Văn Chấn lúa đã hồi sinh
- Cập nhật: Thứ tư, 9/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dường như ông trời muốn thử sức kiên trì chịu đựng của con người. Chuyện rét đậm đã qua, hôm nay trên khắp các cánh đồng từ Cát Thịnh, đến Sơn Thịnh, Đồng Khê, Phù Nham, Thạch Lương, đến các xã vùng cao Nậm Búng, Gia Hội, Tú Lệ của huyện Văn Chấn (Yên Bái)… lúa đang bắt đầu hồi sinh, một màu xanh ngút ngàn trải dài vút tầm mắt.
Nhân dân xã Thạch Lương (Văn Chấn) chăm sóc lúa xuân.
|
Đợt rét đậm kéo dài 38 ngày liên tục trong tháng 1, tháng 2 vừa qua ở nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 10 độ C khiến nhà nông Văn Chấn (Yên Bái) phải một phen lao đao. Trâu, bò chết, mạ chết gần như 100% diện tích. Người dân chỉ còn nước cầu trời mau hửng nắng. Ông trời dường như muốn thử sức kiên trì chịu đựng của con người. Chuyện rét đậm đã qua, hôm nay trên khắp các cánh đồng từ Cát Thịnh, đến Sơn Thịnh, Đồng Khê, Phù Nham, Thạch Lương, đến các xã vùng cao Nậm Búng, Gia Hội, Tú Lệ… lúa đang bắt đầu hồi sinh, một màu xanh ngút ngàn trải dài vút tầm mắt.
Tiếng nói từ cơ sở
Không hẹn mà gặp, chúng tôi có dịp nói chuyện với Chủ tịch UBND xã Thanh Lương, Lường Văn Xuân khi anh vừa đi thăm đồng về. Nói về thiệt hại do đợt rét đậm kéo dài vừa qua ở địa phương, anh cho biết: “Xã bị chết mất 14 con trâu, nghé 36 con, bò 2 con, 16 con lợn, 5 con dê. Toàn xã gieo cấy lúa đông xuân 162 ha thì diện tích mạ chết 152 ha, nhiều nhất ở các bản: bản Đường, Nậm Tọ, bản Bát, bản Có…
Trước thực trạng đó, ngày 20 tháng 2, huyện đã nhanh chóng hỗ trợ 4 tấn giống lúa Chiêm Hương cho bà con. Chưa đủ giống, chính quyền địa phương còn huy động trong nhân dân giúp nhau được 6 tấn giống nữa. Phương pháp của xã là tuyên truyền khuyến cáo tới bà con tăng cường bảo vệ, chăm sóc để cứu và tận dụng tối đa những diện tích mạ và lúa có khả năng phục hồi, tránh tư tưởng cực đoan muốn phá bỏ, gieo cấy lại hoàn toàn sẽ dẫn tới lãng phí và không kịp thời vụ. Bà con sử dụng các loại lúa thuần như: Chiêm Hương, N46, HT1, LT2… để gieo cấy lại diện tích cho kịp thời vụ.
Đến thời điểm này, sau hơn một tháng đợt rét đậm kéo dài, xã vẫn gieo cấy bảo đảm đủ diện tích và cấy xong trước ngày 10 tháng 3 vừa qua, cây lúa hiện sinh trưởng, phát triển tốt…”. Điểm thứ hai chúng tôi dừng chân là địa bàn xã Phù Nham. Đây là xã có tới 18 thôn. Vừa qua Phù Nham là 1 trong số 31 xã, thị trấn trong huyện chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt rét vừa qua. Diện tích ruộng gieo cấy toàn xã vụ đông xuân là 282,4 ha, do không lường trước được thời tiết nên 197 ha cấy trước tết Nguyên đán đều chết hết, diện tích mạ gieo để cấy sau tết 34,5 ha cũng hỏng hoàn toàn.
Trước thực trạng đó, xã phải cần tới 11.576 kg thóc giống để cấy lại toàn bộ diện tích. Để làm được việc này, ngoài lượng giống của huyện chuyển xuống, địa phương còn huy động nhân dân giúp nhau trong lúc khó khăn. Nhờ vậy, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa của xã đều cấy xong, nơi chậm nhất là ngày 15 tháng 3, chỉ có trên 5 ha bị hạn phải chuyển sang trồng ngô.
Cùng với cây lúa, đàn gia súc của xã do thực hiện tốt các biện pháp giữ ấm cho trâu, bò nên chỉ có 19 con bị chết. Những thiệt hại trên là bài học đối với địa phương trong công tác nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết cũng như công tác tuyên truyền tới các thôn bản về cách phòng chống rét cho mạ và gia súc ở địa phương...
Quyết tâm bảo đảm diện tích
Ngay sau tết Nguyên đán, do thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Huyện uỷ, UBND huyện Văn Chấn đã triệu tập nhiều cuộc họp khẩn cấp. Cùng với đó là thành lập các đoàn, phân công cán bộ xuống cơ sở phụ trách đến từng xã, từng thôn bản, tập trung chỉ đạo nhân dân bằng mọi biện pháp và nguồn lực để gieo cấy lại và chống rét cho trâu, bò. Nghị quyết của huyện sẽ thực hiện kế hoạch gieo cấy vụ đông xuân 3.850 ha. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết, đã có 160/165 tấn giống gieo cấy bị chết.
Trước những cấp bách về giống, tỉnh ngay bước đầu chỉ đáp ứng được 15 tấn giống, huyện đã về Viện Cây lương thực mua được thêm 40 tấn. Một hướng khác là tiến hành khảo sát các xã vùng Mường Lò để mua giống trong dân, cùng với việc xuất giống dự phòng của huyện.
Phòng Kinh tế huyện cũng đã phát nhiều nội dung khuyến cáo tới nhân dân như: các xã vùng Mường Lò chỉ đạo gieo xong 100% diện tích bằng phương pháp gieo thẳng; các xã vùng ngoài, vùng cao tập trung gieo mạ khay, trên đất nền cứng. Lượng phân bón người dân chuẩn bị bón xuống ruộng là 27.500 tấn, trong đó 26.500 tấn phân hữu cơ và 1.500 tấn phân vô cơ. Diện tích không gieo cấy lại được ở các xã vùng cao thì chuyển sang trồng đậu tương…
Trao đổi về tiến độ kế hoạch của vụ đông xuân 2007-2008, đồng chí Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Kinh tế huyện thở phào: “Đến thời điểm này thì sóng gió cũng đã qua. Không những thế, vụ đông xuân năm nay, diện tích lúa của huyện gieo cấy còn tăng so với kế hoạch 13 ha, tức 3.863/3.850 ha. Cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Một yếu tố quan trọng là do rét đậm kéo dài, nên sâu bệnh không xuất hiện nhiều như năm trước. Hệ thống kênh mương nội đồng bảo đảm đủ nước cho diện tích ruộng đã gieo cấy".
Năm nay theo nhận định, Văn Chấn vẫn tiếp tục được mùa và dự ước năng suất trung bình đạt trên 50 tạ/ ha. Một điều mà huyện đang gặp khó khăn là kế hoạch 2.000 ha mùa sớm khó có khả năng hoàn thành, diện tích chỉ có thể thực hiện 1.500 ha, bởi vụ đông xuân sẽ thu hoạch chậm hơn năm ngoái 1 tháng. Biện pháp của huyện là lúa đông xuân thu hoạch trước 10 ngày thì chỉ đạo bà con gieo ươm mạ sẵn, để gặt xong cày bừa là cấy ngay mùa sớm…
Sản xuất vụ đông xuân năm 2007 - 2008 ở huyện Văn Chấn tuy có gặp nhiều khó khăn, thiệt hại về trâu, bò chết hàng chục tỷ đồng, thiệt về ruộng nước khoảng 3 tỷ đồng. Song, dưới sự lãnh đạo sát sao của các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã, đến các thôn bản, sự phối hợp chặt chẽ, sát dân, gần dân, cùng với sự nhiệt tình chịu khó của nhân dân các dân tộc, đoàn kết giúp đỡ nhau đồng vốn, thóc giống…đã khắc phục khó khăn gieo cấy vụ đông xuân bảo đảm thời vụ.
Hôm nay trên các cánh đồng của Văn Chấn lúa đã hồi sinh, góp phần quan trọng giành lại một vụ xuân thắng lợi toàn diện.
Thạch Phong
Các tin khác
Ông Daisuke Matsugana, Công sứ ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam, khẳng định trong năm tài chính 2008, Việt Nam vẫn là nước ưu tiên hàng đầu nhận viện trợ ODA của Nhật Bản.
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến Bộ Công Thương về việc tiếp tục tăng thuế nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng và mức thuế mới có thể là 80-85%.
Bộ Xây dựng vừa gửi Công văn số 623 tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh giá các loại VLXD có biến động giá từ năm 2007 bao gồm sắt thép, nhựa đường, xi măng, cát, đá, sỏi, gạch, dây điện, cáp điện, gỗ, kính...
Trong tháng 4, thị trường hàng không sẽ đón nhận thêm nhiều đường bay mới từ Việt Nam đến các nước trong khu vực của các hãng giá rẻ.