Tiền thân của các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay là các nông, lâm trường quốc doanh. Sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, khi đất nước tiến hành khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều nông, lâm trường quốc doanh được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang mở rộng diện tích canh tác, phát triển sản xuất nông, lâm sản cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Trước yêu cầu về đổi mới, ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Đây là nền tảng pháp lý để chuyển đổi các nông, lâm trường quốc doanh thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp.
Có thể nói, kể từ khi thành lập đến bắt đầu đổi mới, các công ty nông, lâm nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; là nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn; hình thành các điểm văn hóa, trung tâm kinh tế - xã hội, thị trấn, thị tứ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có nhiều khó khăn...
Tuy nhiên, trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay thì mô hình công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước quản lý không còn phù hợp, sản phẩm của các nông, lâm trường chưa đa dạng, chất lượng còn thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao. Số nông, lâm trường sản xuất - kinh doanh hiệu quả chưa nhiều, mức nộp ngân sách hằng năm ít. Đời sống cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân viên trong các nông, lâm trường khá phổ biến. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân với nông, lâm trường xảy ra ở nhiều nơi, tạo ra những điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Sau hơn 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, tỉnh Yên Bái đã tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện chuyển đổi 4 công ty lâm nghiệp sang công ty cổ phần là: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngòi Lao, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Việt Hưng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Bình và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà; giải thể 2 lâm trường là: Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên; hoàn thành việc sáp nhập Lâm trường Văn Chấn vào Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, đến nay tỉnh Yên Bái vẫn chưa cổ phần hóa được các công ty lâm nghiệp do các công ty lâm nghiệp của tỉnh đều có quy mô nhỏ, giá trị tài sản thấp, diện tích đất sử dụng không lớn (tổng diện tích 4 công ty lâm nghiệp là 4.677,8 ha); diện tích được giao quản lý, sử dụng không tập trung, dàn trải, chủ yếu tập trung ở vùng sâu vùng xa, địa hình đi lại khó khăn, phương thức sản xuất kinh doanh lạc hậu, chủ yếu giao khoán cho người lao động tự chăm sóc.
Không những thế, diện tích đất của các công ty lâm nghiệp có nhiều biến động qua các thời kỳ, tình trạng xâm lấn ranh giới sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật của các công ty nông, lâm nghiệp với ranh giới sử dụng đất của nhân dân còn diễn ra ở nhiều địa phương; tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân còn chồng lấn…
Chưa giải thể được Lâm trường Lục Yên và Văn Yên vì tài sản trên đất của 2 lâm trường do các hộ dân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng trên đất của lâm trường, tài sản thuộc sở hữu của các lâm trường hiện nay đang quản lý như hệ thống nhà cửa, vật kiến trúc xuống cấp nghiêm trọng; công nợ phải thu xác định không có nên chỉ xác định thu hồi giá trị tài sản theo phương án tận thu, giá trị thấp trong khi đó số nợ phải trả của 2 lâm trường lớn với tổng số nợ phải trả là 69,33 tỷ đồng, trong đó số nợ phải trả của Lâm trường Lục Yên là 56,34 tỷ đồng; Lâm trường Văn Yên là 12,98 tỷ đồng…
Để hoàn thành mục tiêu sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, thời gian tới các công ty cần đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động; tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả, dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp. Cùng đó, tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; hoàn thiện quy định pháp luật về mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên; cơ chế chính sách về tài chính doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giải quyết các tồn tại về tài chính đối với các lâm trường giải thể mất khả năng thanh toán; chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với ngành sản xuất lâm nghiệp; có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng...
Khẩn trương thực hiện và hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi hình thức sử dụng đất cho phù hợp; giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các công ty lâm nghiệp, lâm trường, doanh nghiệp Nhà nước và người dân. Nghiên cứu đề xuất ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu để đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất; đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.
Có cơ chế quản lý, giao khoán rừng và liên kết với người dân trồng rừng phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân và địa phương vùng trồng rừng. Đổi mới cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, gắn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu với kết quả hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, tinh gọn bộ máy. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong quản lý, quản trị doanh nghiệp.
Tinh tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, đất đai và kinh doanh có lãi; đạt được tiêu chí phổ biến về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
Quang Thiều