Yên Bái: Giảm nghèo hiệu quả với “vay bò, trả bò”

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - “Vay bò, trả bò” chính là hình thức hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả mà dự án phát triển đàn trâu bò sinh sản ở vùng đặc thù đã và đang được thực hiện ở Yên Bái.

Nông dân xã Âu Lâu (Trấn Yên) chăn nuôi bò theo mô hình bán công nghiệp. (Ảnh: L.C)
Nông dân xã Âu Lâu (Trấn Yên) chăn nuôi bò theo mô hình bán công nghiệp. (Ảnh: L.C)

Yên Bái có diện tích tự nhiên gần 689.000 ha, trong đó có trên 70% diện tích đất lâm nghiệp và 2000 ha đất trồng cỏ chăn nuôi, nên phát triển chăn nuôi đại gia súc là một lợi thế rất lớn của tỉnh. Trên cơ sở này, cùng với ý tưởng được lấy từ dự án “Ngân hàng bò” do tổ chức phi chính phủ ADRA-Nhật Bản-Bộ LĐ-TB&XH trợ giúp Yên Bái từ năm 1995, trong 3 năm (2004-2006) với số tiền 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia, Yên Bái đã xây dựng và triển khai mô hình phát triển đàn trâu bò sinh sản ở vùng đặc thù. Dự án đã mua 536 con trâu, bò giao cho 491 hộ nghèo chăn thả, chủ yếu tập trung đầu tư cho hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải và các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên.

Dự án được thực hiện trên nguyên tắc quay vòng vốn để duy trì đàn bò gốc, đồng thời nhân rộng số hộ nghèo được nhận vay bò bằng hình thức “vay bò, trả bò”. Theo đó, mỗi hộ được vay 1 con trâu hoặc bò cái sinh sản, sau khi trâu hoặc bò mẹ đẻ được con từ 12-15 tháng tuổi thì chủ hộ có trách nhiệm trả cho dự án trâu hoặc bò mẹ để chuyển sang hộ nghèo khác và trâu, bò con thuộc quyền sở hữu của chủ hộ. Khi trâu, bò mẹ không còn khả năng sinh sản thì thanh lý trâu, bò mẹ cho chủ hộ nuôi sau cùng. Đến nay,  đàn trâu, bò của dự án từ 536 con ban đầu đã phát triển thành 736 con với 200 bê, nghé được sinh ra, đưa số hộ được hưởng lợi của dự án từ 491 hộ lên thành 524 hộ, đã có thêm 33 hộ nghèo được nhận trâu, bò luân chuyển.

Theo đánh giá, nếu tiếp tục quản lý và tổ chức luân chuyển tốt, dự án này có điều kiện mở rộng thì ngày càng có nhiều hộ nghèo được hưởng lợi trong khi vốn đầu tư của Nhà nước chỉ cần thực hiện một lần.

Mô hình đã phát huy được lợi thế chăn thả đại gia súc ở nông thôn vùng cao, lợi thế về đồng cỏ chăn thả, tận dụng được lao động phụ giản đơn. Mặt khác, trên thực tế, con trâu, bò đã gắn với đồng bào từ bao đời nay trong đời sống và sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm dân gian chăm sóc trâu, bò của đồng bào là rất phong phú, vì vậy dự án đã tạo cơ hội cho đồng bào nghèo phát huy tiềm năng sẵn có. Đồng thời còn chú trọng đến yếu tố con giống và khâu chuyển giao kỹ thuật, mỗi hộ đồng bào nghèo trước khi nhận trâu, bò về chăm sóc đều được tập huấn bắt buộc 3 ngày về kỹ thuật chăm sóc trâu, bò cái sinh sản như làm chuồng trại, trồng cỏ voi, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, che chắn chống rét về mùa đông...

Bên cạnh đó, là ý thức trách nhiệm với cộng đồng (với hộ nghèo đợi được luân chuyển) của người được hưởng lợi cho nên đã hạn chế được tỷ lệ rủi ro. Riêng trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có trên 6820 con trâu, bò bị chết thì dự án chỉ có 20 con trâu bò bị chết, trong đó huyện Mù Cang Chải chết 10 con, Trạm Tấu chết 5 con, Văn Chấn chết 5 con.

Không đơn thuần là một hoạt động trợ giúp, mô hình còn đặc biệt chú trọng đến cơ chế dân chủ ở cơ sở trong việc lựa chọn địa bàn triển khai dự án cũng như địa chỉ cụ thể của hộ đồng bào nghèo được hưởng lợi, trên quan điểm đầu tư trọng điểm vào những thôn, những xã đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh và có sự tham gia của người dân. Vì vậy, dự án được triển khai đúng việc, đúng người, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, không để xảy ra thắc mắc, khiếu kiện trong quần chúng nhân dân. Người dân có ý thức, có trách nhiệm trước tài sản được giao và phát huy nguồn lực đó một cách hiệu quả.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình trong thời gian qua, Yên Bái đã nhân rộng hình thức “vay bò, trả bò” sang nhóm trẻ em tàn tật nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bằng nguồn vốn 200 triệu đồng tài trợ của tổ chức CANADA PUND, với 40 con bò cái nay đã sinh sản, phát triển thành 90 con. Dự án mô hình phát triển đàn trâu, bò sinh sản cũng gợi ý để tỉnh Yên Bái xây dựng và triển khai thành công dự án 4000 con trâu bò cho đồng bào nghèo năm 2005, 2006 vừa qua. Dự báo, đàn đại gia súc của tỉnh đến năm 2015 sẽ đạt 120.000 con trâu và trên 40.000 con bò.

Qua triển khai thực hiện dự án, đã cho thấy việc xác định cây trồng, vật nuôi phát huy được lợi thế tiềm năng và phù hợp với trình độ, tập quán canh tác, chăm sóc của đồng bào nghèo là một khâu quan trọng quyết định thành công hay thất bại của một mô hình giảm nghèo. Từ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra trong những năm gần đây, đặc biệt là đợt rét đậm rét hại vừa qua cho thấy cần phải chú trọng đến giảm thiểu rủi ro cho kinh tế gia đình, hình thức bảo hiểm nông nghiệp đã đến lúc cần được các ngành các cấp quan tâm.

Các mô hình, dự án giảm nghèo cần tiên phong trong lĩnh vực này. Mặt khác, cũng cần chú trọng đến công tác tổng kết, giành nguồn lực để nhân rộng mô hình hiệu quả. Đồng thời, nhiều mô hình, dự án giảm nghèo hiện nay mới chỉ quan tâm đến trợ giúp mang tính vật thể (con giống, cây trồng, vật nuôi, vật dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất...) mà chưa quan tâm thỏa đáng đến yếu tố phi vật thể (chủ thể cá nhân hộ nghèo, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thói quen sinh hoạt, quan hệ tín dụng...) của đối tượng giảm nghèo, vì vậy hiệu quả nhiều mô hình, dự án chưa cao, chưa phát huy được nội lực từ chính bản thân hộ nghèo. Đây thực sự là những yếu tố cần quan tâm, chú trọng trong việc xây dựng, thực hiện các mô hình, dự án tiếp theo.

P.V

Các tin khác

Bộ Xây dựng cho biết, sau khi rà soát lại kế hoạch đầu tư phát triển, bộ đã điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm tính khả thi.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình: Sẽ ra quyết định thu giấy phép đã cấp cho Doanh nghiệp 327 ở xã Y Can (Trấn Yên).

YBĐT - Ngày 26/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế, hiện trạng những cánh rừng đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ sản xuất và trồng rừng 327 Yên Bình (Doanh nghiệp 327) trên địa bàn xã Y Can huyện Trấn Yên.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận tái cấp vốn dưới hình thức cho vay có bảo đảm để hỗ trợ khả năng thanh toán cho các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ.

Bộ Công Thương vẫn thống nhất chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo đến cuối tháng 6 tới cho dù vụ đông xuân vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long được mùa và giá trên thế giới tiếp tục tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục