Yên Bình: Vững tin mùa xuân mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dẫu trải qua năm 2008 đầy gian nan thử thách, nhưng bước sang năm 2009, huyện Yên Bình (Yên Bái) như một chàng trai cường tráng tuổi 20. Mỗi mùa xuân đi qua, người Yên Bình lại nhìn thẳng vào sự thật, hiểu đúng thực tế, để từ đó rút ra những gì đã làm được và chưa làm được để tạo nên sức bật phá cho tương lai.

Năm 2008, toàn huyện khai thác trên 2 ngàn m3 gỗ các loại, bán thu hàng chục tỷ đồng. (Ảnh: Rừng bạch đàn trồng trên đảo hồ Thác Bà)
Năm 2008, toàn huyện khai thác trên 2 ngàn m3 gỗ các loại, bán thu hàng chục tỷ đồng. (Ảnh: Rừng bạch đàn trồng trên đảo hồ Thác Bà)

Chưa bao giờ Yên Bình lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại như trong năm 2008, đầu năm nhiều diện tích lúa, mạ, trâu bò bị chết rét, hàng trăm ha ngô vụ đông không cho thu hoạch. Chưa kịp hồi phục sau rét, người dân nơi đây lại bị bão, lũ hoành hành, đường giao thông bị tê liệt, nhà cửa ruộng nương của hàng ngàn hộ dân bị thiệt hại nặng nề. Có thể nói, suốt cả năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã phải gồng mình chống chọi với thiên tai, dịch bệnh và nỗ lực kiềm chế lạm phát. Mặc dù khó khăn, song Yên Bình vẫn thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2005-2010 và các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Khi trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Hoàng Xuân Nguyên cho biết: “Năm qua, Yên Bình cũng như các địa phương khác bị thiên tai tàn phá gây thiệt hại nặng nề về người và của, song huyện đã phát huy nội lực và được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành khẩn trương khôi phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân.

Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chuyên đề về xây dựng Đảng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng. Trong lĩnh vực kinh tế, tập trung vào các chương trình: cải tạo giống chè, trồng rừng, chăn nuôi thủy sản, phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kích cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại…”. Những chỉ đạo, hướng đi ấy xem ra đã phát huy hiệu quả rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,3%, tăng 0,5 so với cùng kỳ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách đạt 31,4 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ, một con số đầy ấn tượng trong một năm đầy biến động. Quan trọng hơn, Yên Bình đã biết khai thác lợi thế riêng của mình, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tuy chưa phải đứng đầu trong cơ cấu phát triển, nhưng đã phát triển tích cực, góp phần nâng cao tỷ trọng thu chung.

Nông dân Vĩnh Kiên chăm sóc sắn.

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 146,17 tỷ đồng, đạt 110,7% kế hoạch và tăng 12,4% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, Yên Bình có hướng phát triển riêng “sản xuất để có nhiều tiền rồi lấy tiền để mua lương thực”. Lương thực là quan trọng, nhưng người Yên Bình lý giải thế này: ruộng nước có ít, đã vậy lại chủ yếu là ruộng xấu, thiếu nước, ớm bóng… dẫu có đầu tư tốt thì năng suất cũng không thể cao được, may lắm thì đủ ăn. Đã như vậy không nhất thiết phải trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, diện tích ruộng xấu chuyển đổi sang trồng rau xanh,  đào ao nuôi trồng thủy sản, miễn là làm sao giá trị kinh tế cao là được. Giá trị kinh tế cao, người dân có tiền lại mua lương thực ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo thì đó cũng là đảm bảo an ninh lương thực thôi.

Bên cạnh đó, Yên Bình đang từng bước hình thành những vùng chuyên canh lớn, vùng bán ngập hồ Thác Bà trước đây thường xuyên bỏ hoang, thì nay bà con đã chuyển sang trồng lạc, đỗ tương. Diện tích lạc ngày một nhiều, bình quân mỗi năm có trên 400 ha lạc xuân, đặc biệt trong một hai vụ trở lại đây bà con trồng lạc vụ thu. Trồng lạc vụ thu năng suất thấp, nhưng giá trị kinh tế lại cao gần gấp đôi lạc xuân, mà còn làm giống cho vụ sau. Trong phát triển kinh tế đồi rừng đã trở thành một nghề, không còn diện tích đất trống, đồi núi trọc mà đã được phủ xanh bằng keo, bạch đàn, bồ đề, măng tre Bát độ. Năm 2008, toàn huyện khai thác trên 2 ngàn m3  gỗ các loại, bán thu hàng chục tỷ đồng. Không chỉ có vậy, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng cũng phát triển mạnh, giải quyết nhiều việc làm trong nông nghiệp nông thôn. Diện tích trồng rừng mới, năm đầu được bà con trồng xen canh cây sắn với diện tích hàng ngàn ha, từ đó đem lại nguồn thu không nhỏ.

Với quyết tâm đưa cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, từ năm 2005 huyện xây dựng chuyên đề trồng và cải tạo giống chè. Chỉ trong năm đầu thực hiện, toàn huyện đã trồng thay thế 74 ha chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội, năm 2007 cải tạo 80 ha, năm 2008 đạt 100 ha. Yên Bình là huyện có chương trình cải tạo giống chè tốt nhất trong các huyện thị có chè, nhờ vậy sản lượng chè thu hái ngày một tăng, đáp ứng tốt cho chế biến chè xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế… Những giải pháp, hướng đi đúng đã góp phần nâng cao cuộc sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn xuống còn chưa đầy 16%.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2009 huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 14,7%, thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/người/năm, văn hoá - xã hội tiếp tục được củng cố và phát triển. Để hoàn thành mục tiêu ấy, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch để có định hướng rõ nét trong phát triển kinh tế từng vùng. Huyện lấy công nghiệp là khâu đột phá để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững; tập trung vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản. Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp tăng cường thâm canh, tăng vụ tăng năng suất, chất lượng. Ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học; phát triển chăn nuôi hàng hoá theo mô hình trang trại; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thu hút đầu tư...     

Năm 2009 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo, táo bạo của đội ngũ cán bộ trẻ, đầy nhiệt huyết từ huyện đến cơ sở, đó là tiền đề quan trọng để Yên Bình hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Thanh Phúc

Các tin khác

Bộ Tài chính khẳng định việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô vẫn tiến hành theo đúng thời điểm Luật thuế sửa đổi có hiệu lực - 1/4, không lùi lại như nhiều người lầm tưởng.

YBĐT - Nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã triển khai 5 nhóm giải pháp cấp bách chống suy giảm kinh tế. Trong đó, Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ 4% lãi suất cho vay vốn ngân hàng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh là một giải pháp quan trọng nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, hỗ trợ nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Giá gas trong nước bắt đầu giảm giá sau khi đã tăng rất mạnh trong tháng 2.

Để nâng cao chất lượng nông sản và tính cạnh tranh, đảm bảo khả năng dự trữ phục vụ xuất khẩu, Thủ tướng vừa giao Bộ NN-PTNT soạn thảo đề án xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa gạo hiện đại, tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL với tổng công suất 4 triệu tấn, để trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 3-2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục