Buồn vui cây quế Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Về huyện Văn Yên trong vụ quế này, không khí như trầm lắng hơn những năm trước. Không còn cảnh nhà nhà nô nức lên nương bóc vỏ quế, chặt tỉa cành, rồi chuyển quế vỏ đi bán như trảy hội của ngày nào.

Quế là cây trồng chủ lực của huyện Văn Yên với 15.000 ha, chiếm gần 50% diện tích quế toàn tỉnh.
Quế là cây trồng chủ lực của huyện Văn Yên với 15.000 ha, chiếm gần 50% diện tích quế toàn tỉnh.

Yên Bái là tỉnh miền núi, lợi thế cây công nghiệp đang được chú trọng phát triển nhằm thực hiện có hiệu quả sự nghiệp CNH - HĐH, đây là hướng đi đúng cho một tỉnh có điều kiện đất rộng, người thưa. Trong tập đoàn cây công nghiệp của tỉnh, cây quế có diện tích trên ba vạn ha, trong đó huyện Văn Yên chiếm gần nửa diện tích trồng và chế biến. Cây quế liệu có đứng vững trong cơ chế thị trường, trước nguy cơ vùng quế bị các tập đoàn cây công nghiệp khác như cây giấy sợi, chè, sắn cao sản... đang lấn át hay không, đang là một câu hỏi lớn đối với người trồng quế nơi này.

Về huyện Văn Yên trong vụ quế này, không khí như trầm lắng hơn những năm trước. Không còn cảnh nhà nhà nô nức lên nương  bóc vỏ quế, chặt tỉa cành, rồi chuyển quế vỏ đi bán như trảy hội của ngày nào. Ấy cũng là do cảnh chung không chỉ riêng vùng quế tỉnh Yên Bái: do giá bán thấp, trong khi công làm sạch thực bì, công làm cỏ, công bóc vỏ leo thang từng ngày; một số cây trồng trên đất dốc khác đang có giá trị trước mắt, nên phận cây quế bị "xuống hạng" như một tất yếu trong sản xuất nông nghiệp.

Chúng tôi đến xã An Thịnh thăm hộ trồng và kinh doanh quế Hoàng Bảy, là hộ dân có diện tích lớn nhất nhì huyện, có cơ sở chế biến quế được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm và động viên . Đã vào vụ ba (vụ quế đầu năm) nhưng cả khu sản xuất rộng lớn vẫn im ỉm, duy chỉ còn chục lao động nữ đang cạo vỏ quế khô trong kho, mùi hương quế ngào ngạt như khẳng định nơi đây còn sản xuất.

Ông Trần Thế Hùng, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên:

Năm 1965 khi mới thành lập, toàn huyện chỉ có 290 ha quế ở 8 xã của người Dao. Đến nay ở 27 xã, thị trấn của huyện đã có trên 15.000 ha quế. Quế trở thành cây công  nghiệp cho thu nhập cao, vừa tăng độ che phủ rừng, nhiều hộ đã làm giàu từ cây quế. Ngoài thu hoạch quế vỏ vào vụ tháng ba, tháng tám với giá hiện thời trên 12 ngàn đồng/kg; thân quế bóc vỏ đi rồi có "vanh” từ 35 cm trở lên bán được giá một triệu đồng/m3 dùng chế biến gỗ nhân tạo, còn loại nhỏ bán làm cây chống dùng trong xây dựng được giá từ 15 đến 20 ngàn đồng/cây.

Được biết, hiện với diện tích trên 100 ha quế trồng và một số lớn đang cho thu hoạch, năm trước gia đình chế biến bán được trên 600 tấn quế vỏ khô các loại (chiếm gần 10% tổng sản lượng quế vỏ của huyện), thu nhập từ quế dư chu cấp cho con trai đang du học tại nước ngoài. Bộc bạch tâm sự nỗi lòng những thăng trầm của người gắn với cây quế, anh Bảy không khỏi lo lắng khi giá bán quế sơ chế không làm an lòng người trồng quế, tình trạng giá bán "mạnh ai nấy chạy" dẫn đến phần thua thiệt vẫn thuộc về người trồng quế.

Trong khi cây quế từ lúc giâm bầu đến khi có thể thu hoạch tỉa phải mất đến 7 năm, riêng năm đầu phải mất bốn lần làm cỏ, mà tiền công bây giờ bình quân 40 ngàn đồng/ngày, nếu tính toán không kỹ thì lỗ cầm chắc. Đột phá trong khâu sản xuất, anh Bảy mạnh dạn trồng 30 ha quế Trà My (Quảng Nam) là giống cho hàm lượng tinh dầu cao hơn hẳn giống quế địa phương. Ngoài ra, anh thử nghiệm trồng giống quế nhập nội từ Xri lan ca, với hy vọng tạo được một thương hiệu riêng cho quế Văn Yên trong những năm tới.

Đến xã Nà Hẩu  nơi có 225 hộ đồng bào Mông từ huyện Bắc Hà (Lào Cai) vừa định cư được trên 10 năm, anh Giàng Chấn Phử, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã mình cách trung tâm huyện đến 60 cây số, cùng với việc bảo vệ trên 3.000 ha rừng tự nhiên, đồng bào trong xã thấy được cái lợi của cây quế, nên trong mấy năm rồi đã trồng được trên 356 ha, nếu quế vỏ bán được giá thì dân mình sẽ khá hơn, không phá rừng làm nương rẫy nữa.

