Bám sát, cụ thể hóa triết lý phát triển của tỉnh Yên Bái: "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trong lĩnh vực công nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp xây dựng và ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 06/CTr- UBND ngày 25/6/2021 thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TU; ban hành Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 phê duyệt và triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Từ đó, tạo cơ sở quan trọng về định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp theo bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; trong đó, định hướng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: chế biến nông lâm sản; khai thác chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu; phát triển năng lượng sạch như thủy điện, năng lượng tái tạo... Định hướng quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp, đưa doanh nghiệp sản xuất vào các khu công nghiệp, xử lý triệt để các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường...
Bí thư Tỉnh ủy Trần Huy Tuấn khẳng định: "Nghị quyết số 29 đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, ngành công nghiệp đã từng bước có chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất kinh doanh tại Yên Bái”.
Với phương châm "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tập trung thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng theo hướng sản xuất xanh. Yên Bái đã và đang định hướng thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, chất bán dẫn, phát triển công nghiệp xanh, thúc đẩy tiêu dùng xanh để phù hợp với chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, từng bước chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo chủ trương của Chính phủ.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh chú trọng hạn chế đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp, các dự án có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, gia công sử dụng nhiều lao động. Đồng thời ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng nhu cầu về diện tích đất công nghiệp thấp và áp dụng các công nghệ, giải pháp sử dụng hiệu quả và sản xuất sạch hơn theo hướng chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái.
Thống kê trong 4 năm (2021 – 2024), tỉnh đã đầu tư trên 300 tỷ đồng phát triển hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thu hút mời gọi được 1 tập đoàn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; mời gọi, lựa chọn được một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trong đó, Khu Công nghiệp Trấn Yên với tổng mức đầu tư trên 1.860 tỷ đồng; Cụm Công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3, Y Can, Hợp Minh, tổng vốn đầu tư trên 2.700 tỷ đồng.
Các khu, cụm công nghiệp được xây dựng không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất mà còn chú trọng đến việc đảm bảo bảo vệ môi trường, hạn chế tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Nhờ đó đến nay, tỉnh đã thu hút được 85 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký sử dụng 455 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình trong các khu công nghiệp đạt trên 80%; đã thành lập mới 1 cụm công nghiệp Tân Hợp với diện tích 12 ha.
Theo ông Vũ Vinh Quang – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái, đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 15 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích trên 773,78 ha, thu hút được 55 dự án đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp; tổng số vốn đăng ký là trên 3.700 tỷ đồng; 42 dự án đã đi vào sản xuất, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 40%.
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi sang công nghiệp xanh, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tích cực đầu tư vào công nghệ sạch, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đạt trên 76%; các cụm công nghiệp bình quân đạt trên 60%; tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
Một trong những điểm sáng là công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thủy sản từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại và bền vững. Tỉnh chú trọng phát triển vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Cụ thể, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, rừng có Chứng chỉ FSC; thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chè, sắn, quế, măng tre…
Tỉnh cũng đã thu hút và hoàn thành đầu tư một số nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao, sản xuất một số sản phẩm mới như: tơ tằm, viên gỗ nén. Các sản phẩm chế biến sâu đã gia tăng về số lượng và chất lượng, giúp tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản cũng đã có những bước chuyển dịch tích cực từ khai thác thô sang chế biến sâu nhằm tăng giá trị các sản phẩm khoáng sản và tiết kiệm tài nguyên.
Công nhân Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn sản xuất sản phẩm sứ cách điện.
Đến nay, tỉnh đã từng bước thu hút được các nhà đầu tư lớn, dự án lớn như: dự án sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm nhựa - Công ty cổ phần Nhựa châu Âu Yên Bái, tổng công suất 450.000 tấn/năm; dự án sản xuất các sản phẩm gỗ và ván lát sàn SPC Thiên Hòa - Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hòa, sản phẩm ván lát sàn SPC 1 triệu m2/năm; tủ bếp 100.000 bộ/năm; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2024 đạt 18.480 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kịch bản và bằng 100,4% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 9,23% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 3.400 doanh nghiệp (riêng năm 2024, có 333 doanh nghiệp và 113 hợp tác xã được thành lập mới). Năm 2024, các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 1.514 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng thu cân đối trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2024, Yên Bái cấp mới quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 39 dự án, tổng vốn đăng ký gần 11.100 tỷ đồng và 5,27 triệu USD.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: "Bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Yên Bái. Các biện pháp bảo vệ môi trường được triển khai nghiêm ngặt, từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện và giám sát. Các cơ sở sản xuất công nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và khí thải; đồng thời, áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu ô nhiễm. Tỉnh đã xây dựng các cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm môi trường. Mặc dù, gặp phải nhiều khó khăn do điều kiện địa lý và nguồn lực hạn chế nhưng tỉnh Yên Bái đã nỗ lực bảo đảm rằng các hoạt động sản xuất công nghiệp không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đời sống người dân”.
Phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định mình trong xu thế hiện nay. Các doanh nghiệp phải xem đây là "cuộc cách mạng”, muốn thành công cần có tư duy và hành động đột phá. Tuy nhiên, để việc phát triển bền vững không dừng lại là một phong trào, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có thêm các chính sách và giải pháp từ các cơ quan quản lý giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, xanh và bền vững.
Thu Trang
Bài cuối: Lan toả khát vọng "Xanh”