Kỷ niệm 57 năm thành lập NHNN Việt Nam

Nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao phó

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày 1/6/1951, Ngân hàng Yên Bái được thành lập, cùng với sự đi lên và phát triển của toàn ngành, từ khi thành lập đến nay, trải qua nhiều năm xây dựng và trưởng thành, sau những lần sáp nhập, chia tách, chuyển đổi cơ chế hoạt động.

Điểm giao dịch lưu động Ngân hàng Chính sách Xã hội tại xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái). (Ảnh: Minh Thúy)
Điểm giao dịch lưu động Ngân hàng Chính sách Xã hội tại xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái). (Ảnh: Minh Thúy)

Hệ thống Ngân hàng Yên Bái luôn phát triển, đã và đang đóng góp tích cực vào các thành tựu chung của ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua các thời kỳ. Trong suốt những năm kháng chiến, người cán bộ ngân hàng vẫn nhiệt tình công tác và dũng cảm chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cùng với quân và dân trong tỉnh đánh đuổi giặc Mỹ bắn phá.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng đề ra, cùng với toàn ngành, Ngân hàng Yên Bái bước sang thời kỳ chuyển đổi cơ chế hoạt động từ ngân hàng một cấp thành ngân hàng hai cấp, phân định và tách biệt giữa chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước với nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng. Khởi đầu của sự đổi mới ngành Ngân hàng là Nghị định 53/HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã mở đường cho hoạt động ngân hàng theo cơ chế mới.

Từ năm 2005 thực hiện nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, nhằm đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn (thời kỳ 2005-2010), ngành ngân hàng đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, mở rộng tín dụng gắn với tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng tín dụng; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn - hiệu quả - bền vững. Đến hết tháng 4 năm 2008, tổng nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đạt 3.087 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 3075 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các chi nhánh ngân hàng chuyên doanh. Từng hệ thống ngân hàng đã đi vào hoạt động theo chức trách, nhiệm vụ quy định. Sau Nghị định 53 là hai pháp lệnh về ngân hàng, đó là: Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính có hiệu lực thi hành từ 1/10/1990. Đến ngày 1/10/1998, hai văn bản có tính pháp lý cao nhất  trong hoạt động Ngân hàng là Luật Ngân hàng nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành. Đây là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các Ngân hàng hoạt động an toàn, có hiệu quả.

Cùng với sự đổi mới cơ chế hoạt động của toàn ngành, hệ thống các ngân hàng Yên Bái luôn phát triển và đổi mới trong điều hành, trong công tác tổ chức, quản lý và kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng và đạt được những kết quả quan trọng như: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh ngày càng phát huy vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng; các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân có bước phát triển khá toàn diện về tổ chức bộ máy và điều hành tác nghiệp.

Mạng lưới tổ chức ngân hàng trên địa bàn không ngừng được mở rộng, với hơn 200 điểm giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân. Trong điều hành tác nghiệp kinh doanh tiền tệ được đổi mới theo hướng: các ngân hàng thương mại Nhà nước kinh doanh đa năng - tổng hợp các dịch vụ ngân hàng; Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; quỹ tín dụng nhân dân là loại hình kinh tế hợp tác, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ vì mục đích tương trợ giữa các thành viên, thực hiện xoá đói giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn dân cư.

Với sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh, thực hiện phương châm “đi vay để cho vay”, không phân biệt thành phần kinh tế, tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh hay phục vụ đời sống. Trong những năm qua, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đã khai thác tốt mọi nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh với doanh số cho vay hàng năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế năm sau cao hơn năm trước, mức tăng trưởng tín dụng bình quân trên 20%/ năm.

Hoạt động tín dụng ngân hàng không chỉ trên nguyên tắc thương mại mà còn thực hiện cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất và các đối tượng chính sách; các nghiệp vụ thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng cũng không ngừng được phát triển theo hướng hiện đại hoá công nghệ; nghiệp vụ thu, chi tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền  đảm bảo an toàn, chính xác ngày càng tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng về nộp, lĩnh tiền mặt, mở và sử dụng tài khoản thanh toán qua ngân hàng.

Công tác tổ chức và cán bộ luôn được củng cố; đội ngũ cán bộ, viên chức ,công chức luôn được đào tạo và đào tạo lại, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ được nâng cao đảm bảo đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động ngân hàng hiện nay. Đó là những kết quả quan trọng, ngành Ngân hàng Yên Bái đã đạt được trong quá trình đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn trong những năm vừa qua.

Có thể nói, những thành tựu mà hơn nửa thế kỷ phấn đấu, xây dựng và trưởng thành của lớp lớp thế hệ cán bộ ngân hàng là rất khích lệ, nó đã góp sức cùng Đảng, chính quyền và nhân dân thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong thời kỳ mới là rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao, tình hình hoạt động của bọn tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi, mức động cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay đòi hỏi mỗi người cán bộ ngân hàng phải ra sức phấn đấu rèn luyện hơn nữa  cùng với sự  quan tâm, chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, của tỉnh và sự đùm bọc của nhân dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Phan Ngọc Chỉnh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái

Các tin khác

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đồng ý cấp bổ sung hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu năm 2008 cho một số ngân hàng thương mại và công ty kinh doanh vàng.

Một đại lý phân bón ở Mỹ Tú, Sóc Trăng.

Giá phân bón đồng loạt tăng cao trong lúc vụ hè thu đang đến. Bình quân tăng gấp đôi, có loại tăng gần 3 lần so với trước đây. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dự báo giá sẽ còn tăng nữa.

Mặc dù các nhà sản xuất ximăng, thép nói không tăng giá nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn phải mua hàng với giá khá cao và luôn bị sức ép "coi chừng hết hàng".

Giá cả tăng, đời sống người nghèo bị ảnh hưởng mạnh nhất.

Sau một loạt biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, giá cả thị trường của nhiều mặt hàng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, giới kinh doanh và một số chuyên gia nghiên cứu kinh tế vẫn dự báo tình hình giá cả còn tiếp tục tăng mạnh vào nửa năm còn lại. Nếu Chính phủ và Nhà nước không có giải pháp hữu hiệu, lạm phát vẫn có thể tiếp tục tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục