Những người thổi hồn cho rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã thành lệ, hàng năm cứ vào dịp đông về, khi cái lạnh cắt da cắt thịt len lỏi vào lòng người, vào cuộc sống của người dân vùng cao thì cũng là lúc những công nhân sản xuất cây giống Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu (Yên Bái) lại bắt tay vào mùa vụ mới.

Nhân dân phố Tân Nghĩa, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) ươm quế giống phục vụ nhu cầu trồng rừng
kinh tế. (Ảnh: H.N)
Nhân dân phố Tân Nghĩa, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) ươm quế giống phục vụ nhu cầu trồng rừng kinh tế. (Ảnh: H.N)

Để có những cánh rừng bạt ngàn đầy sức sống trên những triền núi cao thì cây giống có một vai trò quan trọng. Và càng quan trọng hơn khi thời tiết và khí hậu nơi vùng cao đầy khắc nghiệt với nắng nóng, mây mù đòi hỏi những người muốn gắn bó với công việc này không chỉ có sức khỏe, có kỹ thuật mà còn phải có lòng nhiệt huyết và sự gắn bó với nghề như một duyên nợ.

Đến với nghề ươm cây giống khi tuổi đời còn rất trẻ, chị Bùi Thị Phương Hiên, tổ trưởng tổ dịch vụ sản xuất cây giống Ban quản lý rừng phòng hộ cho biết: "Tôi tự hào vì cả bố và mẹ đều hoạt động trong ngành lâm nghiệp. Bố mẹ tôi đã đóng góp một phần công sức để tạo ra những rừng thông bạt ngàn đầy sức sống có tác dụng phòng hộ thiết thực như hiện nay. Yêu rừng nên tôi quyết định đi theo nghề của bố mẹ".

Chặng đường 18 năm gắn bó với nghề đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm. Chị bảo: “Bản thân tôi đã từng có mặt ở tất cả các vườn ươm trong huyện, từ gần đến xa. Nhiều vườn ươm đặt giữa rừng xa khu dân cư đến vài giờ đi bộ. Thân con gái giữa rừng xanh núi đỏ, có khi cả tháng không thấy một bóng người nhiều lúc thấy rờn rợn. Nhưng cứ nghĩ đến những cánh rừng xanh bạt ngàn, đến những người dân nâng niu trân trọng từng bầu cây giống do mình ươm lên, tôi lại có thêm nghị lực để vượt qua tất cả".

Hiện nay, huyện Trạm Tấu có 32.407,0 ha rừng trong đó có 5.409,4 ha rừng trồng phòng hộ, 17.167,6 ha rừng tự nhiên phòng hộ và 9.830,0 ha rừng khoanh nuôi tái sinh, độ che phủ của rừng là 42%. Hàng năm, huyện trồng từ vài trăm đến hàng nghìn ha rừng các loại bao gồm rừng phòng hộ và rừng kinh tế trong đó phần lớn là rừng kinh tế. Để hoàn thành được chỉ tiêu kế hoạch, mỗi năm tổ dịch vụ sản xuất cây giống của Lâm trường Trạm Tấu nay là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện phải tự gieo ươm hàng triệu cây giống có chất lượng.

Với chủ trương đưa vườn ươm đến tận chân lô nên từ năm 1997, các vườn ươm ở Trạm Tấu được đặt ngay tại chân các diện tích trồng rừng. Chủ trương này đã tạo ra hiệu quả tích cực với tỷ lệ cây sống cao, người dân không mất nhiều công sức vận chuyển cây giống đến nơi trồng. Nhưng chủ trương này cũng lại thêm thách thức đối với những người gắn bó với nghiệp ươm cây. Mỗi người phải chịu trách nhiệm một vườn và không được đặt cố định ở một vị trí nhất định mà thường xuyên thay đổi tùy theo khu vực trồng. Vì thế cứ vào cuối tháng 10 hàng năm cho đến tháng 7 năm sau là lúc những người công nhân ươm cây giống thường xuyên vắng nhà. Đây là thời điểm họ đang dốc hết tâm sức cho những bầu cây xanh tốt đảm bảo cho vụ trồng rừng thắng lợi.

Năm 2009, theo kế hoạch, huyện Trạm Tấu trồng 1000 ha rừng phòng hộ và trồng dặm 850 ha rừng năm thứ 2 bằng 2 loài cây chính là: sơn tra và thông mã vĩ. Tương ứng với diện tích đó cần phải có trên 2 triệu cây giống. Ngay từ tháng 10/2008, Ban quản lý rừng phòng hộ đã chỉ đạo tổ dịch vụ sản xuất cây giống triển khai kế hoạch sản xuất năm 2009. Theo đó, vườn được đặt ở 8 điểm, điểm gần nhất cũng cách trung tâm huyện 6km, xa nhất cách 50km như điểm vườn ươm thôn Háng Đay, thôn Nhì Trên xã Làng Nhì, thôn Háng Tàu xã Túc Đán... Cá biệt, một số vườn phải mất vài giờ đi bộ mới đến khu dân cư.

Với đội ngũ công nhân kỹ thuật ươm cây giống gồm 8 người phần lớn là phụ nữ, nên để hoàn thành được kế hoạch giao, chị Bùi Thị Phương Hiên cho biết, anh chị em phải dựng lán trại ở trong rừng, vườn nào gần nhà dân thì xin ở nhờ, bám sát hiện trường đảm bảo thường xuyên có mặt ở vườn ươm để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật gieo ươm, chăm sóc để hạt giống không bị chết rét, không bị nấm bệnh và trâu bò phá hoại. Bên cạnh đó, phải thường xuyên chăm sóc phân loại để có được những cây giống tốt đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất vườn.

 Đến thăm anh Đỗ Công Thành khi anh đang chuẩn bị để hôm sau lên đường bắt đầu một mùa vụ mới. Anh bảo, năm nay anh được phân công ươm cây ở địa điểm thôn Háng Đay xã Làng Nhì, là vườn ươm xa nhất, ngoài đoạn đường đi được bằng xe máy, anh phải đi bộ mất 4 giờ đồng hồ mới đến được. Anh trăn trở: "Năm trước vườn gần nên vào dịp tết Mông còn về thăm nhà chứ năm nay vườn ở xa thì phải đến tết Nguyên đán mới về". Hành trang anh chuẩn bị cho chuyến đi này toàn là ni lông che cây, bầu cây, lưới rào vườn và vài bộ quần áo cùng một số đồ dùng cá nhân cần thiết còn thực phẩm phục vụ cho mình thì không mang được gì, lên bản ở cùng bà con có thế nào ăn thế đó chứ đường xa mang thế cũng đủ mệt lắm rồi! Thế là từ hôm anh đi, ngày nào cũng vậy, 2 buổi sáng chiều hàng xóm đều thấy một bà cụ tóc bạc, da mồi đưa cháu nội đi học vì vợ anh là giáo viên cắm bản cũng cuối tuần mới về nghỉ, mọi việc đều trông cậy vào mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Cụ thông cảm và thấu hiểu được cái nghề mà con trai cụ đang theo. Bởi bản thân cụ cũng từng cống hiến hơn 20 năm cho rừng giờ lại đến lượt con mình nên cụ không chỉ là mẹ mà còn là một đồng nghiệp sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm cũng như khó khăn để con yên tâm gắn bó với nghề.

Không chỉ riêng anh Thành, vào thời điểm này, các gia đình công nhân kỹ thuật ươm cây giống ở Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu đều vắng bóng người thân, mọi việc ở nhà đành giao cả cho người ở lại. Anh Tống Văn Quang là đặc biệt hơn cả: vợ anh vừa sinh con được vài ngày thì đến vụ mà việc ươm cây thì không thể chậm lại. Nghĩ vậy nên anh phải gửi vợ con cho mẹ và anh chị em chăm sóc giúp, thỉnh thoảng đảo về vì vườn ươm nơi anh ở rất xa.

Đặc thù của công đoạn sản xuất cây giống mang tính thời vụ cao nên khi bắt tay vào mùa vụ cũng là lúc đòi hỏi những người làm công việc này phải tập trung cao độ công sức. Bình quân mỗi vụ một công nhân kỹ thuật ươm cây phải đảm nhận từ 15 đến 20 vạn bầu cây và phải tự thực hiện mọi công đoạn từ làm đất, san vườn, đóng bầu, cấy hạt, chăm sóc cho đến khi xuất vườn. Vì thế để hoàn thành khối lượng công việc, ngoài việc tập trung hết thời gian công sức, họ phải thuê thêm nhân công là người địa phương và tiền thuê nhân công được trích từ chính số tiền mà họ được hưởng sau khi cây giống được nghiệm thu xuất vườn.

Công chăm cây bỏ ra cũng như chăm người, giai đoạn đầu hết sức quan trọng, muốn cây khỏe mạnh thì ngay từ khi còn là cây giống, cây phải khỏe, phải xanh tốt. Theo thiết kế khảo sát thì hiện nay huyện Trạm Tấu còn trên 14 nghìn ha đất trồng rừng. Tương ứng với diện tích đó cần có hơn 20 triệu cây giống, một trách nhiệm mà những người ươm cây giống phải lần lượt gánh vác. Họ chính là những người thổi hồn cho rừng trên non cao Trạm Tấu.

  Thu Hằng

Các tin khác
Cán bộ QLTT đang kiểm đếm lượng thuốc lá lậu.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Công thương đưa mặt hàng thuốc lá lậu vào danh mục hàng cấm.

Thu mua sữa bò tươi nguyên liệu

Ngày 14/1, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi Công ty Vinamilk đề nghị thu mua sữa tươi nguyên liệu, tạo điều kiện mua hết sữa cho nông dân chăn nuôi vùng Hà Nội.

Chiều 13-1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký Thông tư 03 hướng dẫn việc giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của quý 4-2008 và số thuế TNDN phải nộp của năm 2009.

Anh Sổng A Thào phát cỏ, chăm sóc rừng tre măng Bát Độ.

YBĐT - Chúng tôi đến thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên - Yên Bai) thăm nhà anh Sổng A Thào dân tộc Mông. Anh hiện có một cơ ngơi vững chắc, cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục