Ngân hàng Công thương Chi nhánh Yên Bái: Phấn đấu là “Ngân hàng của mọi nhà”
- Cập nhật: Thứ hai, 17/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau hơn một năm chính thức đi vào hoạt động (6.2008), Ngân hàng Công thương Chi nhánh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong kinh doanh phục vụ tín dụng, chủ động nguồn vốn để cho vay, mở rộng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế...
Lãnh đạo chi nhánh kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Quy Mông.
|
“Sinh” sau, khó khăn với Chi nhánh Yên Bái dường như nhiều hơn thuận lợi. Chưa kể thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực ban đầu... thì khó khăn lớn nhất là hoạt động kinh doanh ở địa bàn có sự cạnh tranh quyết liệt, kinh tế địa phương còn chậm phát triển. Không ỷ lại vào “bao cấp” của ngân hàng trung ương, khi mới thành lập, với phương châm “Ngân hàng của mọi nhà, mọi người”, Chi nhánh đã chấp nhận cạnh tranh, năng động biến khó khăn thành cơ hội phát triển.
Chủ động “đi vay để cho vay”, thông qua các hoạt động tiếp thị nguồn vốn, đa dạng sản phẩm tiền gửi, cho vay, thực hiện cơ chế lãi suất tiền gửi linh hoạt, hài hoà lợi ích doanh nghiệp và khách hàng nên nguồn vốn huy động của Chi nhánh hết quý II/2009 đã đạt trên 148 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch năm, trong đó huy động tiền gửi dân cư và các tổ chức trên địa bàn đạt gần 98 tỷ đồng. Chủ động được nguồn vốn, ở thời điểm quý III năm 2008, khi một số ngân hàng thiếu vốn, Chi nhánh đã trở thành một điểm tựa về vốn cho các khách hàng, nhất là các doanh nghiệp. Từ chỗ chỉ có một vài khách hàng, sau hơn một năm, đã có 170 khách hàng quan hệ tín dụng với Ngân hàng.
Theo Giám đốc Ngô Văn Hanh: “Thế mạnh kinh tế của tỉnh là khai thác, chế biến khoáng sản; nông - lâm sản; phát triển thủy điện; kinh doanh thương mại dịch vụ. Yên Bái lại là thị trường tiềm năng và các thế mạnh này đang được khai thác hiệu quả nhờ chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của tỉnh và chí làm giầu của trên 700 doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đến Yên Bái. Ngân hàng đã bám sát định hướng phát triển kinh tế mà Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Yên Bái đề ra, chủ động cho vay nền kinh tế”.
Trong số khách hàng hiện đang quan hệ với tín dụng với Ngân hàng, phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; nông lâm sản, thương mại - dịch vụ. Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh, nhờ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng đã đầu tư mở rộng dây chuyền chế biến gạch tuynel số 2, công suất 10 triệu viên/năm. Công ty TNHH Thương mại Hồng Nhung vay vốn Ngân hàng đầu tư mở rộng cơ sở dịch vụ, hiện là cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn hàng đầu của Yên Bái. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển; Công ty Khai thác sản xuất và Xây dựng Văn Yên... cũng nhờ vốn Ngân hàng đã mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh cho biết: “Doanh nghiệp được Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn, quá trình thẩm định dự án nhanh, đúng quy trình nhưng không phiền hà làm nản lòng doanh nghiệp. Đồng vốn cho vay, Ngân hàng và doanh nghiệp đều cộng đồng trách nhiệm, vì vậy rất hiệu quả”. Chủ động tiếp cận, lựa chọn khách hàng, khai thác thị trường trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt, Chi nhánh đã bảo đảm chất lượng tín dụng, khách hàng vay và sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Thị phần hoạt động tín dụng được nâng cao sau hơn một năm hoạt động: nguồn vốn chiếm 3%, cho vay chiếm 7,2%, thu dịch vụ chiếm 5%. Dư nợ cho vay thời điểm 5/7/2009 đã lên tới 320 tỷ đồng, đạt 90,73% kế hoạch năm. Chi nhánh là đơn vị thực hiện tốt chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo các quyết định của Chính phủ.
Tính đến đầu tháng 7.2009, Chi nhánh đã cho 76 khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh vay 118,3 tỷ đồng theo các Quyết định 131, 443 của Chính phủ. Trên đường trở thành “ngân hàng của mọi nhà, mọi người”, Ngân hàng Công thương Chi nhánh Yên Bái cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội được cộng đồng biết đến, điển hình là tổ chức tặng xe lăn cho các cháu nhỏ tàn tật, ủng hộ đồng bào lũ lụt, vùng khó khăn...
Các chỉ tiêu về nguồn vốn, dư nợ... so với dư nợ của một số ngân hàng thương mại bề dày hàng chục năm trên địa bàn tuy không lớn nhưng đó là con số đáng nể với một ngân hàng chỉ một năm đi vào hoạt động ở địa bàn miền núi, kinh tế chậm phát triển và chịu cạnh tranh quyết liệt. Trước mắt, Chi nhánh tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, mở rộng màng lưới tín dụng, thoả mãn nhu cầu vốn của khách hàng, bảo đảm chất lượng tín dụng, lợi ích doanh nghiệp hài hoà lợi ích khách hàng để khẳng định thương hiệu ViettinBank, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
P.V
Các tin khác
Tổ chức Phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA) vừa có thỏa thuận với Bộ NN-PTNT về việc viện trợ cho Việt Nam gần 583.000 USD để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ sớm, lũ quét cũng như các phương tiện để ứng phó khi lũ xảy ra. Thời gian thực hiện là 18 tháng, kể từ tháng 11-2009.
YBĐT-Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 4 điểm suối nước nóng có thể khai thác được, thì huyện Văn Chấn có tới 3 điểm là: Tú Lệ, bản Cò Cọi xã Sơn A và bản Hốc xã Sơn Thịnh, điểm còn lại thuộc huyện vùng cao Trạm Tấu. Những điểm nước nóng này được phát hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước và là một nguồn tài nguyên quý giá, rất có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái, kết hợp thăm quan nghỉ dưỡng.
Ngày 14-8, Bộ Xây dựng đã tổ chức lễ công bố bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng bao gồm 101 thủ tục, trong đó 22 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp bộ, 56 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 16 thủ tục hành chính cấp huyện và 7 thủ tục hành chính cấp xã.
Từ ngày 1/1/2010, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường và mỗi năm được điều chỉnh một lần. Dự kiến, thời gian để bắt đầu áp dụng mức giá điều chỉnh là ngày 1/3 hàng năm.