Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2024)

Tháng Tám trên những công trình trọng điểm

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/8/2024 | 2:00:14 PM

YênBái - Sau nhiều ngày mưa lũ, bầu trời Yên Bái thêm xanh trong, ánh nắng như dát vàng khắp miền quê. Trên các công trường trọng điểm của tỉnh là một không khí thi đua sôi nổi để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, lập thành tích chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024).

Các nhà thầu Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái huy động máy móc, phương tiện, tập trung thi công.
Các nhà thầu Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái huy động máy móc, phương tiện, tập trung thi công.


Niềm vui được nhân đôi với nhân dân thành phố Yên Bái nói riêng và toàn tỉnh Yên Bái nói chung là công trình kè chống lũ suối Cầu Dài, khu vực km 3 thành phố Yên Bái được khởi công và đẩy nhanh tiến độ. Có mặt trên công trường, chúng tôi thấy rộn rã của những chiếc xe máy công trình cỡ lớn liên tục làm việc. Đứng trên cầu phóng tầm mắt về phía thượng lưu, từng mảng bê tông được sắp xếp ngay ngắn từ mép nước lên tận đỉnh kè, phía dưới lòng suối những chiếc máy xúc đang cần mẫn nạo vét bùn đất. Phía hạ lưu, từng tốp công nhân miệt mài đan sắt làm khuôn đổ bê tông thân kè. 

Anh Nguyễn Thành Nam - cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Đồng Tiến cho biết: "Tranh thủ thời tiết nắng ráo, anh em phơi đất để thi công phần hành lang đường kè”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh giải thích: Độ ẩm của vật liệu có liên quan chặt chẽ đến độ chặt của nền đường kè, nếu độ ẩm của đất không phù hợp sẽ ảnh hưởng tới độ chặt của mặt đường kè. Để nền đạt tiêu chuẩn phải chọn những mỏ đất có kết cấu tốt, khi nắng sẽ không bị hiện tượng nứt nẻ chân chim". 

Ông Trịnh Xuân Hùng - Giám đốc TNHH Đồng Tiến cho biết: Thời gian qua, công tác thi công thường xuyên gián đoạn do chưa có mặt bằng sạch. Cùng đó, thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công. 

"Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố, chủ đầu tư, các "nút thắt” về mặt bằng đã được tháo gỡ. Chúng tôi sẽ tận dụng thời tiết thuận lợi, phân ca, chia kíp đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo tiến độ đề ra” - ông Hùng nói. 

Được biết, gói thầu kè suối Cầu Dài có tổng mức đầu tư 192,2 tỷ đồng, đến nay khối lượng thi công ước đạt khoảng 40%. 

Ông Hoàng Việt Hóa - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh chia sẻ: "Chúng tôi tiếp tục đôn đốc các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị máy móc, phương tiện, tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công; trong đó, xây dựng cả phương án thi công trong ngày mưa gió. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công; tập trung giải quyết các hạ tầng đi kèm, nhất là vấn đề xử lý nước thải; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ thi công, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn…”. 

Dưới cái nắng vàng như rót mật những ngày đầu thu, trên tuyến đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15), hàng trăm công nhân trên công trình xây dựng hăng say làm việc.

Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang chia sẻ: Tuyến đường có chiều dài gần 69 km được xây dựng theo quy mô đường cấp IV miền núi với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng. Tuyến đường có điểm đầu tuyến thuộc địa phận xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải; điểm cuối tuyến thuộc địa phận xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Công trình có bề rộng nền đường 7,5 m; bề rộng mặt đường 5,5m, có công trình thoát nước thiết kế vĩnh cửu. 

Thời gian thi công công trình trong 6 năm kể từ năm đầu bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án. Đây là công trình giao thông thuộc nhóm A, có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay với diện tích đất được thu hồi gần 149 ha. Công trình hoàn thành sẽ kết nối thị trấn và các xã Chế Cu Nha, Nậm Có của huyện Mù Cang Chải; xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao IC15), phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 32, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân nơi vùng cao Yên Bái. 

Sau khoảng 2 năm thi công đến nay, khối lượng thực hiện đạt trên 10%. Cụ thể, gói thầu số 14 (Km0+00 - Km10+00) đã thi công xong 1,2 km/10 km nền đường, 2 vị trí tường chắn, giá trị đã thực hiện khoảng 14,5 tỷ đồng/328,6 tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch; gói thầu số 15 (Km10+00 - Km20+00), hiện nay các đơn vị đang thi công đào nền đường, công trình thoát nước, giá trị đã thực hiện khoảng 11,5 tỷ đồng/238,9 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch. 

Gói thầu số 16 (Km20+00 - Km30+00), hiện đang thi công đào, đắp nền đường, công trình thoát nước; thi công cơ bản xong cầu Nậm Có, giá trị đã thực hiện khoảng 53 tỷ đồng/275,7 tỷ đồng, bằng 19,2% kế hoạch. 

Gói thầu số 23 (Km30+00 - Km40+00) giá trị hợp đồng 308,8 tỷ đồng, hiện nay đang triển khai thi công đường công vụ. Gói thầu số 25 (Km60+00 - Km68+950) đã thi công hoàn thành cầu Ngòi Hút, hiện đang triển khai thi công đào, đắp nền đường, công trình thoát nước, cấp phối đá dăm, giá trị đã thực hiện khoảng 60 tỷ đồng/165,3 tỷ đồng, bằng 36,4% kế hoạch...

Qua trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái (đơn vị chủ đầu tư tuyến đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) được biết, mặc dù đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng kết quả vẫn triển khai chậm do công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu; một số vị trí hạ lưu cống thoát nước phải xả vào khe nước, lòng suối theo địa hình nhưng người dân tự ý nhận đất và ngăn cản thi công tại các vị trí này. 

Đường công vụ thường xuyên phải duy tu sửa chữa với khối lượng lớn; vận chuyển vật liệu, nhiên liệu đến tuyến thường xuyên bị gián đoạn do thời tiết. Trong quá trình thi công thường xảy ra phát sinh vướng mắc liên quan đến mặt bằng do các đề nghị không chính đáng của người dân. 

Diện tích đất thu hồi chủ yếu là của các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, các hộ gia đình thường không ở tại nơi có đất thu hồi, do vậy việc mời các hộ dân ký, xác nhận nguồn gốc, hoàn thiện phương án bàn giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Còn tình trạng một số hộ dân tại bản Tu San, bản Tào Xa Chải ra nhận đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải và UBND xã Nậm Có (lý trình từ Km18+00 - Km43+00) ngăn cản không cho đơn vị thi công… 

Trong tháng 5,6,7/2024 thời tiết mưa nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ thi công, tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đôn đốc đơn vị thi công tập trung máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng; khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phát sinh trong quá trình thi công; tổ chức nghiệm thu, thanh, quyết toán các khối lượng hoàn thành để bảo đảm tiến độ giải ngân.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm tra, xử lý, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo đúng hợp đồng, cam kết trong hồ sơ dự thầu, nhất là việc bố trí nhân lực, vật lực, máy móc, trang thiết bị phục vụ thi công, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường… 

Hòa mình vào không khí thi đua lao động, sản xuất trên những công trình trọng điểm, chúng tôi càng thêm trân trọng nỗ lực vượt qua gian khó của đội ngũ kỹ sư, công nhân để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Những thành quả lao động hôm nay của các anh, các chị là những đóng góp lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Quang Thiều

Tags Tháng Tám công trình trọng điểm Cách mạng tháng Tám 19/8

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị

Ngày 19/8, Sở Công thương Yên Bái phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn tỉnh. Trên 70 doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và hộ trồng quế trên địa bàn 3 huyện Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn đã tham gia Hội nghị.

Thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa được trên 231 km mặt đường bê tông xi măng, đạt gần 58% kế hoạch, nâng tổng số đường được bê tông hoá của tỉnh lên trên 6.200 km.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng.

Người dân thanh toán hóa đơn mua hàng tại siêu thị Điện máy Xanh, thành phố Yên Bái.

Nhờ chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, hoạt động bán lẻ, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, doanh thu và lượng khách đều tăng cao so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian mang đến nhiều triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục