Sơn A với mục tiêu tăng trưởng kinh tế

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Kỳ họp thứ 9 - Hội đồng nhân dân xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) khoá XIX nghị quyết tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 13%; thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 5,6 triệu đồng/năm.

So với nhiều địa phương khác của huyện Văn Chấn, Sơn A đất không rộng nhưng có tới 210ha trồng lúa nước 2 vụ và 230ha đất trồng rừng. Chính vì vậy, hướng đi của xã vẫn là tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, nhất là thâm canh cây lúa để bảo đảm an ninh lương thực và tăng thu nhập.

Nhiều năm, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào gieo trồng, đặc biệt thay đổi cơ cấu giống nên năng suất lúa đạt trên 11tấn/ha. Cùng với trồng ngô và các loại cây vụ ba mà năm 2007 tổng sản lượng lương thực có hạt là 2.732,7 tấn và lương thực bình quân 605kg/người/năm.

Từ đủ lương thực chi dùng cho địa phương, bây giờ Sơn A đang chuyển dần sang sản xuất lúa gạo thương phẩm chất lượng cao bằng chính giống lúa thuần của đồng đất Mường Lò. Năm vừa qua chuyển đổi 84,5ha bằng 20% diện tích và năm 2008 sẽ phấn đấu 100ha, năng suất lúa cả năm đạt 12 tấn/ha. Vụ đông xuân rét đậm  làm cho số diện tích lúa bị chết nhiều, địa phương đã huy động tất cả nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của huyện để gieo cấy lại.

Bằng sự nỗ lực đầu tư cho chăm sóc, bây giờ lúa đã lên xanh và đang trong thời kỳ trổ đòng hứa hẹn một vụ chiêm thắng lợi. Kế hoạch sản xuất vụ mùa và cây vụ đông năm 2008 cũng đã được hoạch định: diện tích cây mầu phấn đấu từ 80ha trở lên, cây sắn tăng diện tích 65ha, cây ngô đạt 150ha trong đó ngô đông là 130ha, giữ vững diện tích các loại rau màu khác.

Đi đôi với áp dụng thả cá xen lúa, xã cũng triển khai thí điểm trồng một số loại cây mới như mướp đắng, dưa bao tử, ớt để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng 40-50 triệu đồng/năm.

Rút kinh nghiệm từ sản xuất vụ đông năm 2007, một số thôn bản như Bản Cóc, Bản Viềng, Co Cọi... cán bộ thiếu sát sao trong chỉ đạo mà phong trào làm cây vụ ba có chiều hướng đi xuống năm nay, công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã sẽ được tăng cường, cán bộ đảng viên gương mẫu đi trước và khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong nhân dân để các mục tiêu đặt ra sớm hoàn thành. Cũng từ năm 2003, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển rừng của tỉnh, địa phương đã vận động nhân dân nhận đất trồng và giữ rừng.

Nghị quyết Đảng bộ xã về phát triển lâm nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2010 phải phủ xanh được 230ha, tàn che phủ 60%. Ngần ấy năm, gần trăm hộ dân ở 9 thôn bản tham gia chương trình và đã trồng được 196,4ha, riêng năm 2007 trồng 20,1ha rừng kinh tế.

Các loại cây thông mã vĩ, keo lai, luồng Thanh Hoá, tre măng Bát Độ được đưa vào trồng, đến nay nhiều hộ đã có nguồn thu từ chính đất rừng. Cùng với nông nghiệp, làm rừng trở thành một nghề mang lại tăng thu nhập cho nhân dân Sơn A. Thế nên, xã đang kiểm kê lại quỹ đất và rừng trồng, cùng với diện tích đất rừng phòng hộ Lâm trường Văn Chấn mới chuyển giao để tiếp tục trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ tốt các khu rừng hiện có.

Một hướng đi nữa nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh chăn nuôi. Đàn gia súc, gia cầm của địa phương do được chỉ đạo làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh nên phát triển khá ổn định. Tổng đàn gia súc đến cuối năm 2007 là 642 con, riêng đàn bò dự án cho hộ nghèo đã sinh sản được 17 con bê. Chăn nuôi không chỉ là nguồn cung cấp sức kéo, thực phẩm cho sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình mà đã trở thành hàng hoá bán ra thị trường. Vì vậy, công tác hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thường xuyên được đặt ra, nhiều lớp tập huấn do các đoàn thể phối hợp với cơ quan khuyến nông tổ chức giúp cho nông dân biết chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp.

Để có thể hoàn thành mục tiêu từ nay đến cuối năm đưa tổng đàn trâu bò lên 700 con; đàn lợn 2.600 con; gia cầm mỗi hộ 25 con trở lên thì việc khôi phục lại số trâu, bò bị chết sau vụ rét là việc làm cần thiết trước mắt.

Nhờ tăng trưởng kinh tế cao mà số hộ nghèo năm 2007 của Sơn A giảm từ 415 hộ xuống còn 347 hộ, bằng 8,4%. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và năm 2008 phấn đấu phải xoá được trên 70 hộ.

Mục tiêu này đặt ra cho xã cần tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, giống cây trồng vật nuôi cùng với áp dụng các chính sách xã hội tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động xuất khẩu. Sơn A với các làng văn hoá Ao Luông, Bản Văn, Bản Cóc, Gốc Bục.. đang biến truyền thống lao động cần cù, nền văn hoá giàu bản sắc các dân tộc Mường Lò thành nguồn động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thế Quynh

Các tin khác

Sáng 6-5, bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định với báo chí: “Việt Nam có đủ gạo để cung cấp cho dân theo nhu cầu và có dư để xuất khẩu với số lượng lớn”.

YBĐT - Để chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp những thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị đóng trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2008.

Dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh, doanh nghiệp công bố số lỗ lên đến hàng nghìn tỷ đồng khiến giới chuyên môn lo ngại khả năng tăng giá bán lẻ xăng dầu trong tháng 6.

YBĐT - Trong quý I-2008, MobiFone đã đầu tư xây dựng 13 trạm phát sóng điện thoại di động BTS tại Yên Bái, nâng tổng số trạm phát sóng trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái lên 23 trạm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục