Hợp Minh trên đà đô thị hóa
- Cập nhật: Thứ ba, 28/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhìn trên bản đồ hành chính huyện Trấn Yên (Yên Bái), xã Hợp Minh có vị trí là trung tâm cụm các xã phía hạ huyện. Do vậy mà việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương có tác động không nhỏ tới sự phát triển chung của cả vùng.
Sx nông nghiệp ở Hợp Minh đang chuyển mạnh theo hướng nâng cao giá trị hàng hoá với trên một nửa diện tích lúa được gieo cấy bằng giống chất lượng cao.
|
Xác định được như vậy nên mục tiêu năm 2007 xã đề ra: phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên, (trong đó nông – lâm nghiệp tăng 18%, chuyển dịch cơ cấu nông – lâm nghiệp bằng 72%, thương mại – dịch vụ là 28%) và thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/ người; văn hoá - xã hội: duy trì phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân và xây dựng đời sống văn hoá; giữ vững an ninh – quốc phòng. Là địa phương đất không rộng, tổng diện tích tự nhiên 927,9 ha, trong đó có khoảng 80 ha cấy lúa, bảo đảm an ninh lương thực cho gần 3.600 nhân khẩu. Điều kiện tự nhiên với 70% số hộ sản xuất nông nghiệp là yêu cầu bức xúc để Hợp Minh phải sớm có bước chuyển trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Những năm gần đây, xã tích cực mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi cho nông dân; hướng họ sản xuất nông phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đời sống và trở thành hàng hoá trên thị trường. Riêng cây lúa với tổng diện tích 2 vụ 146,6 ha thì có tới phần nửa là lúa thuần giá trị thương phẩm cao như: Chiêm hương, Thiên hương, Hương cốm… Rồi cây chè cũng đang dần được thay thế các nương chè giống cũ bằng trồng giống mới năng suất, chất lượng. Chính vì vậy, trên 68 ha chè có 63,3 ha chè kinh doanh, đem lại nguồn thu đáng kể cho người trồng chè.
Còn 435,5 ha rừng thì đang thực sự trở thành rừng kinh tế. Những hộ gia đình mà rừng bồ đề, keo đến tuổi khai thác đều có thu nhập vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Lợi thế có thị trường tiêu thụ lớn là thành phố Yên Bái nên xã cũng đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh mà tổng đàn luôn được giữ vững và tăng trưởng: trâu bò 250 con, lợn 3.000 con và trên 25.000 con gia cầm. Chính hướng chỉ đạo đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã tạo cho nền nông nghiệp của xã bước chuyển biến đi lên vững chắc.
Năm 1992, cầu Yên Bái xây dựng xong đã khai thông tuyến đường huyết mạch từ thị xã (nay là thành phố Yên Bái) tới các huyện phía Tây của tỉnh đã tạo cho Hợp Minh có bộ mặt mới. Rồi quốc lộ 32C, tỉnh lộ Hợp Minh – Mỵ cũng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra sự thông thương giữa xã vùng ven với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Một thị tứ sớm hình thành có nhiều cơ sở dịch vụ và sản xuất tạo thêm việc làm cho người lao động nông nghiệp.
Tính đến nay, toàn xã có 96 hộ và cơ sở kinh doanh, trong đó có 7 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 8 cơ sở chế biến nông, lâm sản và 7 hộ kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ. Những cơ sở lớn phải kể đến doanh nghiệp chế biến chè Hữu Hảo; xưởng gạch Hợp Minh thuộc Công ty cổ phần gạch Xuân Lan, xưởng gạch của gia đình ông Dật...
Cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp - thương mại, dịch vụ. Vậy mà chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Trấn Yên đã mở phòng giao dịch tại đây để cung ứng kịp thời nguồn vốn vay phục vụ sản xuất; một số trung tâm cung ứng lao động cũng lấy đây là địa điểm mở văn phòng giới thiệu việc làm.
Đáp ứng yêu cầu xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho nhân dân, trong năm 2006 xã mở 6 lượt hội nghị tư vấn, đã tạo việc làm tại địa phương cho 15 trường hợp, làm việc trong nước 22 người, học nghề tại trường dạy nghề 6 người cùng 12 lao động xuất khẩu tại Ma-lai-xi-a. Số hộ nghèo cũng giảm từ 49 hộ (theo điều tra năm 2005) xuống còn 27/ 993 hộ toàn xã. Chưa phải là xã giàu, nhưng Hợp Minh sớm biết kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hoá - xã hội để tạo thế phát triển bền vững.
Từ đầu năm đến nay, nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng có cả hội diễn cụm xã được tổ chức tạo không khí phấn khởi trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ngày hội "Đại đoàn kết" gắn liền với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá thu hút hầu hết các gia đình ở 9 thôn bản. Đã có 911 hộ đăng ký và gần 500 hộ đạt gia đình văn hoá 3 năm liền; 3/9 thôn đạt “làng văn hoá” cấp huyện.
Lòng dân đã thuận thì việc vận động trẻ đến trường duy trì phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, thực hiện dân số - kế hoạch hoá gia đình, huy động sức dân trong việc xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, nhà văn hoá thôn cũng không còn là vấn đề khó khăn. Các tuyến đường dân sinh của thôn 1,3,4,6,7 cùng với cầu thôn 4; hội trường thôn trị giá trên 20 triệu đồng; sửa chữa 9 phòng học Trường trung học cơ sở cùng triển khai xây dựng Trường Mầm non Hoa Huệ; rồi nâng cấp trạm bơm điện đáp ứng yêu cầu sản xuất.., tất cả hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2007.
Nghị quyết kỳ họp lần thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI về “Điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, thị trấn thuộc huyện Yên Bình, Trấn Yên, thành phố Yên Bái” đã điều chỉnh xã Hợp Minh trở thành một đơn vị hành chính của thành phố Yên Bái. Như vậy, vùng đất “thạp đồng, đồi Vọc” càng có điều kiện để được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá. Trước mắt vẫn là tích cực phát huy nội lực, kết hợp tốt phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tạo ra bộ mặt nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCS XH) huyện Văn Chấn (Yên Bái) phối hợp với các ngành, các tổ chức xã hội đã uỷ thác cho vay thông qua các tổ chức xã hội đáp ứng kịp thời các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
YBĐT - Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính. Kể từ đó đến nay đã 62 năm trôi qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Giao thông - Vận tải Yên Bái trong thời chiến cũng như thời bình dũng cảm, sáng tạo góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và đổi mới đất nước.
YBĐT - Cũng như nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khác ở thị xã Nghĩa Lộ; thời gian gần đây, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Bắc thực hiện tự tính, tự khai, tự nộp thuế theo Luật Quản lý thuế. Được cơ quan thuế hướng dẫn, phân phát đầy đủ tờ khai, đến nay doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục, đi vào sản xuất kinh doanh ổn định.
YBĐT - Công ty cổ phần chè Văn Hưng hiện có trên 500 ha chè nguyên liệu, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ từ 1.300 đến 1.500 tấn chè thành phẩm với doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài diện tích chè hiện có, Công ty còn bảo đảm việc thu mua hết chè nguyên liệu trong dân, tạo điều kiện cho nhân dân huyện Yên Bình phát triển kinh tế và có thu nhập cao từ trồng chè.