Yên Bái: Lựa chọn giống cây lâm nghiệp phải gắn với chế biến và nhu cầu thị trường
- Cập nhật: Thứ tư, 23/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trồng rừng kinh tế được xác định là mũi nhọn ở Yên Bái nhằm khai thác tiềm năng về đất đai và lao động để tạo ra một nền sản xuất hàng hoá. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 100 nghìn ha rừng trồng và mỗi năm trồng mới khoảng trên 10 nghìn ha. Kinh tế đồi rừng đã thu hút được hàng vạn lao động, mỗi năm tạo ra giá trị hàng hoá cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh tế đồi rừng, nhất là trồng rừng kinh tế chưa xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó, cơ cấu giống cây lâm nghiệp là một thí dụ.
Sản xuất gỗ dán ở Công ty Sơn Tú (huyện Yên Bình).
|
Như chúng ta đã biết, suốt một thời gian dài việc trồng rừng kinh tế ở tỉnh Yên Bái gắn với đầu ra là Công ty Giấy Bãi Bằng nên các cây trồng chủ yếu là cây nguyên liệu giấy như: bồ đề, bạch đàn mô, keo lai… Những cây trồng có khả năng phát triển mạnh, chu kỳ ngắn, lại cộng thêm với việc Công ty Giấy Bãi Bằng sẵn sàng mua nguyên liệu với phẩm cấp không cao, đường kính cây còn khá nhỏ và tất nhiên là giá mua thấp, cộng thêm với chi phí vận chuyển lớn.
Vì vậy, hiệu quả kinh tế đồi rừng rất thấp, nếu hạch toán đầy đủ thì không ít trang trại thua lỗ, những người khá lên nhờ trồng rừng đều là những nhà có diện tích lớn, lao động nhiều. Khi nghề trồng rừng làm nguyên liệu giấy kém hiệu quả thì hàng loạt các cơ sở chế biến gỗ ra đời, trong đó nhiều nhất là ở Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và Văn Chấn.
Một lần nữa, nguyên liệu đầu vào đã tác động trở lại, quyết định công nghệ chế biến! Do giống cây của chúng ta chủ yếu là keo và bạch đàn, trong đó keo lai và bạch đàn mô được khuyến khích trồng mạnh nên việc chế biến cũng chỉ đơn thuần là bóc ván và xẻ bao bì…, đó đều là những mặt hàng đơn điệu, tiêu thụ khó, dễ bị ép cấp, ép giá và đều được làm ra từ những chiếc máy đơn giản. Tất cả những vấn đề nêu trên đã tạo ra sự luẩn quẩn giữa trồng và chế biến, khiến cho nghề trồng rừng chưa thực sự bứt phá, nghề chế biến gỗ với 400 cơ sở vẫn chỉ là làm ăn nhỏ lẻ.
Một vấn đề khác không thể không nhắc tới trong vấn đề chọn giống cây lâm nghiệp là việc có nên trồng cây bạch đàn mô và keo lai nữa hay không. Qua tìm hiểu tại nhiều địa phương thì được biết hai cây trồng này lớn rất nhanh. Chỉ 5 năm đã cho thu hoạch, riêng cây bạch đàn mô khai thác lần một xong tiến hành phát quang, chăm sóc để thu hoạch chu kỳ hai mà không phải trồng nên đỡ tốn kém. Tuy nhiên, người trồng rừng Yên Bái đã nhận thấy nhược điểm rõ nét của hai đối tượng cây trồng này là: cây bạch đàn rất hại đất, khiến đất bạc màu nhanh, cây lại nặng, vận chuyển rất khó, nhất là vận chuyển bằng đường thủy, giá bán thì có thể khẳng định là thấp nhất so với các cây trồng khác.
Đối với cây keo lai, người trồng lại gặp khó khăn hơn vì cây trồng này rất hay đổ gãy và đổ gãy mạnh nhất khi cây được hai tuổi. Trồng rừng kinh tế ở ta là trồng trên đồi núi có độ dốc lớn, hay xảy ra tố lốc mạnh nên cây keo lai càng đổ gẫy nhiều. Vậy lựa chọn giống cây gì là phù hợp với chế biến và thị trường đã khan hiếm hiện nay? Kế hoạch trồng rừng năm 2009 mà ngành nông lâm nghiệp đã xây dựng với cơ cấu giống là: quế 1200 ha, bạch đàn mô 870, keo các loại 8050, cây lâm nghiệp khác và cây phân tán khác là 2180 ha.
Từ những con số kể trên cho thấy, cơ cấu giống của chúng ta đã thay đổi mạnh, tuy nhiên, diện tích bạch đàn mô trồng mới vẫn còn rất lớn (toàn tỉnh trồng 800 ha) và cây keo vẫn chưa xác định rõ loại keo gì. Được biết, giống keo Úc, một đối tượng cây trồng có khả năng sinh trưởng và phát triển rất mạnh, giá bán cao và nhu cầu thì không bao giờ đáp ứng đủ, đã và đang được đưa vào trồng tại Yên Bái. Nhưng câu chuyện khá thú vị khác trong việc lựa chọn giống cây lâm nghiệp khiến những nhà quản lý không thể không lưu tâm đó là nhiều người trồng xoan - một loại cây bản địa, sinh trưởng nhanh, chịu rét tốt, ít sâu bệnh mà giá bán trên 2 triệu đồng/m3, là nguyên liệu chế biến ra nhiều mặt hàng từ mộc dân dụng đến công nghiệp.
Ngay như cây bồ đề - loại cây không được khuyến khích trồng thì hiện nay lại có quan điểm, cần đẩy mạnh việc trồng bồ đề vì cây bồ đề chu kỳ ngắn nhất và giá bán cao rất cao, nhưng trồng bồ đề không theo kiểu quảng canh như trước (phát, đốt và quãi hạt) mà phải đào hố, cho phân, tra hạt đúng quy cách theo hàng cẩn thận… để cho cây mau lớn, thẳng đẹp, không mấu mắt, nhằm làm nguyên liệu chế biến đũa, que kem. Chuyện gỗ bồ đề thẳng, đẹp được các cơ sở chế biến đũa mua với giá trên 2 triệu đồng/m3. Cơ sở này sẵn sàng đầu tư vốn liếng, phân bón cho dân trồng bồ đề đúng quy cách và mai sau bán lại cho họ theo giá thoả thuận là chuyện có thật đang diễn ra.
Các địa phương đã và đang trồng rừng vụ thu. Việc trồng rừng vẫn còn diễn ra hàng năm nên lựa chọn cây trồng phù hợp để đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy ngành chế biến gỗ phát triển là việc người dân và ngành nông lâm nghiệp phải lưu tâm để nghề rừng phát triển, xứng với tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái.
Tấn Đạt - Văn Thông
Các tin khác
Cục Hải quan thành phố Hải Phòng vừa có văn bản xin ý kiến Tổng cục Hải quan về hướng xử lý đối với gần 550 xe ôtô nhập khẩu có vi phạm về thuế.
Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo về giá tối đa đối với sữa bột, nhằm hạn chế việc người tiêu dùng phải mua mặt hàng này với giá quá cao.
Sáng nay (23/9), giá vàng trên thị trường châu Á đã tiến gần mức cao nhất trong 18 tháng được thiết lập trong tuần trước kéo giá vàng trong nước có thêm 15.000 đồng/chỉ.
YBĐT - Thanh toán vốn đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của ngành kho bạc nhà nước (KBNN) và đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi việc quản lý tài chính nói chung và vốn xây dựng cơ bản nói riêng theo những quy trình nghiêm ngặt và khá phức tạp, trong khi đồng vốn đến từ nhiều nguồn khác nhau, khối lượng lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm.