Trạm ở lưng chừng đèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong chuyến đi công tác đến huyện Mù Cang Chải vừa qua tôi có dịp cùng đồng chí Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện đi thăm Trạm Kiểm lâm Cao Phạ để hiểu thêm công việc khó khăn của những người gác rừng trên lưng đèo lộng gió và buốt giá này.

Rừng tự nhiên ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Đình Tứ)
Rừng tự nhiên ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Đình Tứ)

Đứng chân trên lưng đèo Cao Phạ nên nhà Trạm rất buốt giá và ẩm thấp, chiếc áo bông dày và cái khăn len dài quấn mấy vòng quanh cổ mà Trạm trưởng Trần Quang Sự vẫn run cầm cập. Mấy anh em đi bản vừa về nhúng vội tay vào chậu nước nóng cho đỡ cóng. Đẩy khúc củi vào bếp cho căn nhà ấm lên, anh Sự cho biết: "Trạm Cao Phạ có 8 anh em, có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng ở hai xã Cao Phạ và Nậm Có, trong đó Nậm Có có hơn 7 nghìn ha rừng tự nhiên, 600 ha rừng trồng và gần 1.000 ha đất trống; Cao Phạ có 5.498 ha rừng tự nhiên và 441 ha rừng trồng.

Ngoài ra, Trạm còn có chức năng kiểm soát việc buôn bán vận chuyển lâm sản vì Cao Phạ là Trạm cửa rừng". Tôi nhẩm tính, như vậy bình quân mỗi cán bộ của trạm trực tiếp quản lý và bảo vệ gần 2 nghìn ha rừng và đất rừng, một con số khó tin, một nhiệm vụ nặng nề nhất là tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản ngày càng trở nên phức tạp; nạn đốt nương, làm rẫy chưa chấm dứt; các cấp chính quyền  chưa hiểu đúng, hiểu đủ Quyết định 245/CP của Chính phủ về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền về rừng và lâm nghiệp.

Chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc đã là vấn đề khó nhưng cái khó nhất ở đây là rừng Cao Phạ, Nậm Có vốn đã rộng, gỗ quý còn nhiều lại là địa bàn giáp ranh với các xã bạn, huyện bạn nên càng khó kiểm soát hơn. Bà con xã này, xã kia xâm canh, xâm cư, hay lâm tặc lén vào rừng ngả cây gỗ vác ra xã ngoài bán, chuyện bắt giữ hay nhắc nhở là rất khó. Khó khăn là nhiều, nhưng anh em ở Trạm đã thường xuyên tuần tra bảo vệ, nhắc nhở đồng bào ở tất cả 23 thôn bản của hai xã, cả các bản xa như Làng Giàng, Phình Ngài - nơi mà đến đó chỉ với phương tiện duy nhấn là đôi chân với 8 giờ đi bộ.

Được biết, Trạm đã phân công ứng trực phòng cháy 24/24 giờ với phương án chữa cháy đã được cấp trên phê duyệt và kế hoạch thường xuyên được kiểm tra. Riêng công tác đấu tranh với nạn vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép được duy trì liên tục, mọi nguồn tin báo đều được xác minh và xử lý tốt, góp phần quan trọng ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác, vận chuyển với quy mô lớn.

Trong buổi làm việc với anh em Trạm Kiểm lâm Cao Phạ, tôi để ý nhiều đến câu chuyện của chiến sỹ trẻ Giàng A Lù. Anh Lù là người dân tộc Mông, người bản Trống Tông, xã Nậm Có, anh rất chững chạc trong bộ đồng phục kiểm lâm. Anh kể: "Sinh ra và lớn lên ở đây nên mình hiểu rõ từng hẻm núi, từng khe suối, biết rõ từng người và có thể trò chuyện thân mật với tất cả mọi người". Nắm rõ địa bàn, hiểu rõ con người, nên Lù và mấy cán bộ người địa phương khác đã rất thuận lợi trong công việc, nhất là việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo về rừng. Giọng Lù trầm hẳn xuống khi tâm sự: "Người Mông quê em nghèo lắm, đi lấy được khúc gỗ pơ mu để bán thì cực kỳ gian khổ, người khoẻ phải đi bộ 7 - 8 tiếng và đến đó chặt gỗ rồi xẻ ra vác về, tất cả phải kéo dài 3 ngày. Từng đó thời gian, từng đó công sức mà khúc gỗ ấy bán được có 120 nghìn đồng. Bà con nghèo khổ nên hay lên rừng để kiếm cái ăn, cái mặc, mà đã lên rừng chặt gỗ, phá rừng thì không bao giờ hết đói, hết nghèo được. Em mong ước Nhà nước mình tìm được cây gì đó phù hợp với đất đai và khí hậu ở đây, cây đó phát triển nhanh và bán được giá cao ví như cây keo, cây bạch đàn... ở các huyện vùng thấp. Có cây trồng phù hợp, bán được giá, vận động hướng dẫn bà con trồng thật nhiều thì rừng Cao Phạ, Nậm Có sẽ xanh trở lại, không hạn hán, không lũ quét, đồng bào có việc làm và chắc sẽ có đời sống khá hơn".

Chia tay với Trạm Kiểm lâm Cao Phạ, xe chúng tôi xuôi đèo về Yên Bái. Chỉ vài chục mét là ngôi nhà cũ kỹ đã chìm khuất trong màn sương trắng đục, nơi ấy có những cán bộ kiểm lâm như anh Tuấn, anh Sự, anh Chơ, anh Lù... những con người làm việc gian khổ và có ước nguyện rừng Mù Cang Chải sẽ lên xanh.

Lê Phiên

Các tin khác

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (LHQ) và Cơ quan phòng chống tội phạm có tổ chức - SOCA (Vương quốc Anh) vừa cử các chuyên gia về điều tra tài chính đến Việt Nam để hỗ trợ kỹ năng điều tra liên quan đến phòng chống tội phạm rửa tiền.

Lệ phí trước bạ đối với ôtô loại dưới 7 chỗ ngồi lưu hành tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM sẽ có mức thuế mới 7%, thay cho mức 5% hiện hành.

Ngày 10/3, giá vàng thế giới tiếp tục dao động ở mức thấp khiến cho giá vàng trong nước cũng giảm theo.

Công ty sẽ sản xuất 500.000 tấn sản phẩm/năm.

YBĐT - Sau hơn hai năm đầu tư xây dựng, vừa qua Công ty cổ phần xi măng khoáng sản Yên Bái đã chính thức nhóm lò đưa dây chuyền sản xuất xi măng lò quay vào sản xuất .

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục