Hướng đi cho giao thông miền núi Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 27/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chế Tạo, xã xa nhất của Yên Bái - nay dù có đường ô tô đến trung tâm, nhưng khi chúng tôi đến vẫn phải "tăng bo" bằng hai loại phương tiện: ô tô, xe ôm và bằng chính đôi chân của mình. Cách trung tâm tỉnh lỵ gần 200 km đường trải nhựa và khoảng 40 km đường đất với những cua gấp khúc kinh người, độ dốc bình quân 10 đến 15 độ, khiến có cảm giác đi bộ còn dễ chịu hơn khi ngồi sau xe ôm.
Đường về xã Chế Tạo huyện Mù Cang Chải.
|
Nhiều đoạn bò chênh vênh bên bờ vực sâu thăm thẳm. Bí thư xã Giàng A Tủa bảo: "Ồ! mùa khô này, cán bộ đến được đã là quí, chứ vào mùa mưa, nơi này coi như biệt lập với bên ngoài. Hiện giờ các công trình cầu, cống đang được xây mới nên còn cách trở, tết sau, cán bộ về xã bằng ôtô được rồi!".
Chế Tạo từ ngày có đường ôtô về xã đã đổi thay nhiều lắm. Đường liên xã từ bản Chế Tạo đi Pú Vá, Tà Xung dài 15 km đã thông cho xe máy chạy; trạm y tế xã, trường học trung tâm, nhờ ôtô chở gạch, sắt, xi măng đến đã được xây mới. Có đi tới dân mới biết, bà con vui mừng như thế nào khi con đường này được cải tạo. Giao thông là mạch máu của nền kinh tế quốc dân. Điều đó hoàn toàn đúng và càng đúng hơn đối với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái.
Đến với nhiều xã vùng cao trước năm 2004 chưa có đường ôtô về trung tâm xã như: Tân Phượng, Phan Thanh (Lục Yên), Tà Xi Láng, Túc Đán (Trạm Tấu), Chế Tạo, Nậm Khắt (Mù Cang Chải), Nậm Mười (Văn Chấn), Nà Hẩu (Văn Yên)... mới thấy đời sống đồng bào vùng cao nơi này biệt lập tự cung, tự cấp. Trẻ em và người già ít người biết ôtô; trước đây người ốm chỉ biết cúng ma, gọi hồn, chứ đi bệnh viện điều trị là cả một vấn đề nan giải vì cách trở giao thông.
Nay thì khác, 100% số xã trong tỉnh có trạm ytế, có đường giao thông đến trung tâm xã; tỷ lệ đói nghèo giảm còn 24,16% (vượt 2,14% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra). Nhiều xã vùng cao nhờ có đường giao thông nên các chương trình y tế quốc gia như: sốt rét, bướu cổ, tiêm phòng 6 loại vác- xin... đi vào cuộc sống và số người mắc bệnh giảm nhanh; tỷ lệ hộ dân nông thôn miền núi được dùng nước hợp vệ sinh tăng lên nhanh chóng.
Giám đốc Sở GTVT - Vũ Văn Quỳnh cho biết: "Trong tổng chiều dài hệ thống giao thông tỉnh trên 6.300 km thì quốc lộ là 377km, tỉnh lộ 412 km, còn lại là đường giao thông nông thôn và đường chuyên dùng khác. Cái khó của Yên Bái, là phá thế độc đạo chưa hoàn thiện; các tuyến đường triển khai theo sườn đồi núi dễ sụt lở trong mùa mưa; một số tuyến nối liền với tỉnh Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ - tuy có ý tưởng nhưng chưa có vốn đầu tư xây dựng rất khó khăn cho việc phát triển kinh tế- xã hội, nhất là khi có tình huống chiến sự xảy ra.
Đặc biệt, quốc lộ 70 từ Hà Nội đi Lào Cai (qua địa bàn Yên Bái) đã có dự án nâng cấp nhưng chưa chuyển động; một số tuyến đường ngay từ Trạm Tấu đi Bắc Yên (Sơn La), Mù Cang Chải đi Mường La (Sơn La) đã duyệt thiết kế kỹ thuật, nhưng chưa có vốn... đang là trở ngại lớn cho sự phát triển. Ngay như dạo thiết kế tuyến đường về các xã đặc biệt khó khăn, các kỹ sư tư vấn khảo sát giao thông đã phải chịu cảnh xa người thân cả vài tháng, nhiều ngày, thậm chí cả tuần không có nước tắm gội, vì vùng cao về mùa khô rất khan hiếm nước.
Khi rong ruổi trên các tuyến đường tỉnh, như: 174, 175, 170, 169... mới thấy hết sự đổi thay khi có những con đường trải nhựa đi qua. Đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào cải thiện rõ nét. Về mặt kinh tế, thì giá đất ở khu vực này tăng gấp nhiều lần so với trước. Xuất hiện hàng chục chợ đầu mối sầm uất nơi trước chỉ là chợ tạm, như ở xã: Đại Sơn, Đại Lịch, Yên Thành, Mông Sơn... Các phương tiện cơ giới trong sản xuất và sinh hoạt tăng nhanh nhờ có đường giao thông thuận tiện; mô tô, xe gắn máy trở thành phương tiện hữu dụng của nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, thay cho cảnh ngựa thồ người gánh hàng hoá như trước đây.
Với khẩu hiệu "Đường ta làm ta đi" nhân dân trong tỉnh đóng góp hàng vạn ngày công làm đường giao thông nông thôn, nối thông các tuyến liên xã, liên thôn bản. Anh Lại Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) cho biết: Nguồn vốn sự nghiệp giao thông trên cấp không nhiều, xã đã huy động sự đóng góp của dân trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch các nguồn thu, nên trong thời gian ngắn đã sớm hoàn thành 20 km đường liên thôn; 6 cầu treo qua suối Lao. Hiện 100% số thôn trong xã có đường xe máy, chấm dứt tình trạng "ốc đảo"như trước.
Đối với tỉnh miền núi như Yên Bái, ngoài việc qui hoạch mạng lưới giao thông phù hợp cho từng miền, vùng; tạo thế liên hoàn, phá thế độc đạo để làm động lực cho phát triển kinh tế xã hội, thì vấn đề nối tuyến hành lang Đông - Tây với các tỉnh trong vùng Tây Bắc đang đặt ra cấp thiết. Hiện tại, quốc lộ 70 xuống cấp trầm trọng; các tuyến 32, 37; tuyến đường sắt Hà Nội- Yên Bái- Lào Cai về mùa mưa thường xuyên bị ách tắc do sạt lở đất và hệ thống cầu đường bị mưa lũ lớn chi phối, ảnh hưởng không tốt đến phát triển mọi mặt của vùng. Để các tỉnh vùng Tây Bắc phát triển, giao thông luôn phải được đặt lên hàng đầu và đi trước một bước.
Hàng năm, Nhà nước cần bổ sung một tỷ lệ ngân sách hợp lý hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, nhất là đối với giao thông nông thôn miền núi. Chỉ có như vậy, Nghị quyết 37- NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010 mới trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - Sau khichuyển sang hoạt động theo mô hình mới, sản xuất kinh doanh của Lâm trường Thác Bà luôn ổn định và có bước phát triển, đảm bảo mọi chế độ cho người lao động và đóng góp nghĩa vụ thuế với nhà nước năm sau cao hơn năm trước.
YBĐT - Từ năm 2004 đến năm 2006, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện ba dự án mô hình giảm nghèo bền vững: phát triển đàn trâu, bò sinh sản tại một số địa phương.
YBĐT - Khi giá xăng, dầu tăng cao, kéo theo đó là giá vật liệu xây dựng cũng tăng theo, gây khó khăn cho các đơn vị thi công trong lĩnh vực XDCB. Nhiều công trình bị lỗ hàng tỷ đồng, đơn vị thi công khóc dở mếu dở sau khi ký hợp đồng...
YBĐT - Thực hiện Quyết định số 6969 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/12/2007 tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra lễ bàn giao Công ty Vật tư nông nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Yên Bái về Tập đoàn Công nghiệp tầu thuỷ Việt Nam. Dự lễ bàn giao về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí Phạm Duy Cường - ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các sở: Tài chính vật giá, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.