Chương trình phát triển đàn bò tại Trấn Yên: Hiệu quả được khẳng định

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Một trong những yếu tố giúp chương trình phát triển đàn bò tại Trấn Yên (Yên Bái) phát huy hiệu quả là do huyện và các cấp chính quyền địa phương đã làm khá tốt công tác bình xét đối tượng được hưởng lợi cũng như việc tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh.

Nhờ thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản nên bò nhà anh Nguyễn Văn Ao, thôn 7 xã Hòa Cuông (Trấn Yên) phát triển tốt đã sinh được 3 bê con.
Nhờ thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản nên bò nhà anh Nguyễn Văn Ao, thôn 7 xã Hòa Cuông (Trấn Yên) phát triển tốt đã sinh được 3 bê con.

Thực hiện Đề án hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn giai đoạn 2005 – 2006 của tỉnh Yên Bái, bên cạnh việc khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, huyện Trấn Yên đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương triển khai bình xét lựa chọn đối tượng tham gia; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc bò, trồng cỏ làm thức ăn, hướng dẫn thủ tục vay vốn và các quy định của tỉnh đối với chương trình. Nhờ đó, sau hơn 3 năm triển khai, chương trình đã tạo ra tư liệu và hướng sản xuất mới cho các hộ nghèo, giúp các đối tượng tham gia có cơ hội phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo một cách bền vững.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ao ở thôn 7, xã Hoà Cuông (huyện Trấn Yên) nay đã có thêm khá nhiều vật dụng tiện nghi sinh hoạt. Ông Ao tâm sự: “Trước đây nhà mình nghèo lắm! Tài sản giá trị lớn nhất là chiếc xe đạp cà tàng và một căn nhà tranh vách đất. Được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng, mình đã vay ngân hàng thêm 2,2 triệu đồng để mua một con bò cái sinh sản. Gia đình cũng được Trạm Khuyến nông huyện, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tham gia 2 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật trồng cỏ... Đến nay, bò nhà mình đã sinh được 3 con bê, tiền vay ngân hàng cũng đã trả xong. Nhờ nuôi bò, nhà mình đã có thêm 12 – 13 triệu đồng tiền vốn”.

Hiệu quả của chương trình phát triển đàn bò tại Trấn Yên không chỉ dừng lại ở một vài hộ mà sau 3 năm triển khai, trung bình mỗi hộ nuôi bò cái sinh sản có thêm từ 1 – 3 con bê, sau khi nuôi 1 năm bán đi thu về từ 3 – 5 triệu đồng. Tính đến nay, 450 con bò thuộc chương trình đã sinh ra được 411 con bê, giá trị ước đạt 1,2 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND xã Hoà Cuông - Bùi Viết Tý cho biết: “Ban đầu, do chưa hiểu hết được những lợi ích từ chương trình lại không có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sinh sản nên dù được hỗ trợ 3 triệu đồng nhưng cũng chỉ có một vài hộ trong xã mạnh dạn tham gia. Sau một năm triển khai, thấy đàn bò phát triển khá tốt, hiệu quả kinh tế cao nên số lượng người dân tham gia chương trình đã tăng lên 40 hộ, số bê được sinh ra là 45 con. Đa phần các hộ tham gia chương trình đã trả hết được tiền vay ngân hàng và bắt đầu có tư liệu để phát triển kinh tế gia đình”.

Một trong những yếu tố giúp chương trình phát triển đàn bò tại Trấn Yên phát huy hiệu quả là do huyện và các cấp chính quyền địa phương đã làm khá tốt công tác bình xét đối tượng được hưởng lợi cũng như việc tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh.

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Phó ban thường trực Ban Quản lý chương trình phát triển đàn bò huyện Trấn Yên cho biết: “Bên cạnh tiêu chí bắt buộc là hộ nghèo được bình xét, lựa chọn công khai tại cộng đồng, các đối tượng tham gia chương trình phải là những hộ gia đình có điều kiện về lao động, có khả năng áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, có chuồng trại, nguồn thức ăn ổn định. Ngoài ra, huyện cũng đặc biệt chú trọng đến yếu tố chất lượng con giống. Bò phải bảo đảm về thể chất, ngoại hình và đặc biệt đối với bò vàng phải có cân nặng trên 180 kg, bò lai Sind phải đạt trên 200 kg mới được lựa chọn cung cấp cho các hộ gia đình.

Cùng với công tác bình xét đối tượng, lựa chọn con giống, Ban quản lý cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác giải ngân (với tổng nguồn vốn hỗ trợ đạt 1,350 tỷ đồng) và tổ chức trên 20 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm truồng trại, trồng và chế biến thức ăn cho tất cả các đối tượng tham gia; tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân vay trên 1 tỷ đồng để mua bò, nâng tổng nguồn vốn thực hiện chương trình lên trên 2,52 tỷ đồng”. Nhiều hộ gia đình tại 11 xã được hưởng lợi từ chương trình cho biết: việc chăn nuôi bò sinh sản ít rủi ro, khâu chăm sóc bò thuận tiện, người dân có thể tranh thủ làm các công việc khác mà vẫn chăm sóc tốt đàn bò.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình phát triển đàn bò tại Trấn Yên cũng còn khá nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò đối với các hộ nghèo còn nhiều hạn chế; việc giám sát đối với các hộ được hỗ trợ nuôi bò chưa được thường xuyên, kịp thời, liên tục; mạng lưới thú y còn mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý khi bò bị bệnh; có những hộ không quan tâm đến việc chăm sóc, thả tự do trên gò, rừng để bò bị chết.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện, dịch lở mồm long móng đột ngột xuất hiện và bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân và chất lượng đàn bò. Do đó, đến nay, đã có 32 con bò sinh sản thuộc chương trình bị chết (nguyên nhân chủ yếu là do ngã vực, cảm chướng bụng đầy hơi, tụ huyết trùng, chết rét...) và gần 30 hộ đã bán bò để mua trâu. Đến nay, số lượng bò cái sinh sản được hỗ trợ trên địa bàn huyện Trấn Yên còn 176 con.

Từ thực tế quá trình tổ chức thực hiện, nên chăng khi tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ đặc biệt khó khăn cần điều chỉnh một số nội dung như: không nhất thiết phải bắt buộc phải mua bò giống ngoài tỉnh để tăng cơ học đàn bò và chuyển hình thức hỗ trợ 3 triệu đồng/ con bò sinh sản sang hình thức hỗ trợ cho vay vốn phủ lãi suất để các đối tượng tham gia có trách nhiệm và những điều kiện tốt hơn trong quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò.

Hiệu quả mà chương trình đem lại là khá rõ nét, vì vậy các hộ nghèo tại Trấn Yên chưa được tham gia chương trình đang rất mong muốn tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục triển khai mở rộng Đề án, để giúp các hộ nghèo trong huyện có tư liệu sản xuất, tạo điều kiện, giúp người dân thoát nghèo và làm giàu.

Đức Thành

Các tin khác

Sáng nay 30.9, theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ.

Liệu giá xăng dầu có giảm?

Đến ngày 29/9 đã có hai doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đề xuất giảm giá bán lẻ xăng dầu lên tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương.

Từ ngày 1-10, hệ thống Kho bạc Nhà nước phát hành Trái phiếu Chính phủ loại ghi tên, in sẵn mệnh giá, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 9,00%/năm tại các tỉnh, thành phố. Tiền gốc, lãi trái phiếu được thanh toán một lần khi đến hạn.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng chính phủ đã đồng ý về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không cho Công ty CP Hàng không Trãi Thiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục