Yên Bái: Hỗ trợ một số ngành hàng chủ lực phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 23/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo dự báo, 2009 vẫn là một năm đầy khó khăn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm có thể có nhiều doanh nghiệp sẽ bị giải thể, nhiều lĩnh vực kinh tế sản xuất bị đình đốn nhưng cũng sẽ có doanh nghiệp và ngành hàng phát triển.
Nông dân xã Minh Quân (Trấn Yên) khai thác gỗ rừng trồng.
(Ảnh: H.N)
|
Qua báo cáo của ngành Thống kê tỉnh Yên Bái, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 1/2009 tuy tăng hơn so với cùng kỳ nhưng giảm rất mạnh so với tháng 12/2008. Vẫn biết vào tháng đầu năm có nhiều ngành sản xuất công nghiệp dừng sản xuất do mang tính chất thời vụ nhưng rõ ràng sự suy giảm kinh tế trong nước đã ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 1/2009, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương quản lý đã giảm 21,8% so với tháng 12/2008, giảm 5,6% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp nhà nước địa phương quản lý giảm 25,5%, công nghiệp ngoài nhà nước giảm 14,2% so với tháng cùng kỳ. Vào thời điểm từ cuối năm 2008 đến nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã lâm vào tình trạng rất khó khăn về tài chính, tồn đọng sản phẩm, thanh toán công nợ, trả lương cho công nhân.
Hiện nay, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh thương mại, dịch vụ ở các lĩnh vực đều bị chậm lại. Khó khăn nhất là một số mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến hàng nông lâm sản.
Đối với ngành chế biến chè, bắt đầu từ tháng 12/2008 việc tiêu thụ bị giảm mạnh, giá bán sản phẩm giảm mạnh từ 19 triệu đồng/tấn lúc giữa vụ giảm xuống chỉ còn từ 10 – 11 triệu đồng/ tấn. Lượng chè khô tồn kho đến ngày 31/12/2008 là 6.028 tấn, bằng 32% sản lượng chè đã xuất trong năm. Đối với sản phẩm tinh bột sắn, giá bán 1 tấn sản phẩm đã giảm khoảng 2,5 triệu đồng/tấn so với đầu năm 2008, tính đến cuối năm 2008, Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái và Công ty TNHH Thương mại Yên Bình tồn kho trên 5.000 tấn sản phẩm.
Sản phẩm giấy đế, vàng mã là mặt hàng xuất khẩu toàn bộ, song trong thời gian qua sức mua giảm dẫn đến tiêu thụ khó khăn, giá bán hạ. Tổng số hàng tồn kho của các doanh nghiệp là 2.000 tấn sản phẩm, tồn nhiều nhất là Công ty cổ phần Yên Sơn và Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm. Cùng với đó, nhóm doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện..., tình hình sản xuất kinh doanh vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong các sản phẩm công nghiệp mà tỉnh chú trọng phát triển thì chỉ có nhóm khai thác và chế biến khoáng sản việc tiêu thụ sản phẩm đã trở lại bình thường.
Đối với Yên Bái, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ và vừa nên rất dễ chịu tác động từ chính sách nhất là trong điều kiện tình hình kinh tế có diễn biến bất thường. Về tài chính ngân hàng, nhiều doanh nghiệp tuy đã được điều chỉnh giảm lãi suất từ 17,5% xuống còn 12,72%, song đối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn mức lãi suất này vẫn còn cao, có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè đã phải trả lãi tới 500 triệu đồng/năm, các doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay. Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh nhiều khó khăn, sản phẩm tồn kho dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị nợ đọng thuế trong khi theo Pháp lệnh Thuế quy định thì doanh nghiệp vi phạm sẽ phải nộp phạt 0,05% tổng số tiền chậm nộp/ngày. Đây sẽ là khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay.
Mặt khác, đối với chi phí vận tải cao đã làm tăng giá thành sản phẩm, khiến cho các nhà sản suất càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp tuy đã giảm nhưng nông dân vẫn không có tiền mua, trong đó có nhiều mặt hàng phục vụ trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp vụ động xuân, chăm bón chè.
Theo dự báo trong năm 2009, có tới 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản, 60% doanh nghiệp sản xuất đình đốn và chỉ có 20% có thể phát triển. Do vậy, đây không chỉ là vấn đề của bản thân các doanh nghiệp mà nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu của tỉnh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm, có hiệu quả qủa các chính sách chống suy thoái kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, tới đây UBND tỉnh Yên Bái sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Quyết định số 131/QĐ - TTg ngày 23/01/2009.
Theo đó, Yên Bái sẽ đề ra chính sách riêng bên cạnh chính sách của Chính phủ để tập trung kích cầu đầu tư và tiêu dùng trên nguyên tắc theo Quyết định của Chính phủ quy định. Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ về phân bón, vật tư, vay vốn sản xuất... để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Việc hỗ trợ sẽ tập trung vào một số ngành hàng chủ lực, cho một số doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhưng gặp khó khăn, còn những doanh nghiệp thua lỗ nặng, biểu hiện làm ăn không minh bạch thì không được hưởng chính sách này.
Trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện phủ lãi suất cho một số sản phẩm, đó là: sản phẩm tinh bột sắn sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng thương mại trên cơ sở trừ phần hỗ trợ lãi suất của Chính phủ 4% năm, số còn lại tỉnh hỗ trợ hết, hỗ trợ chi phí vận chuyển 50 đồng/kg sắn củ tươi cho nông dân trồng sắn trong vùng quy hoạch thông qua việc trợ giá mua nguyên liệu để các nhà máy mua không thấp hơn 500 đồng/kg củ tươi.
Đối với sản phẩm chè, bên cạnh việc thực hiện ngay chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, trong vụ chè tới tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để thu mua nguyên liệu. Ngoài phần hỗ trợ lãi suất theo chính sách chung, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng trong thời hạn 8 tháng năm 2009. Tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 2% lãi suất ngân hàng trong 8 tháng năm 2009 cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động để sản xuất các mặt hàng chế biến lâm sản.
Tiêu chí và thủ tục để được hỗ trợ thực hiện theo quy định của các Bộ, ngành trung ương, khi hồ sơ hỗ trợ 4% lãi suất theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì đồng thời được hưởng các chính sách hỗ trợ tương ứng của tỉnh. Cùng với hỗ trợ về lãi suất, chính sách về thuế, tỉnh sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại từ 50 - 100 triệu đồng nhưng không quá 200 triệu/1 triệu USD trị giá hàng hoá xuất khẩu. Thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các đối tượng đầu tư chiều sâu, công nghệ mới, mở rộng sản xuất, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, khuyến khích tổ chức, cá nhân tiêu thụ hàng hoá địa phương...
Theo dự báo, 2009 vẫn là một năm đầy khó khăn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm có thể có nhiều doanh nghiệp sẽ bị giải thể, nhiều lĩnh vực kinh tế sản xuất bị đình đốn nhưng cũng sẽ có doanh nghiệp và ngành hàng phát triển. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh thì yếu tố quyết định của sự phát triển là các cấp, các ngành và các doanh nghiệp phải nhận ra và tận dụng có hiệu quả cao những cơ hội xuất hiện chính từ sự suy giảm kinh tế, nhất là từ chính sách kích cầu đầu tư để thu hút thêm nguồn lực, giải quyết việc làm, đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn phục vụ cho sự phát triển bền vững.
Khánh Linh
Các tin khác
YBĐT - Phong trào phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp VACR đang là một hướng đi đúng, tích cực trải rộng khắp huyện Văn Yên (Yên Bái), góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của toàn huyện.
Liên tục được điều chỉnh giảm từ đầu giờ sáng, song đến 11h15 trưa nay 23/2 giá vàng trong nước vẫn duy trì 19,86 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 700.000 đồng/lượng.
Đúng 21 giờ tối 22/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã cắt băng khánh thành đón nhận mẻ dầu đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam từ NM lọc dầu Dung Quất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài", trong đó xác định cả các lĩnh vực ưu tiên cũng như giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động này có hiệu quả ngay trong năm nay.