Minh Tiến Lo cho ngày mai
- Cập nhật: Thứ năm, 28/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Về Minh Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái) khi trận lũ lịch sử qua gần chục ngày. Đảng uỷ và cả xã đang bộn bề với công việc khắc phục thiệt hại sau bão lũ như: thống kê chi tiết thiệt hại của nhân dân, khôi phục lại đồng ruộng, đưa cây giống xuống đồng.
Minh Tiến là một xã nghèo của huyện Trấn Yên. Toàn xã chỉ có 381 hộ thì đã có 55 hộ nghèo vì kinh tế thuần nông. Tuy nhiên, sự thuần nông ở đây lại khá năng động vì, ngoài cây lúa đã tập trung phát triển mạnh rau màu, sản xuất theo hướng hàng hoá cung cấp rau xanh cho thị trường thành phố Yên Bái. Nhiều hộ đã giàu lên từ trồng màu, từ chăn nuôi… Song, trận lũ lịch sử vừa qua đã nhấn chìm 47 ha/53 ha lúa của toàn xã, mà diện tích có khả năng khắc phục được chỉ là 2 ha; khoảng 26 ha trồng màu đã bị vùi lấp khó có thể cải tạo được; hệ thống kênh mương dài 6km bị vùi lấp sâu trong cát và may mắn hơn tất cả là người và tài sản đều được an toàn, có 47 hộ bị ngập, 50 hộ phải di dời.
Sau bão, như bao địa phương khác cũng bị lũ lụt, người dân ở Minh Tiến bắt tay vào khôi phục sản xuất, khắc phục thiệt hại do thiên tai. Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Hướng nói: "Từ khi cơn lũ đi qua đến nay thì chưa có hộ nào đói, nhưng khoảng ba tháng nữa trở đi thì chúng tôi gay go. Nhiều hộ ngập trắng rau màu và lúa sẽ không biết lấy gì mà ăn". Cán bộ xã cùng phân tích về nguy cơ đói trong dân và bình thường thì tháng 10 là được thu hoạch mùa, nhưng nay lũ đã nhấn chìm tất cả vậy là số hộ đói ở Minh Tiến sẽ khoảng gần 80%. Tháng 4, tháng 5 năm sau mới được thu hoạch vụ xuân, như thế thì đói ít nhất là trong vòng 8 tháng… Đó là còn chưa tính đến việc một số diện tích không thể phục hồi được, ruộng đất nhỏ hẹp lại thì khả năng sẽ còn thiếu đói dài dài.
Dường như chính người dân là hiểu rõ nhất nguy cơ đói với gia đình mình để rồi biến lo lắng thành hành động để chống lại điều đó. Trên cánh đồng thuộc thôn Quang Minh, Quang Trung nhiều người đã bắt đầu san gạt, gieo, trồng. Gặp chị Hoàng Thị Lan Anh ở thôn Quang Trung giữa cái nắng gần sang trưa. Không quản oi bức, chị vẫn mải miết đẩy trang trên thửa ruộng vừa bị ngập trắng trong nước lũ mong tạo mặt bằng nhanh nhất để còn kịp cấy lúa muộn. Chị nói: "Nhà có 4 miệng ăn, hai vợ chồng một đứa con và mẹ chồng, vụ này mất mùa thì đói rồi. Thường mỗi vụ có mất mùa cũng thu 1 tấn thóc, được mùa thì hơn tấn, đủ ăn gối vụ nọ sang vụ kia, còn vụ này mất trắng chưa biết phải trông vào đâu. Giờ cũng chỉ biết cố gắng khắc phục đồng ruộng cấy được ít nào hay ít đó".
Được biết, xã Minh Tiến đã được huyện cấp 400 kg giống lúa Bao thai lùn để phân chia cho dân gieo cấy lại diện tích lúa đã bị thiệt hại. Xã cũng đã triển khai tập trung khắc phục đồng ruộng những chỗ cao không thể cấy được lúa thì tra ngô, trồng màu… Ở những diện tích có thể cải tạo, bà con đã tập trung khắc phục và gieo cấy xong. Tuy nhiên, gieo giống xuống rồi được ăn hay không vẫn còn phải chờ đợi.
Chị Hoàng Thị Xoan thôn Quang Minh cho hay: có hơn 4 sào ruộng đều bị ngập trắng. Chị đã cấy lại và cùng chung tâm lý chờ đợi như chị Lan Anh. Nhưng chị Xoan may mắn hơn các hộ khác là ruộng ngập còn được trông vào gần 1 mẫu chè, mỗi tháng cũng thu hái 4 - 5 tạ búp tươi, cho dù từ sau trận lũ giá chè đã giảm đột ngột.
Đi xuôi hết cánh đồng thôn Quang Minh, cát sông Hồng đẩy lên còn bồi lắng khắp nơi. Mương dẫn nước giờ đã bị san phẳng, cát bùn vùi lấp cao hơn mặt ruộng. Bên ruộng lúa đang lơ phơ xanh lại, hai người đàn ông đang lúi húi khơi nước mưa vừa ngập đêm hôm trước. Ông Nguyễn Văn Kỷ - thôn Quang Minh cho hay: "Gia đình ông có 5 sào ruộng thì ngập trắng cả. Giờ phải tạm gạt bằng, quải xạ bằng giống lúa đã được cấp. Nước rút đến đâu làm đến đấy. Khó nhất vẫn là việc thoát nước bởi hệ thống kênh mương đã vùi lấp hết nên đành khơi tạm rãnh thoát nước ở mỗi thửa ruộng. Nhưng giờ ruộng nhiều nước thoát đi còn khắc phục được, chứ đến thời điểm ruộng cạn thì chưa biết sẽ lấy nước kiểu gì?".
Ông Kỷ nói đầy vẻ tiếc nuối: "Vụ vừa rồi lúa đã đẻ nhánh đẹp, thấy lúa lên nhanh đã mừng, không ngờ…!". Tôi hỏi ông Kỷ có đề đạt, kiến nghị gì không? ông cười: "Chẳng có kiến nghị gì đâu, mình phải tự khắc phục thôi, nhiều nơi lũ cuốn mất cả nhà, cả người, mất mát gấp mấy mươi lần…!". Ông Kỷ quả là một người nông dân chân chất và tốt bụng! Tôi, chủ tịch xã Hướng cùng ông đi về phía bãi dâu của gia đình ông đã bị cát vùi trắng mà buồn, mà xót. Vừa đi ông vừa lấy cuốc xới, xới vừa nói: "Đây là cát cả đấy cô ạ, không phải phù sa đâu, nếu được phù sa bồi lên thì đã tốt. Giờ còn ướt thì trông thế thôi đến lúc khô đi sẽ là cát trắng hết cả, lội thế này không được đâu mà bỏng chân đấy.". Đúng là toàn cát! Một bãi cát trải dài bên rặng tre vẫn hiên ngang đón gió - loài cây duy nhất còn lại khi cơn lũ tràn qua. Cát thế này thì sao có thể trồng được gì, thậm chí cũng thật khó mà khắc phục được. Vậy mà, trước lũ đây là bãi soi trồng dâu tốt ngập. Mỗi vụ dâu, tằm gia đình ông Kỷ thu về bạc triệu.
Thiên tai quả là khắc nghiệt. Tuy vậy, con người vẫn luôn phải đối mặt và khắc phục hậu quả của nó. Trên các cánh đồng, soi bãi vừa bị thiệt hại người dân Minh Tiến vẫn đang miệt mài khôi phục đồng ruộng, gieo lúa, trồng ngô mong kéo lại vụ mùa đã mất. Mong sao được thiên thời để ruộng đồng xanh lại, có cái mà thu hái để đẩy lùi cái đói đang rình rập mọi nhà.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp với 377 km quốc lộ, trong đó 4 tuyến đã được đầu tư nâng cấp. Có 424 km tỉnh lộ trên 11 tuyến đường đã được đầu tư vào cấp.
YBĐT - Công ty Quản lý – Xây dựng đường bộ I có nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý 283 km đường quốc lộ và tỉnh lộ ở phía Tây tỉnh Yên Bái. Trong đó Công ty quản lý 175 km đường quốc lộ 32; 40 km đường quốc lộ 37; 30 km đường Văn Chấn – Trạm Tấu; 26 km đường Đại Lịch – Minh An và 12 km đường Hợp Minh – Mỵ.
YBĐT - Tháng Tám. Trên công trường thi công cầu Ngòi Thia, cầu Hút, nắng thu như mật từ cao xanh rót xuống nhuộm loang áo thợ. Những phiến dầm cuối cùng được lao lắp, những gương mặt sạm đen vì nắng gió. mồ hôi túa ra trên lưng áo nhưng tiếng hát thợ cầu vẫn hào sảng, cùng tiếng máy trên công trường sôi động vang xa, lan xa...