Bài học từ cổ phần hóa ở Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh:

“Thuốc” dân chủ chữa bệnh “nan y”

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong khi nhiều doanh nghiệp sau chuyển đổi có chuyển biến rõ nét trong sản xuất kinh doanh thì từ năm 2004 tới cuối năm 2008, Công ty này triền miên thua lỗ, nội bộ bất ổn, nhiều lao động bỏ việc, tổ chức Đảng, đoàn thể tê liệt, gần như đặt ra ngoài doanh nghiệp. Vậy điều gì đã diễn ra ở Minh Thịnh?

Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh (tạm gọi tắt là Minh Thịnh) (nằm trên địa bàn TP Yên Bái) là doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sang công ty cổ phần từ năm 2004.

Yếu kém cá nhân, thua lỗ tập thể 

Không tính yếu tố của thị trường, yếu kém trong quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị (HĐQT) mà đứng đầu là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty đã khiến doanh nghiệp ngày càng thụt xuống vũng lầy. 4 nhà máy chế biến, tổng công suất chế biến trên 50 tấn/ngày là Đồng Tâm, Hưng Thịnh, Báo Đáp, Yên Ninh được khoán trắng cho các quản đốc. Quản đốc là người lo từ khâu sản xuất, bán hàng tới đầu tư sửa chữa, đầu tư mới máy móc, thiết bị... Công ty phó mặc hoàn toàn cho các quản đốc, chỉ thu 10% giá trị hàng bán mà các nhà máy thu về, khó khăn, sướng khổ không cần biết.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty tập trung quyền lực, mất dân chủ cao độ; Ban kiểm soát doanh nghiệp đứng danh, thực chất không hoạt động; việc họp hành quyết đáp các vấn đề lớn của doanh nghiệp không được thực hiện, chỉ thông báo sau khi đã quyết đáp (qua điện thoại, văn bản). Quyền lực tập trung vào một cá nhân năng lực quản lý điều hành hạn chế nên doanh nghiệp ngày càng lún sâu vào thua lỗ. Vùng chè nguyên liệu ban đầu 200 ha không được đầu tư chăm sóc, bỏ bê, năng suất sụt giảm mạnh, sau khi bán 160 ha vùng nguyên liệu tự chủ chỉ còn 40 ha giao cho đội sản xuất, các nhà máy không có chè sản xuất, doanh nghiệp phải mua chè giá cao làm tăng giá thành trong khi giá bán thấp.

Việc chuyển đổi doanh nghiệp giữa lúc sản xuất kinh doanh rất khó khăn: sản phẩm không tiêu thụ được, vốn trông vào 800 tấn chè tồn trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng. Trong bối cảnh ấy, khoản vay 2,5 tỷ đồng từ ngân sách để mua chè nguyên liệu trở thành món nợ khó trả. Năm đầu chuyển sang cổ phần hoá, Công ty lỗ 1,6 tỷ đồng, không nộp thuế cho Nhà nước, nợ đọng 1,2 tỷ các khoản. Tình hình tiếp tục xấu đi, năm 2007 số lỗ lên tới 4,5 tỷ đồng, công nhân bỏ việc, bỏ đồi chè ra ngoài làm ăn.

Trước sự xiết chặt cho vay của các ngân hàng, Hội đồng quản trị quyết định tháo gỡ khó khăn về vốn kinh doanh bằng cách... bán 160 ha chè nguyên liệu, trong đó 100 ha ở Báo Đáp (Trấn Yên), 60 ha ở Minh Bảo (thành phố Yên Bái) và một số máy móc thiết bị sản xuất cho tư nhân, tổng số vốn thu được khoảng 3,3 tỷ đồng. Cuối năm, cộng các khoản lỗ, nợ đọng thuế, lương... vẫn âm 6 tỷ đồng. Năm 2008, số âm không giảm, thua lỗ 1 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ấy, các tổ chức Đảng, Công đoàn... tê liệt, không hoạt động, gần như đặt ra ngoài doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp khi nghỉ hưu rút ngay khỏi danh sách sinh hoạt Đảng, từ năm 2004 tới năm 2008 ba lần thay đổi chức danh Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty. Các đảng viên, đoàn viên công đoàn bức xúc cao độ khi không được phép tổ chức sinh hoạt Đảng, Công đoàn tại Văn phòng Công ty mà phải xuống nhà máy họp nhờ, ngay cả cán bộ Thành ủy Yên Bái dự sinh hoạt cũng không được họp tại trụ sở Công ty. Chức danh Bí thư Đảng uỷ được giao cho... thủ kho Nhà máy Chè Đồng Tâm đảm nhiệm - những chuyện khó tưởng tượng trong các công ty cổ phần ở Yên Bái.

Vực dậy sau khi ngã

Đầu năm 2009, Minh Thịnh đã có sự củng cố toàn diện sau khi hai “đảng viên” Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty từ năm 2004 tới cuối 2008 lần lượt nghỉ và nằng nặc đòi rút cổ phần ra khỏi doanh nghiệp. HĐQT mới là cán bộ chủ chốt các nhà máy chè – những người đã thấm đủ “đòn” của những ông chủ tư nhân hoá.

Một trong những việc quan trọng hàng đầu của HĐQT mới là khôi phục hoạt động của tổ chức Đảng, Công đoàn. Đảng bộ đã sinh hoạt, đề ra phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đã hoàn tất thủ tục đề nghị và Thành ủy Yên Bái đã nhất trí nhân sự giữ chức Bí thư Đảng ủy là đồng chí Đào Xuân Thành-Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty; kiện toàn chức danh Phó bí thư Đảng ủy, giao đồng chí Nguyễn Xuân Chiến - Phó giám đốc đảm nhiệm. HĐQT mới đã mời gọi người lao động trở về làm việc, thành viên HĐQT đóng góp trên 1 tỷ đồng và cho Công ty mượn sổ đỏ nhà đất, tài sản để thế chấp vốn ngân hàng.

Sản xuất từng bước phục hồi nhờ có vốn mua nguyên liệu và tổ chức lại doanh nghiệp, sản phẩm chè sơ chế và hoàn thành phẩm được các bạn hàng ở Tuyên Quang, Hà Nội tiêu thụ trở lại. Các ngân hàng sau thời gian từ chối cho vay, hiện xác định hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp, đã cho vay 3 tỷ đồng, tới đây Công ty tiếp tục được vay 1,5 tỷ đồng. Đầu vụ chè tới nay, Minh Thịnh đã sản xuất 240 tấn sản phẩm, làm ra tới đâu tiêu thụ tới đó, không tồn kho. Trong số 132 công nhân hiện đang làm việc, nhiều người bỏ doanh nghiệp làm ngoài từ hơn 3 năm nay đã trở lại làm việc, tinh thần là cùng Công ty vượt khó để vươn lên cho dù thu nhập chỉ 1 triệu đồng/tháng, thấp hơn làm ngoài.

Bài học về quản lý

 “...Việc tư nhân hoá sẽ rất nhanh và người lao động sẽ trở thành người làm thuê, không được bảo đảm chế độ từ bảo hiểm, tiền lương, tiền công nếu người nắm giữ quyền lực không phải là ông chủ tốt”.

 Những gì diễn ra ở Minh Thịnh cho thấy, việc tư nhân hoá thực chất đã biến tướng thành cá nhân hóa, tư hữu hóa, sẽ rất nhanh và người lao động sẽ trở thành người làm thuê, không được bảo đảm chế độ từ bảo hiểm, tiền lương, tiền công nếu người nắm giữ quyền lực không phải là ông chủ tốt. Tương tự, tổ chức Đảng và các đoàn thể dễ dàng bị vô hiệu hoá, đặt ra ngoài doanh nghiệp bởi người nắm quyền lực, ngay cả khi người đó là đảng viên của Đảng, đoàn viên của đoàn thể, hội. Công ty cổ phần (nhất là nơi Nhà nước không nắm giữ vốn hoặc một phần vốn) hoạt động theo Luật, Nhà nước chỉ quản lý việc chấp hành pháp luật, không can thiệp vào nội bộ doanh nghiệp.

Ở Yên Bái, không phải doanh nghiệp nào sau cổ phần hoá cũng rơi vào tình trạng như Minh Thịnh; không phải chủ tịch HĐQT, giám đốc trong công ty cổ phần cũng lãnh đạo, điều hành như vậy. Tình hình ở Minh Thịnh hiện đã ổn định trở lại, sản xuất kinh doanh phục hồi theo chiều hướng tốt, nội bộ đoàn kết, đồng tâm  đưa doanh nghiệp vượt khó đi lên nhưng những gì diễn ra ở đây thời gian qua thật đáng để suy ngẫm, nhất là về vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của đảng viên trong công ty cổ phần!         

 Tuấn Anh

Các tin khác

Để kiểm soát tốt nhất các khoản tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất, tới đây các ngân hàng sẽ tiếp tục nâng điều kiện vay, kiểm soát đối tượng được vay như chứng minh đồng tiền, mục đích vay và thời hạn vay...

Theo Quyết định 101/2009/QÐ-TTg ngày 5-8-2009 ban hành định mức đầu tư một số dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II áp dụng trong năm 2010, mỗi xã thuộc Chương trình 135 được đầu tư 300 triệu đồng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, một tỷ đồng thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và 60 triệu đồng dành cho các dự án đào tạo cán bộ xã, cộng đồng.

Ngoài việc tiếp tục kích cầu, cần có sự giám sát để hạn chế việc lạm dụng và sử dụng vốn vay không hiệu quả.

Tình hình kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm 2009 đang phát đi những tín hiệu khả quan về tác động tốt của gói giải pháp kích cầu. Thực tế cũng cho thấy, chưa đến lúc phải dừng hay điều chỉnh giảm các chính sách kích cầu. Tiếp tục duy trì kích cầu vẫn là giải pháp, song cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ.

Tính đến ngày 7/8, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 94.926,4 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 7/8 đã đạt 392.609,30 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục