Hà Nội: Phát hiện hai kho gỗ sưa tại làng nghề Nhị Khê
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2009 | 12:00:00 AM
Tối 17-9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội cùng lực lượng kiểm lâm, Công an huyện Thường Tín bất ngờ kiểm tra hai kho gỗ tại làng nghề Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín), phát hiện một lượng lớn gỗ sưa, trong đó có những cây còn tươi nguyên đang được cắt xẻ.
Cây gỗ sưa lớn bị thu giữ.
|
Tại kho gỗ của bà Trần Thị Nghĩa (44 tuổi, thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê), ngoài số lượng gỗ sưa khô được cất giữ, cơ quan chức năng phát hiện một khúc gỗ sưa dài gần 3m, có đường kính khoảng 20cm và một số lượng lớn mảnh vụn gỗ sưa đã được cưa xẻ thành miếng, một số tấm gỗ sưa đã được xẻ. Làm việc với cơ quan công an, bà Nghĩa khai nhận số gỗ sưa trên có nguồn gốc từ Tây nguyên, miền Nam được mua về để sản xuất đồ gỗ.
Tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Kha (56 tuổi, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà), cơ quan chức năng phát hiện một súc gỗ sưa tươi có đường kính gần 40cm, dài 2,5m, nặng khoảng 1 tấn (khoảng 40 năm tuổi) và nhiều khúc gỗ sưa khác cất giữ trong bếp, chuồng lợn. Khúc gỗ sưa lớn trên có đường kính tương đương gốc sưa bị trộm tại phường Bách Khoa vào ngày 8-9, do đó cơ quan công an sẽ điều tra kỹ về nguồn gốc cây gỗ này cùng toàn bộ số gỗ sưa thu được tại hai cơ sở trên.
Ngay trong đêm, cơ quan công an đã tạm giữ toàn bộ số gỗ sưa để điều tra xử lý.
Cây sưa có tên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain, tên thường gọi là trắc thối, huê mộc vàng, là một loại cây quý hiếm, đã bị nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển vì mục đích thương mại.
* Từ đầu tháng 7 đến nay, trên toàn TP Hà Nội đã xảy ra liên tiếp tám vụ chặt trộm gỗ sưa, hình thức ngày càng tinh vi và liều lĩnh (điển hình vụ chặt cây gỗ sưa tại phố Hoàng Đạo Thành ngày 17-8 và vụ ngày 1-9 ở phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, đều vào đêm khuya và gần sáng những hôm thời tiết mưa gió).
Ngoài ra, trên một số tuyến phố có một số cây xanh bị các đối tượng dùng mọi thủ đoạn làm cây chết hoặc chặt hạ cây trái phép, sau đó tự ý trồng những cây khác vào như vụ chặt phá ba cây bằng lăng và trồng thay thế năm cây cau vua trước nhà 319 phố Tây Sơn, Đống Đa. Trước tình trạng trên, phía công ty đã có công văn đề nghị Công an Hà Nội phối hợp điều tra làm rõ. Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo lực lượng công an phải vào cuộc, điều tra xử lý tình trạng này.
Theo thống kê của Công ty TNHH nhà nước một thành viên cây xanh Hà Nội, tính đến cuối tháng 7, trên địa bàn TP Hà Nội có 717 cây sưa đỏ; trong đó trên đường phố có 509 cây, trong công viên vườn hoa có 208 cây (đường kính các cây sưa từ 15-80cm), phân bổ nhiều nhất tại các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng.
(Theo TTO)
Các tin khác
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có công văn đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo việc xây dựng bảng giá đất áp dụng cho năm 2010.
Tại Moscow, Liên bang Nga, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty cổ phần mở Lukoil, Liên bang Nga vừa thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại về xăng dầu và các dịch vụ có liên quan.
YBĐT - Trong những năm gần đây, nhiều gia đình ở Yên Bình (Yên Bái) phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật, chuồng trại chưa được đầu tư bài bản và chủ yếu là giống địa phương... nên hiệu quả kinh tế chưa cao, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng từ năm 2008, thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Yên Bái, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật, công tác thú y chăn nuôi đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
YBĐT - Đến huyện Trạm Tấu (Yên Bái), nếu để ý thì ở đâu cũng có thể bắt gặp nhiều chủng loại gỗ nhất là gỗ pơ mu đã bị khai thác được lâm tặc vận chuyển ra khỏi địa bàn. Dường như chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn bất lực trước tình trạng này.