Thuật ngữ "phát triển xanh” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiện nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”. Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 trong báo cáo Brudtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future) của Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Uỷ ban Brudtland).
Báo cáo này ghi rõ: Phát triển xanh là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…”. Nói cách khác, phát triển xanh phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội… phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hoà 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội – môi trường.
Cùng với nhiều nước trên thế giới, phát triển xanh hiện đang là một trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia ở Việt Nam, nhằm giảm thải các - bon, hướng đến nền kinh tế xanh. Tại Yên Bái, cụm từ "phát triển xanh” ngày càng được nhắc tới nhiều khi triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc” được đưa vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội nói chung và triết lý phát triển "xanh” nói riêng, Đại hội đã đề ra phương hướng phát triển, trong đó có nội dung "bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện, trong đó tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; tích cực, chủ động thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy vai trò của người dân và cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó có thể thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên, môi trường theo định hướng phát triển tỉnh Yên Bái nhanh, bền vững theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.
Để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chương trình đề ra các nội dung, nhiệm vụ trong tâm, xuyên suốt về tài nguyên và môi trường trong toàn nhiệm kỳ. Cụ thể như: Lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, ban hành mới Nghị quyết của Tỉnh uỷ về tăng cường năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; xây dựng Đề án tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng đội môi trường tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025.
Cùng với đó, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-UBND ngày 31/8/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh) nhằm cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Yên Bái đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Các quyết sách đã khẳng định nỗ lực của Yên Bái với quyết tâm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giữ vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.
Ông Trần Ngọc Luận – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Tài nguyên tỉnh cho biết: "Thời gian qua, ngành tài nguyên môi trường đã tập trung, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên môi trường, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, ngành đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên và môi trường, trong đó tiêu biểu là ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chuyên đề về bảo vệ môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên đất, nước… tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023. Theo đó, quy hoạch tỉnh Yên Bái đã tiếp tục thể hiện triết lý và khát vọng "Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”.
Cùng với đó, tham mưu, ban hành và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh để tăng cường công tác quản lý tài nguyên và môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường được, qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường”.
Lực lượng kiểm lâm huyện Trấn Yên tham gia trồng rừng.
Thực tế cho thấy, đến nay, tỉnh đã hạn chế tối đa việc chuyển mục đích đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, đất trồng lúa năng suất cao sang mục đích khác; nâng cao công tác quản lý bảo vệ khoáng sản, coi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; quan tâm tới các tiềm năng, lợi thế của địa phương; chú trọng chế biến sâu các loại khoáng sản đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên. Yên Bái cũng đặc biệt nhấn mạnh hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản gắn với phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Tỉnh cũng đề ra định hướng bảo vệ môi trường phải lấy phương châm phòng ngừa là chính, kết hợp với công tác kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo đảm sự quản lý tổng hợp và thống nhất liên ngành, liên vùng, vừa bảo đảm toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm và bước đi phù hợp trong từng giai đoạn, lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân là mục tiêu hàng đầu.
Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được thực hiện trên quan điểm quản lý gắn với khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường đảm bảo cân bằng sinh thái và an ninh quốc phòng của tỉnh Yên Bái nói riêng và của Việt Nam nói chung. Bảo tồn thiên nhiên dựa trên cơ sở phát huy tối đa vai trò của cộng đồng, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, đảm bảo quyền lợi quốc gia, đồng thời chú trọng thoả đáng tới lợi ích các ngành, các địa phương, đặc biệt là lợi ích cộng đồng và người dân bản địa.
Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, Yên Bái phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện bền vững "Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”, thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả đất nước.
Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Yên Bái đã phân bổ tổng kinh phí sự nghiệp môi trường là 395,42 tỷ đồng. Việc bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường bước đầu góp phần thực hiện được một số nội dung trong các Chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. |
Thu Trang
Bài 2: "Xanh" hóa để phát triển bền vững