Người Làng Câu vượt khó

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/2/2025 | 9:19:56 AM

YênBái - Làng Câu là thôn đặc biệt khó khăn của xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, có 90% là đồng bào Dao sinh sống. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, kinh tế bấp bênh, đói kém. Nhưng với tinh thần vươn lên, nhiều người Làng Câu đã chăm chỉ chịu khó lao động, sản xuất, vượt lên đói nghèo.

Người dân Làng Câu trao đổi kinh nghiệm thu hoạch và chế biến quế.
Người dân Làng Câu trao đổi kinh nghiệm thu hoạch và chế biến quế.


Anh Bàn Văn Minh là người Dao, sinh ra, lớn lên ở Làng Câu. Như nhiều gia đình ở Làng Câu trước kia từng khó khăn, thiếu thốn, gia đình anh Minh cũng không ngoại lệ. Không cam chịu đói nghèo, anh Minh quyết tâm tìm cách làm giàu. 

"Từ năm 1985, việc phát triển rừng sản xuất, đặc biệt là cây quế đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn xã. Bắt nhịp với phong trào trồng rừng đó, gia đình tôi đã chủ động chuyển từ canh tác nương rẫy thuần túy sang trồng rừng sản xuất, chuyển đổi từ trồng cây có giá trị thấp sang trồng quế. Tôi quyết tâm phát triển kinh tế từ cây quế nên cùng gia đình làm nương rẫy đến đâu thì đem cây quế vào trồng đến đó” - anh Bàn Văn Minh chia sẻ. 

Chăm chỉ lao động sản xuất, đến nay, gia đình anh Minh đã có hơn 60ha quế, trong đó diện tích đã và đang cho thu hoạch là hơn 45 ha, còn hơn 15ha là quế từ 1 đến 3 năm tuổi. Gia đình anh Minh còn tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi gia cầm. Từ trồng quế, tăng gia sản xuất, gia đình anh Minh có thu nhập khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 6 - 8 lao động với mức thu nhập từ 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Trần Văn Thu cũng là một trong những điển hình vươn lên ở Làng Câu. Ông Thu cho biết: "Khi mới ra ở riêng, gia đình tôi cũng giống như các gia đình trong thôn, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bản thân tôi luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Nhận thấy nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, màu mỡ và thế mạnh từ cây quế mang lại, tôi đã bàn bạc với gia đình trồng quế trên diện tích đất của gia đình. Tôi đã được chính quyền tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ thuật trồng quế và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua quế giống”. 

Trong thời gian đầu quế chưa được thu hoạch và chưa có thu nhập, ông Thu cùng gia đình tích cực trồng xen canh cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện cuộc sống. Khi bắt đầu có thu nhập từ cây quế, ông bàn với vợ mua thêm đất để mở rộng diện tích quế. Đến nay, gia đình ông Thu có hơn 20ha quế, trong đó hơn 15ha đã và đang cho thu hoạch và hơn 5ha là quế từ 1 - 3 năm tuổi. Trồng quế kết hợp với chăn nuôi, đến nay, từ các nguồn thu trong lao động, sản xuất, gia đình ông có tổng thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 3 - 5 lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. 

Ông Thu phấn khởi: "Từ một gia đình có điều kiện kinh tế bình thường, đến nay gia đình tôi đã có của ăn của để, mua sắm được các trang thiết bi phục vụ cuộc sống và nuôi con cái ăn học”. 

Trưởng thôn Làng Câu - Triệu Thừa Quyên chia sẻ: "So với trước đây, có thể nói cuộc sống ở Làng Câu giờ đã thay da, đổi thịt. Trong thôn, nhiều người là những tấm gương cho bà con học tập về tinh thần lao động sản xuất, vượt lên đói nghèo, như ông Trần Văn Thu, ông Nguyễn Văn Tân, anh Bàn Văn Minh hay chị Đặng Thị Thêm. Không những vậy, người Làng Câu còn đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế như cho vay không lãi trên 300 triệu đồng, hướng dẫn, giúp đỡ về cây con giống, tạo công ăn việc làm cho nhau…”. 

Có điều kiện kinh tế khấm khá hơn, người Làng Câu lại đoàn kết cùng nhau xây dựng thôn bản. Thời gian qua, người Làng Câu đã đồng thuận hiến trên 20.000 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đóng góp trên 1,2 tỷ đồng để xây dựng, mở mới và mở rộng trên 8 km đường giao thông nông thôn; góp trên 200 công lao động để xây mới và sửa chữa 2 nhà đại đoàn kết; cùng nhau xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước thôn bản để xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư…

Tinh thần vượt khó và sự đoàn kết của người Làng Câu sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng để Làng Câu thêm đổi thay, no ấm.

Thu Hạnh

Tags Làng Câu Tân Hợp Văn Yên đồng bào Dao người dân

Các tin khác
Du lịch Mù Cang Chải thu hút nhiều du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Là cửa ngõ khu vực Tây Bắc với nhiều dân tộc sinh sống, có điểm nhấn với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Nghệ thuật Xòe Thái và 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Yên Bái đang định hình được sản phẩm du lịch chủ đạo của mình, đó là du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 69, nhiều hộ dân ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập cao. Ảnh: Văn Tuấn

Sau mỗi dịp tết Nguyên đán, số lượng đàn gia súc, gia cầm tại Yên Bái sụt giảm đáng kể do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Để bảo đảm nguồn cung và khôi phục sản xuất chăn nuôi, việc tái đàn cần được triển khai đồng bộ, bảo đảm an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về những giải pháp cụ thể giúp ngành chăn nuôi phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững.

Đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 16/CĐ-TTg đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

NHNN cung cấp thông tin về người có liên quan của thành viên HĐQT, BKS, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục