hà Văn Sơn ở thôn Kiến Thịnh, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn buồn rầu.

"Gia đình tôi ký hợp đồng trồng 18 ha với Công ty được hơn 6 năm rồi, Công ty đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, đến chu kỳ khai thác nhanh thì cũng phải từ 7 - 8 năm, gia đình được hưởng 70%, Công ty hưởng 30%, tôi vay ngân hàng 200 triệu đồng để thuê người trồng, chăm sóc rừng. Khoảng tháng 6 năm 2022, tôi đi thăm rừng bồ đề, nhìn cây bị sâu ăn chết nhiều quá, xót ruột, muốn khóc mà không khóc lên được, đành cầm lòng gọi điện xuống tỉnh Phú Thọ thuê người dùng máy bay không người lái lên phun, kết hợp đốt hun khói, chi phí hết gần 50 triệu đồng mà rừng bồ đề vẫn chết khô hết, không thể cứu được, củi bán cũng không ai mua. Đầu năm 2023, gia đình tôi phải trả lại Công ty 8 ha và chặt bỏ 10 ha bồ đề bị chết, vì không còn khả năng đầu tư nữa. Tôi rất mong Công ty đề nghị cơ quan thuế cho giãn, miễn nộp tiền thuê đất hàng năm, vì bây giờ tôi phải đi làm thuê để trả lãi ngân hàng, không có tiền để trả thuê đất trồng rừng hàng năm nữa...” - anh Hà Văn Sơn cho hay.

Thực tế, 4 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động cơ bản gặp khó khăn như nhau, ngoại trừ Công ty TNHHMTVLN Thác Bà. Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Nhìn chung, các công ty TNHHMTVLN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn duy trì hoạt động, bộ máy điều hành năng động, linh hoạt hơn trong huy động vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh có lãi năm 2021 và 2022, năm 2023 do gặp khó khăn về thị trường nên các công ty lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ: Công ty TNHHMTVLN Ngòi Lao lỗ trên 218 triệu đồng, Công ty TNHHMTVLN Việt Hưng lỗ trên 56 triệu đồng, Công ty TNHHMTVLN Yên Bình lỗ  trên 59 triệu đồng, chỉ có Công ty TNHHMTVLN Thác Bà có lãi, bình quân 3 năm lãi được trên 178 triệu đồng. 
Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh chưa mang lại lợi nhuận cao, chưa tương xứng với tiềm năng đất đai hiện có. 

Còn đối với Lâm trường Văn Yên và Lục Yên, do hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, hiện nay gần như ngừng hoạt động và không có khả năng thanh toán các khoản nợ công (các khoản nợ công phải thu, phải trả đến nay chưa được rà soát, đối chiếu và xác nhận nợ; số công nợ đến nay phải thu chủ yếu là công nợ rất khó có khả năng thu hồi do phát sinh từ nhiều năm nay...).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do đây đều là các công ty đặc thù có nhiều khó khăn so với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác do phải chịu tác động nhiều của thiên tai, dịch bệnh, cây lâm nghiệp có chu kỳ sản xuất dài, địa bàn hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn, giao thông đi lại khó khăn; phần lớn lao động không được đào tạo nghề... 

Mặt khác, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các công ty đều ở quy mô nhỏ, một số công ty chưa được cấp đủ vốn điều lệ theo quy định, khi thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHHMTVLN có mức vốn điều lệ thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu từ vốn vay, song việc tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương  mại rất khó khăn do thủ tục vay vốn ưu đãi phức tạp. Được biết, để tháo gỡ cho các công ty lâm nghệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các công ty lâm nghiệp và giải thể hai lâm trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...   

Minh Hằng
Bài 2: Giải pháp sản xuất, kinh doanh cho các công ty lâm nghiệp.

Tags Yên Bái công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh

Các tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 987/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (Ban Chỉ đạo).

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long tặng quà hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bình - hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở đất tại tổ 10, phường Minh Tân.

Cập nhật tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 gây ra, báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Yên Bái cho biết tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng lên tới 5.502 ha. Trong đó lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng 3.028 ha, ngô và rau màu 1.342 ha, cây công nghiệp (cây dâu, quế, chè, dong riềng) 796 ha, cây lâm nghiệp 215 ha, cây ăn quả 119 ha.

Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh minh họa)

Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã có văn bản 6343/CĐBVN-TC gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT xem xét, miễn phí sử dụng đường bộ cho phương tiện chở hàng hóa hỗ trợ bà con vùng bão lũ.

Giá vàng nhẫn tròn bán ra lên mức 79,2 triệu đồng.

Sáng nay (15/9), giá vàng nhẫn tròn tiếp tục tăng lên mức 79,2 triệu đồng, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Giá vàng SJC duy trì mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục