Phấn đấu đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh và bền vững theo hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” là phương hướng, mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, Yên Bái đã chủ động, nỗ lực, chung sức đồng lòng để hiện thực hóa mục tiêu đó bằng quyết tâm chính trị cao.
Một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là: "Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 20 ngày 20/1/2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
Trấn Yên là huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Cụ thể hóa Nghị quyết 20, Huyện ủy Trấn Yên đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 34 để thực hiện .
Ông Trần Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân, đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động nhân dân thực hiện”.
Thu mua, sơ chế măng tre Bát độ tại Công ty TNHH An Dũng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trấn Yên xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, hướng đến hỗ trợ phát triển các chủ thể kinh tế nông thôn gắn với sản phẩm địa phương để phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản địa phương, các sản phẩm tiềm năng, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững. Đồng thời là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Trấn Yên trở thành huyện NTM nâng cao.
Để thực hiện, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển các sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Đến hết năm 2022, Trấn Yên đã phát triển được 33 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. 100% xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP. Địa phương cũng đã xây dựng Đề án huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với đô thị hóa, giai đoạn 2021 - 2025…, phấn đấu hoàn thành mục tiêu này vào năm 2024.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 29 ngày 24/1/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn cho biết: "Thực hiện Nghị quyết 29, Huyện ủy, UBND huyện Văn Chấn đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Công an huyện, Đội Quản lý thị trường, Chi cục Thuế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những doanh nghiệp công nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường…, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp công nghiệp sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật”.
Đồng thời, huyện triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phát triển phù hợp với cơ chế thị trường, thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh lành mạnh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; triển khai thực hiện các chương trình, quy hoạch của ngành.
Năm 2021, 2022, Văn Chấn đã hỗ trợ kinh phí đầu tư đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến, sản xuất cho một số đơn vị chế biến chè, gỗ ván bóc, chế biến tinh dầu quế trên địa bàn từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương với kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của Văn Chấn ước đạt 1.463 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 3% so với năm 2021, đạt 103% kế hoạch giao. Chế biến chè là một ngành chủ yếu và mang tính bền vững trong phát triển công nghiệp nông thôn, chiếm 32,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện hàng năm, giá trị năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 423,9 tỷ đồng, năm 2022 ước đạt 430 tỷ đồng. Đến hết tháng 11 năm 2022, trên địa bàn huyện có 80 đơn vị tham gia lĩnh vực sản xuất, chế biến chè, tăng 7 đơn vị so với năm 2020…
Cùng đó, huyện tiếp tục tập trung phát triển, khuyến khích tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu như sản xuất, chế biến nông - lâm sản, khoáng sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở những lĩnh vực có thế mạnh, lợi thế gắn với bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh... là một trong những quan điểm nêu tại Nghị quyết số 28 ngày 24/2/2021 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có mục tiêu "tiếp tục đầu tư xây dựng, hình thành và phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh". Vùng du lịch miền Tây của tỉnh là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm đó.
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 28, Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên và các di sản văn hóa trên địa bàn.
Cùng đó, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan chuyên môn bắt tay ngay vào việc triển khai các giải pháp cơ bản có tính chất nền móng, động lực cho phát triển du lịch huyện nhà, xây dựng các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các xã, thị trấn làm cơ sở để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và định hướng phát triển du lịch nói riêng.
Huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt Đề án "Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025”, đồng thời chỉ đạo xây dựng và ban hành các đề án vừa mang tính chất định hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung, vừa có tính chất hỗ trợ phát triển du lịch. Quan điểm được nhấn mạnh trong Đề án "Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, "Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”.
Du khách cùng chủ homestay ở Mù Cang Chải trải nghiệm du lịch xanh ở Mù Cang Chải.
"Có thể nói, Nghị quyết số 28 của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện Mù Cang Chải được triển khai rất bài bản, khoa học, thống nhất từ trên xuống dưới. Các quan điểm và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định rõ ràng, sát thực và có tính khả thi cao. Đó chính là xương sống đảm bảo quan điểm phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh theo định hướng của Nghị quyết” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải Nông Việt Yên khẳng định.
Những nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 28 đã thổi luồng sinh khí mới cho du lịch vùng cao Mù Cang Chải dựa trên khai thác, biến tiềm năng thành "tiền năng". Trong năm 2022 - năm đầu tiên trở lại trạng thái "bình thường mới" sau dịch Covid-19, huyện đẫ đón trên 350.000 du khách, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 270 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn và giảm nghèo bền vững, là cơ sở để tiệm cận mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch.
"Tích cực, chủ động thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững” cũng là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có những trao đổi rõ hơn về những giải pháp tạo đột phá trong thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
P.V: Với mục tiêu phấn đấu trở thành một tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của vùng vào năm 2030, việc thu hút đầu tư đã và đang được coi là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Xin ông cho biết, tỉnh có những giải pháp nào nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư?
Ông Đoàn Hữu Phung: Để có thể tiếp tục tận dụng hiệu quả những cơ hội để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Yên Bái đã đề ra những giải pháp tạo đột phá trong thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Theo đó, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xác định đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong từng thời kỳ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI).
Tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong và ngoài Nhà nước; tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.
P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về giải pháp xác định đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong từng thời kỳ?
Ông Đoàn Hữu Phung: Đó là xây dựng chương trình thu hút đầu tư của tỉnh theo từng giai đoạn từ 2023 - 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, thu hút vốn FDI theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ thuật cao.
Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tập trung cho các công trình hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, hạ tầng kỹ thuật các đô thị trọng điểm. Vốn đầu tư trong nước tập trung vào các doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh ở các ngành nghề thế mạnh của tỉnh; đồng thời quan tâm thu hút các nhà đầu tư phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa bàn.
Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, những ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, các dự án áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tạo ra sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho thu ngân sách Nhà nước và xuất khẩu.
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư đối với các lĩnh vực xã hội, khuyến khích áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
P.V: Đến nay, Yên Bái đã đạt được những kết quả như thế nào trong thu hút đầu tư, thưa ông?
Ông Đoàn Hữu Phung: Với quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo vị thế, động lực mới trong thu hút đầu tư, trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông đồng bộ và có tính kết nối cao với các địa phương, nhất là qua tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hạ tầng đô thị. Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin; tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu của trung ương, của tỉnh phục vụ chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp và kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư cùng đồng hành, tham gia.
Kết quả trong thời gian qua, Yên Bái đã đón nhiều nhà đầu tư trên các lĩnh vực với số lượng, quy mô dự án và tầm cỡ đầu tư ngày càng tăng; nhiều dự án có tác động tích cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh có 339 dự án được cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 60.000 tỷ đồng và trên 300 triệu USD. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông - lâm nghiệp và thủy sản.
Trong 11 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 7.450 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 599 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 91.280 tỷ đồng và 381,8 triệu USD.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Vingroup, TH, Euro Window, Hoa Sen, APEC, Alphanam, Cường Thịnh Thi, Bảo Lai... đã và đang thực hiện các dự án quy mô lớn và là lĩnh vực thế mạnh của Yên Bái. Các dự án triển khai đi vào hoạt động đã có những đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của tỉnh, tạo nhiều việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Chung sức, đồng lòng vì mục tiêu Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, những thành quả đã bước đầu hiện hữu, hứa hẹn những"mùa trái ngọt”.
■ Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh:
Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” là một trong những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định cần tập trung triển khai trong nhiệm kỳ này nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh.
Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng, sớm ban hành đồng bộ hệ thống văn bản, đề án, chính sách bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực từ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bao gồm: 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; 55 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 49 nghị quyết, 23 đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tư duy đổi mới, thể hiện quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi với nhân dân thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên về xây dựng nông thôn mới.
Đây là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trên từng lĩnh vực đảm bảo theo đúng định hướng, mục tiêu, quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm; trong đó, ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên vùng, hạ tầng đô thị kết nối với nông thôn, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi…
Thường xuyên chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện, tạo sức lan tỏa và động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã làm tốt việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích thích đầu tư. Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch...
Chính nhờ cách làm khoa học, đúng đắn, hiệu quả, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng GRDP năm 2022 ước đạt 8,62%, cao nhất kể từ năm 2015; bình quân từ đầu nhiệm kỳ đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trong đó: tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,95%, cao nhất trong vùng; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng, riêng ngành công nghiệp tăng 16,66%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng; khu vực dịch vụ tăng 6%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,05%, vượt 1,05% so với kế hoạch. Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, tăng 4,46%, vượt 1,37% so với kế hoạch. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hợp tác xã rau an toàn Minh Tiến, xã Y Can, Trấn Yên.
Từ những kết quả trên, tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu: Phát triển tỉnh Yên Bái nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Thu Hạnh- Thanh Ngà - Thành Trung