Yên Bái: Tích cực thăm đồng phòng trừ hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bước vào vụ sản xuất đông xuân 2007-2008, nhà nông Yên Bái gặp nhiều khó khăn, đầu vụ thì rét đậm, rét hại làm hàng nghìn ha lúa, mạ bị chết, giữa vụ sâu bệnh lại hoành hành trên diện rộng, nhiều diện tích nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả sẽ mất trắng.

Tính đến hết ngày 26/5/2008, toàn tỉnh có  trên 3.447 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, chiếm 20% diện tích và tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Một số loại sâu bệnh chủ yếu là: rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn và sâu đục thân.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì tình hình sâu bệnh trên diện tích lúa xuân và hoa mầu năm nay diễn biến rất phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Theo thông lệ hàng năm vào thời điểm này ở lúa thường xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh khô vằn nhưng năm nay lại khá nhiều rầy phá hoại. Toàn tỉnh đã có trên 3447 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, trong đó trên 2.830 ha bị rầy phá hoại, tăng gấp 5,2 lần so cùng kỳ (1.610 ha nhẹ, trung bình 689 ha, nặng và mất khả năng thu hoạch 12 ha).

Diện tích rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại ở tất cả các huyện, thị, thành phố với mật độ trung bình từ 1000-2000 con/m2, cao 5000 con/m2 cục bộ đến trên 10.000 con/m2. Một số huyện có diện tích rầy phá hoại nhiều là Văn Chấn 1.800 ha, Văn Yên 245 ha, Trấn Yên 123 ha. Đặc biệt là tập đoàn rầy năm nay lúc đầu chỉ xuất hiện ở huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải nhưng sau đó đã lan xuống toàn bộ các huyện vùng thấp. Nguy hại hơn, rầy lưng trắng với mật độ cao gây cháy từng chòm trên các giống lúa Nhị ưu 838, Chiêm Hương, N46 giai đoạn lúa đang kỳ đứng cái làm đòng của các huyện được coi là vựa lúa của tỉnh như: Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và năng suất lúa.

Bên cạnh đó còn có trên 38 ha bị bệnh đạo ôn, 696 ha khô vằn, 49 ha sâu đục thân, 59 ha bị bạc lá, đốm sọc vi khuẩn  và hàng trăm ha bị sâu cuốn lá nhỏ và chuột phá hại. Hiện tượng vàng đỏ lá lúa, thiếu dinh dưỡng và bón phân mất cân đối cũng có trên 728 ha. Ngay sau khi sâu bệnh bùng phát ngày 16/5, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 09/CĐ-UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có công văn chỉ đạo các huyện thị, bà con nông dân tăng cường phòng trừ sâu bệnh đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng.

Chi cục Bảo vệ thực vật cử hết cán bộ xuống cơ sở cùng với cán bộ khuyến nông cùng các huyện, thị triển khai các biện pháp tổ chức chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả. Nhiều diện tích có mật độ rầy nâu cao đã được phòng trừ 2-3 lần… nhờ vậy đã cơ bản khống chế được sâu bệnh giảm thiểu tối đa thiệt hại. Đến nay tình hình sâu bệnh đã cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hoà-Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo: “Bà con các địa phương không được chủ quan, lơ là bởi sâu bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, do vậy cần tích cực thăm đồng và theo dõi hàng ngày. Đối với diện tích bị nhiễm rầy nhẹ (mật độ dưới 2.000 con/m2) nên tiếp tục theo dõi, diện tích có trên 2.000 con/m2 và có dấu hiệu gối lứa thực hiện phun thuốc hóa học diệt ngay. Bà con nên sử dụng thuốc nội hấp và thuốc tiếp xúc. Thuốc tiếp xúc đặc hiệu trị rầy là BASSA, thuốc nội hấp gồm: ACTARA, ACTATOC, ACTADOR. Nếu rầy ở mật độ cao bà con nên sử dụng hỗn hợp hai loại thuốc nội hấp và tiếp xúc vào phun để đạt hiệu quả cao nhất”. 

Bên cạnh công tác phòng chống dịch rầy nâu, rầy lưng trắng, từ nay đến cuối vụ khí hậu thời tiết còn nhiều biến động, đó là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh. Đặc biệt cuối tháng năm, đầu tháng sáu rầy cám lứa 3 sẽ nở rộ, cùng với các bệnh đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, khô vằn, bọ xít dài... Do vậy làm tốt công tác theo dõi nắm tình hình sâu bệnh trên từng địa bàn có biện pháp phòng trừ tốt; tiếp tục phát động phong trào toàn dân diệt chuột bảo vệ mùa màng là giải pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Hiền Lương

Các tin khác

Giá vàng thế giới khi thị trường Anh và Mỹ giao dịch trở lại lại đêm qua bất ngờ đảo chiều và sụt giảm mạnh.

Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng can thiệp để tỷ giá không có biến động lớn, gây xáo trộn hoạt động của các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ. Ảnh: TT.

YBĐT - Năm 2007, người làm chè Yên Bái gặt hái nhiều thành công, tạo ra sự lạc quan vào sản xuất chè năm 2008. Nhưng mới bước vào niên vụ sản xuất chè 2008, niềm vui chưa thấy mà người làm chè lại phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: rét đậm, rét hại, giá vật tư phân bón tăng cao; giá bán nguyên liệu bấp bênh và thấp...

YBĐT - Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đưa vào phát triển một số loại cây trồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như: tre măng Bát Độ, quế, cây nguyên liệu giấy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục