Quả sơn tra giúp dân vượt đói giáp hạt
- Cập nhật: Thứ tư, 16/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhiều năm nay ở các xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), cây sơn tra đã đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương và giúp nhiều hộ nghèo vượt qua đói giáp hạt.
Quả sơn tra được mang về bày bán tại chợ Yên Bái với giá 15.000 đến 20.000 đồng/kg tại thời điểm giữa vụ..
|
Quả sơn tra còn có tên gọi khác là táo Mèo, thường được thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Cây sơn tra mọc tự nhiên ở trên các ngọn núi cao và không phải chăm sóc nhưng năm nào nó cũng cho người dân thu nhập tới hàng chục triệu đồng. Mùa này đang là lúc thu hoạch rộ. Bà Giàng Thị Sú ở bản Thào Chua Chải, xã Nậm Có phấn khởi cho biết: “Nhờ thu từ việc bán quả sơn tra, gia đình tôi đã có tiền để mua thóc, gạo trang trải cho gia đình trong giai đoạn đói giáp hạt”. Riêng vụ quả năm 2009 này, sơn tra được người dân bán với giá từ 10 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng/kg quả tươi.
Ông Sùng A Lử - Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho hay: “Mỗi vụ sơn tra bà con nơi này đã đem ra thị trường tiêu thụ khoảng trên 500 tấn quả, thu về khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Riêng tiền bán quả sơn tra nhiều hộ thu mỗi vụ từ 10 đến 15 triệu. So với các loại quả khác như: mận, đào, hồng, vải, nhãn thì quả sơn tra thời gian bảo quản được lâu hơn, những quả không bị dập có thể để được hàng tháng trời, ít bị hỏng, rất thuận lợi cho việc bảo quản khi vận chuyển đi xa hoặc để lâu”.
Ngoài việc dùng để ăn thông thường, người ta còn gọt vỏ chế biến thành nhiều món như: sơn tra ngâm muối, sơn tra ngâm đường dùng để làm nước uống giải khát rất mát, làm ô mai hoặc để kho cá, kho thịt vì quả sơn tra có vị chua chát. Không những thế mà quả sơn tra còn là một vị thuốc bắc quý hiếm, nên được thị trường rất ưa chuộng.
Xã Nậm Khắt cũng là vùng đất có cây sơn tra nhiều không kém xã Nậm Có. Ông Lý Chờ Khày - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Toàn xã, mỗi vụ bà con thu trên 300 tấn quả đã giúp những hộ nghèo ở các bản Hua Khắt, Páo Khắt, Nậm Khắt cùng nhiều hộ khác cải thiện được cuộc sống trong mùa giáp hạt”.
Tuy cây sơn tra đã đem về cho dân nhiều lợi ích kinh tế như vậy, nhưng việc phát triển loại cây này lại chưa được chú trọng. Phần lớn cây mọc chủ yếu là do gia súc ăn quả và sau đó phát tán hạt cây nhờ phân gia súc, cho nên số lượng cây sống ít, chỉ rải rác trên các sườn núi, chưa thành rừng tập trung, năng suất chưa cao. Ở huyện Mù Cang Chải chưa có số liệu cụ thể bao nhiêu ha, nhưng sơn tra mọc chủ yếu tại các xã như: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha và Kim Nọi…
Cây sơn tra thuộc họ thân gỗ, sống lâu, cao khoảng 10 đến 15 mét, gỗ chắc như gỗ lim, có thể dùng làm nhà cửa sau khi cây đã già cỗi, lá mềm tự phân huỷ nhanh không dễ cháy, đây là một ưu điểm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thời gian sinh trưởng tuy chậm nhưng nếu như chăm sóc tốt thì chỉ khoảng từ 5 năm đến 6 năm tuổi là cây đã có thể cho quả. Loại cây này sống từ 40 - 60 năm tuổi. Như vậy là thời gian cây thu hoạch khá lâu, người dân nên tích cực phát triển và mở rộng diện tích trồng cây sơn tra để vừa che phủ đồi núi trọc vừa có thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng cao.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
Chỉ sau một đêm, giá vàng trong nước sáng 16.9 tăng mạnh thêm 120.000 đồng/lượng. Sức tăng đáng kể của thị trường thế giới đã kéo giá vàng trong nước vùn vụt đi lên.
Ngày 15-9, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề mỗi làng sẽ có một sản phẩm.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 181/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên.
YBĐT - Bán hàng đa cấp hay tiếp thị đa cấp là hình thức bán lẻ xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2000. Bên cạnh các doanh nghiệp bán hàng đa cấp kinh doanh hợp pháp, trong nước đang xuất hiện khá nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng theo hình thức này có dấu hiệu bất hợp pháp. Mới đây, ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) có Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) đang “hoạt động bán hàng đa cấp bất chính”