Yên Bái: Đưa chế biến lâm sản theo hướng bền vững và tăng sức cạnh tranh trên thị trường
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát triển đáng kể, trong đó sản xuất và chế biến lâm sản (CBLS) đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trên thực tế, ngành CBLS của tỉnh những năm qua tuy có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm của ngành còn đơn điệu, chủ yếu là sơ chế nên giá trị kinh tế chưa cao.
Các cơ sở chế biến gỗ của tỉnh chủ yếu làm gia công, sơ chế, thường chỉ đạt 50-60% công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: TT.
|
Theo điều tra của Sở Khoa học & Công nghệ, hiện nay tỉnh có 7 doanh nghiệp làm giấy đế, giấy vàng mã xuất khẩu và bột giấy. Tổng công suất thiết kế của các cơ sở là 37.650 tấn sản phẩm/năm. Công nghệ và thiết bị sản xuất giấy đế chủ yếu là công nghệ kiềm lạnh, thiết bị đồng bộ của Đài Loan, thế hệ từ năm 1990 – 2004, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Có 1 cơ sở duy nhất là Công ty TNHH Chè Tân Thành có 1 dây chuyền sản xuất bột giấy tại xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên), là dây chuyền thiết bị đồng bộ của Trung Quốc, công suất 1.200 tấn bột giấy/năm, áp dụng phương pháp công nghệ kiềm nóng.
Hầu hết các cơ sở sản xuất giấy đế, giấy vàng mã và bột giấy đều có quy mô nhỏ, nằm rải rác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuận lợi cho việc thu mua nguyên liệu, giảm chi phí vận chuyển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong tổng số 7 cơ sở, chỉ có 3 cơ sở (Công ty cổ phần Chế biến nông lâm sản thực phẩm, Công ty cổ phần Yên Sơn, Lâm trường Lục Yên) đã đầu tư dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh để sản xuất ra hoàn thành phẩm là giấy vàng mã (chiếm 30%), còn lại là bán thành phẩm giấy đế chiếm 70%. Hầu hết các cơ sở sản xuất giấy đế chưa đầu tư công nghệ xử lý nước thải đúng yêu cầu kỹ thuật, nên trong quá trình sản xuất còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến gỗ như: sản xuất ván ghép thanh, ván sàn, ván dăm, ván nội thất công nghiệp với tổng công suất thiết kế xấp xỉ đạt 12.000 m3 gỗ tròn/năm, còn thấp hơn nhiều so với nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng. Các cơ sở chế biến gỗ của tỉnh chủ yếu làm gia công, sơ chế, thường chỉ đạt 50-60% công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế thấp. Một số doanh nghiệp có khả năng sản xuất hoàn thành phẩm từ gỗ rừng trồng như: ván ghép thanh, ván dăm nhân tạo, đũa gỗ xuất khẩu do chưa có chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh nên sản xuất không ổn định, chưa phát huy được hết công suất thiết kế của dây chuyền thiết bị đã đầu tư.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề của nhiều doanh nghiệp chưa được đào tạo cơ bản, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất lâu dài. Công tác tổ chức sản xuất còn thiếu các bộ phận quan trọng như: kiểm tra chất lượng, tiếp thị quảng cáo sản phẩm. Do đó, sản xuất kinh doanh không ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan. Việc liên kết giữa cơ sở CBLS với các đơn vị cung cấp nguyên liệu chưa cao nên nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu…
Với mục tiêu “Phát huy công suất của các cơ sở CBLS hiện có, khuyến khích đầu tư đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư mới cơ sở sản xuất giấy và bột giấy để tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, hạn chế việc bán nguyên liệu ra ngoài tỉnh, tạo công việc cho người lao động”, Yên Bái phấn đấu đến năm 2010 sản xuất khẩu: 300 triệu đôi đũa gỗ/năm; 28.000 tấn giấy đế/năm; giấy vàng mã xuất khẩu 15.000 tấn/năm; ván ghép thanh, ván sàn xuất khẩu 14.000 m3/năm…
Chính vì vậy, việc lựa chọn các phương pháp công nghệ và cơ sở CBLS được ưu tiên đầu tư hoàn thiện công nghệ, phát triển sản xuất giai đoạn 2007-2010. Theo đó, hai nhóm sản phẩm được xác định cần ưu tiên đổi mới công nghệ là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu bao gồm: giấy đế, giấy vàng mã, đũa gỗ, ván ghép thanh, thảm hạt; các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu trong nước như: giấy, bột giấy, đũa tre, ván nhân tạo, đồ mộc dân dụng, gỗ dán...
Để đạt được mục tiêu phát triển ngành CBLS theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, tăng được sức cạnh tranh trên thị trường, trong thời gian tới các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần củng cố, tổ chức các cơ sở CBLS theo quy hoạch tổng thể của tỉnh; xây dựng tốt mối liên kết giữa các cơ sở chế biến với nhau, giữa các cơ sở chế biến với tổ chức và cá nhân người trồng rừng; tập trung chỉ đạo công tác khai thác nguyên liệu, lấy việc đầu tư hoàn thiện công nghệ, đổi mới công nghệ là khâu đột phá, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp với yêu cầu chất lượng sản phẩm trên thị trường; thực hiện hỗ trợ đầu tư lựa chọn công nghệ thiết bị xử lý môi trường theo quy định.
Yên Bái khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm, phấn đấu đến 2010 không còn hiện tượng xuất gỗ tròn nguyên liệu ra ngoài tỉnh; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất và kinh doanh sản phẩm CBLS; hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp theo hình thức tín chấp, thế chấp để vay vốn thực hiện các dự án đầu tư đổi mới và hoàn thiện công nghệ, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành…
Khánh Linh
Các tin khác
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất phương án nhập khẩu nguyên liệu thủy sản.
Giá vàng trong nước sáng 27/6 tăng mạnh, một lần nữa cán mức 19 triệu đồng/lượng do biến động của thị trường thế giới đêm qua (theo giờ Việt Nam).
YBĐT - Những năm trước đây, Vũ Linh là xã chậm phát triển của huyện Yên Bình (Yên Bái), bởi nhiều lý do khác nhau như: trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hộ dân còn thiếu kiến thức để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, một số hộ gia đình đói nghèo đông con, song lại chưa chấp hành tốt các quy định về dân số…
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng khá cao nhưng con số nhập siêu đã đạt tới một nửa giá trị xuất khẩu.