Quế Văn Yên được đồng bào Dao trồng thành rừng, đã đưa vào hương ước của từng bản, trở thành một phong tục tốt đẹp bởi mỗi khi gia đình nào có con đi lấy chồng, gia đình đó lại cho con mình một đồi quế như một của hồi môn. Từ xã Viễn Sơn nơi 100% đồng bào Dao sinh sống, có HTX Cộng Lực được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động nhờ trồng quế, đến nay các xã Đại Sơn, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Phong Dụ Hạ, Tân Hợp... đi đến đâu cũng bắt gặp ngút ngàn quế là quế. Cứ như vậy, năm này qua năm khác việc trồng quế đã thành truyền thống mỗi độ xuân sang, nhiều đồi quế  trở thành rừng, trở thành tài sản có giá trị không riêng của đồng bào Dao nơi này.

 

Ông Trần Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên trao đổi với người Dao xã Viễn Sơn về việc chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch quế.

Vài năm trước, trên địa bàn huyện xuất hiện cả trăm lò mini chưng cất tinh dầu quế  ngay tại đồi rừng, nhưng lượng tiêu thụ lá và cành không xuể, gây lãng phí lớn cho người trồng quế. Niềm vui cho người làm quế nơi này khi năm 2008 có thêm một doanh nghiệp đầu tư trên 30 tỷ đồng chế biến tinh dầu quế công nghiệp công suất 200.000 lít/năm, nguyên liệu là cành, ngọn, lá quế tận thu khi chặt tỉa thưa và khi hạ cây bóc vỏ.

Giá bán tinh dầu ngay tại nhà máy đạt trên 200 ngàn đồng/lít, hiện tại toàn bộ sản phẩm làm ra được xuất khẩu trực tiếp, nên giá mua nguyên liệu hiện thời của nhà máy đạt gần 1.000 đồng/kg cành lá quế, mở ra triển vọng lớn cho vùng quế trên 15.000 ha của Văn Yên và hàng vạn ha quế của các huyện bạn lân cận. Như vậy, một cây quế từ vỏ, thân, cành, lá qua chế biến đều trở thành hàng hoá, một lợi thế ít cây công nghiệp nào có được. Mặt khác, điều kiện thổ nhưỡng vùng này khẳng định rất phù hợp với sự sinh trưởng của quế, không vội vàng gì phải chuyển đổi sang trồng loại cây khác.

Để cho cây quế phát triển, huyện đang xây dựng thương hiệu quế Văn Yên; qui hoạch lại vùng trồng quế tập trung vào các xã vùng cao; thống nhất  quản lý các HTX, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quế trên địa bàn. Trước mắt, các xã đã kiên trì thuyết phục đồng bào không xảy ra tình trạng phá quế để trồng sắn (giá bán củ tươi 120.000 đồng/tạ), ưu tiên phát triển giao thông nông thôn vùng cao để đồng bào thuận lợi vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.

Nên chăng, tỉnh Yên Bái cần có chính sách hỗ trợ về giống quế mới có  lượng tinh dầu cao, bởi qua thử nghiệm trồng tại một số hộ đã có kết quả tốt; đầu tư xây dựng mô hình rừng quế sinh thái du lịch kết hợp quảng bá văn hoá đặc sắc dân tộc Dao như: tết nhảy, lễ cấp sắc, lễ cưới... thu hút khách du lịch đến với vùng quế. Hàng năm, tỉnh cần ưu tiên ngân sách cho nghiên cứu, phát triển cây quế chất lượng cao nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững. Chỉ có tâm huyết gắn bó với cây quế, vui buồn cùng với quế, chắc chắn sẽ sớm chấm dứt được cảnh thăng trầm đang xảy ra như hiện thời.

 Thanh Sơn

Các tin khác
Giá vàng sáng 2/5 tại Hà Nội là 1,730 triệu đồng mỗi chỉ,

Giá vàng trong nước sáng 2/5 rơi xuống 1,730 triệu đồng mỗi chỉ, mức thấp nhất từ cuối tháng 1. Giới đầu tư thế giới đã lường trước khả năng thị trường lao dốc, song với người mua trong nước, mức giảm 50.000 đồng sau một ngày là khá bất ngờ.

Công nhân xưởng mạ Điện lực Yên Bái đang mạ cấu kiện điện.

YBĐT - Sau một thời gian lắp đặt, chuẩn bị sản xuất và tìm kiếm thị trường, cuối tháng 4, dây chuyền sản xuất mạ kẽm nhúng nóng của Điện lực Yên Bái tại Cụm công nghiệp tập trung Đầm Hồng, TP Yên Bái (Yên Bái) đã đi vào hoạt động.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng giá, đảm bảo cân đối giá cả các mặt hàng thiết yếu đi đôi với thúc đẩy phát triển sản xuất, từ tháng 5, Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty và các doanh nghiệp tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu các mặt hàng thép, xi măng, phân bón, giấy...

Hội nông dân xã Tích Cốc tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đưa các giống cây có năng suất chất lượng cao vào gieo trồng. (Ảnh: Thanh Thủy)

YBĐT - Hội Nông dân xã Tích Cốc, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 177 hội viên, sinh hoạt ở 5 chi hội. Trên lĩnh vực ứng dụng chuyển giao KHKT mới vào sản xuất, từ năm 2003 đến nay, Hội đã chủ động đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương, được sự tạo điều kiện giúp đỡ của Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông huyện, đã mở được 22 lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật chăn nuôi thú y, chương trình IPM cho 1.285 hội viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục