Gỗ pơ mu vẫn bị khai thác bừa bãi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến huyện Trạm Tấu (Yên Bái), nếu để ý thì ở đâu cũng có thể bắt gặp nhiều chủng loại gỗ nhất là gỗ pơ mu đã bị khai thác được lâm tặc vận chuyển ra khỏi địa bàn. Dường như chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn bất lực trước tình trạng này.

Lâm tặc thả gỗ pơ mu trôi suối Làng Kệ, xã Bản Mù.
Lâm tặc thả gỗ pơ mu trôi suối Làng Kệ, xã Bản Mù.

Chúng tôi đến xã Phình Hồ - một xã nằm trên tuyến đường Văn Chấn - Phình Hồ - Làng Nhì cùng nhiều con đường mòn khác thường xuyên có người khai thác và buôn gỗ đi qua. Theo thông tin từ nhiều người dân, nếu thời tiết tốt, đường khô thì mỗi tuần có từ 2 đến 4 chuyến hoặc thậm chí 5 - 6 chuyến vận chuyển gỗ trái phép đi qua đây và lâm tặc có thể đi đơn lẻ hay đi theo đoàn có tổ chức. Trong 7 tháng qua, công an xã, dân quân tự vệ và kiểm lâm nằm vùng cùng phối hợp đã phát hiện, tịch thu, xử lý 4 vụ với 33 đầu gỗ pơ mu các loại. Tuy nhiên, việc vận chuyển gỗ trái phép không vì thế mà dừng lại.

Ông Nguyễn Quang Lự - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phình Hồ cho biết: “Trạm có 7 người được phân công phụ trách 3 xã là Phình Hồ, Làng Nhì và Tà Xi Láng nhưng thực tế chỉ có 5 người hoạt động vì 2 người đang đi học. Địa bàn rộng, núi non hiểm trở, lực lượng mỏng và bản thân tôi mới lên nhận công tác khoảng 3 tháng, chưa nắm hết tình hình và chưa thuộc địa bàn cho nên gặp không ít khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản”. Được biết, ngoài những người khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ pơ mu trái phép từ thị xã Nghĩa Lộ và Văn Chấn đến đây còn có cả một số đối tượng là người của đồng bào Mông xã Phình Hồ.

Hiện nay Phình Hồ có 6 thôn, bản định cư nhưng do địa hình phức tạp, đồi núi dốc, đất sản xuất ít nên toàn xã có khoảng trên 100 hộ thuộc diện nghèo, trong đó nhiều hộ không có đất canh tác cả cây nông nghiệp và cây công nghiệp. Không có thu nhập, bị thiếu gạo ăn quanh năm nên những hộ này thường xuyên tham gia khai thác, vận chuyển thuê và mua lại các loại sản phẩm từ gỗ pơ mu để bán kiếm lời, đã tiếp tay cho lâm tặc.

Ông Sùng A Nu - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ khẳng định: “Nếu nói về công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn được giao quản lý trực tiếp thì xã làm rất tốt. Cụ thể là từ năm 1997 đến nay, xã chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào và cũng chưa có vụ phá rừng nào lớn. Nhưng nếu nói về việc ngăn chặn gỗ, lâm sản được vận chuyển qua địa bàn thì chính quyền xã Phình Hồ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì, hầu hết số gỗ pơ mu bọn lâm tặc vận chuyển qua đây là gỗ khai thác từ địa phương khác về”.

Lần tìm gốc tích của những thân cây gỗ pơ mu bị lâm tặc hạ đổ, chúng tôi tiếp tục men theo con đường dài chừng gần chục cây số đi lên núi về xã Làng Nhì - một xã ở thượng nguồn. Nằm tiếp giáp với các khu rừng già, rừng nguyên sinh có những cây pơ mu đã trăm năm tuổi. Người dân tại đây cho biết là do trời mưa nên lâm tặc ít đi, nếu là trời nắng thì chẳng phải đợi đến trời tối mà chỉ khoảng 4 - 5 giờ chiều là sẽ trông thấy những người đi rừng mang gỗ về, bao gồm cả người vác, ngựa thồ và xe máy chở…

Đồng thời, người dân đã chỉ cho chúng tôi những con đường mà bọn lâm tặc thường vận chuyển gỗ về xuôi. Không biết nó đã có từ bao giờ nhưng chỉ biết những con đường này đã mòn xuống sâu thành cái rãnh, chẳng có loài cỏ, rêu nào mọc lên vì những dấu kéo gỗ, dấu chân bọn lâm tặc đã nhẵn lỳ.

Ông Hờ A Phàng - Phó chủ tịch UBND xã Làng Nhì cho biết: “Gỗ pơ mu một phần là bọn lâm tặc khai thác từ đất của huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Còn một phần nữa là lấy từ khu rừng già của xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) mang về qua đây và chủ yếu là họ về lúc tối cho nên rất khó khăn trong việc tuần tra, phát hiện và ngăn chặn”. Ông Phàng còn cho biết, ở xã Làng Nhì hiện nay có khoảng hơn 80 hộ nghèo, trong đó một số hộ cũng tham gia vận chuyển gỗ thuê cho bọn khai thác gỗ. Xã đã nhiều lần bắt quả tang, cảnh cáo và phạt hành chính. Song, do cuộc sống của các gia đình này quá thiếu thốn nên một thời gian rồi vẫn lén lút hoạt động trở lại.

Ở khu vực 3 xã này tuy có nhiều đường mòn nhưng bọn lâm tặc vận chuyển gỗ về xuôi chủ yếu đi theo ba con đường chính. Nếu như vận chuyển bằng ngựa và xe máy thì thường đi theo hai con đường, là đường về qua trung tâm xã Tà Xi Láng và về qua trung tâm xã Phình Hồ xuống huyện Văn Chấn. Còn nếu vận chuyển do sức người mang vác thì chúng sử dụng con đường về qua thôn Trống Tầu của xã Làng Nhì xuống suối Nậm Tăng về thị xã Nghĩa Lộ.

Chúng tôi tiếp tục đến xã Bản Mù. Tại đây người dân “tận thu” và “thu tận” loại gỗ pơ mu quý hiếm này. Trẻ con và người già thì lên những khu rừng gần hơn để tận thu các đầu mẩu và những cành ngọn có đường kính khoảng từ 20 đến 40 cm do trước đây đã khai thác còn tồn lại. Còn đối với thanh niên - những người có sức khoẻ thì thường đi xa hơn vào tận trong những khu rừng già để khai thác và vận chuyển thuê cho bọn lâm tặc.

Khi đi đến con suối Làng Kệ nằm giáp ranh giữa hai thôn Kháo Ly và Mông Đơ, chúng tôi đã bắt gặp khoảng 6 - 7 thanh niên đang thả những đoạn gỗ pơ mu tận thu trôi theo dòng suối. Một người khoảng 40 tuổi, có tên là Phàng A Sa ở thôn Pắng Dê cho biết gỗ kiểu này sẽ bán theo cân với giá bán là 1.000 đồng/1kg.

Khoảng 6 giờ tối, chúng tôi đã thấy được những người đi rừng mang gỗ về, trong đó có cả người  dùng xe máy chuyên vận chuyển thuê gỗ pơ mu cho bọn lâm tặc từ rừng xanh về qua trung tâm xã Bản Mù xuống thị trấn Trạm Tấu. Một người tự giới thiệu tên là Mùa A Giáo ở bản Mông Đơ, xã Bản Mù và một người khác tên là Lò Văn Khoan ở thị trấn Trạm Tấu đều cho biết mỗi một lần vận chuyển nếu trót lọt từ nơi tiếp nhận lâm sản ở rừng về đến gần thị trấn Trạm Tấu thì được lâm tặc trả cho 50.000 - 60.000 đồng.

Khi hỏi về việc xã và huyện có cho phép khai thác và tận thu loại gỗ pơ mu quý hiếm này không thì ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù khẳng định rằng: “Cả huyện và xã đều nghiêm cấm việc khai thác cũng như việc tận thu loại gỗ pơ mu nói riêng và các loại gỗ quý hiếm khác nói chung”. Tuy nhiên, ở Bản Mù, việc  chính quyền cấm cứ cấm, còn việc khai thác thì lâm tặc vẫn cứ khai thác. Họ luôn tranh thủ mọi cơ hội để vận chuyển khi cán bộ xã đi vắng hay trong đêm tối vắng người qua đường cho dù thời gian qua, mặc dù xã đã có nhiều cố gắng ngăn chặn và bắt giữ được một số vụ.

Phải chăng, gỗ pơ mu nói riêng và các loại gỗ quý hiếm khác nói chung vẫn còn trôi nổi trên địa bàn huyện Trạm Tấu là do công tác quản lý lâm sản và bảo vệ rừng đầu nguồn ở huyện vùng cao này chưa được đẩy mạnh? Cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương chưa thật sự phối kết hợp trong công tác đấu tranh, ngăn chặn bọn tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản của địa phương? 

P.V

Các tin khác
Đồng bào Mông xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu)
thu hoạch lúa mùa.

YBĐT - Vụ mùa 2009, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được Nhà nước hỗ trợ 38.000 kg lúa lai Nhị Ưu 838. Ngoài ra, nhân dân còn tự túc mua 20.000 kg giống lúa lai và trên 32.000 kg lúa thuần để gieo cấy hết 2.345 ha ruộng, trong đó trên 80% diện tích được cấy bằng giống lúa lai, năng suất cao. Cùng với lúa ruộng, huyện còn chỉ đạo nhân dân gieo trồng được 1.350 ha lúa nương.

YBĐT - Ngày 15/9/2009, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 1390/QĐ-UBND chính thức công bố dịch lở mồm long móng trên địa bàn huyện Văn Chấn.

Trồng rau màu trên cánh đồng Mường Lò.

YBĐT - Huyện Văn Chấn có kế hoạch gieo cấy 2100 ha cây màu vụ đông, trong đó, 1.200 ha ngô trên đất 2 lúa, 216 ha khoai lang, 200ha khoai tây, còn lại là cá ruộng và rau màu các loại.

Đó là nhà máy luyện phôi thép lớn nhất Việt Nam, công suất 1 triệu tấn/năm do Công ty Cổ phần Thép Pomina đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục