Trăn trở Sơn Tra

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tiết lập thu là lúc quả Sơn Tra (táo mèo) trên khắp các triền núi ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu bước vào chín rộ. Thời gian thu hoạch sơn tra từ tháng Tám cho tới tháng Mười một Dương lịch. Đầu vụ năm nay, giá mua tại hai huyện trên đã là 2,5-5 ngàn đồng/kg loại ngon, giữa vụ tăng lên 15-17 ngàn đồng và bây giờ đã là 35 thậm chí 40 ngàn đồng mà cũng chẳng sẵn để mua.

Gia đình bà Ngô Thị Tuyết ở tổ 44, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm chế biến từ Sơn Tra .
Gia đình bà Ngô Thị Tuyết ở tổ 44, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm chế biến từ Sơn Tra .

Sơn Tra sau khi thu hoạch đều được mang hết về xuôi. Vào mùa sơn tra, ngoài thị xã Nghĩa Lộ là cửa ngõ của vùng Sơn Tra thì tại các chợ thành phố Yên Bái, thị trấn Yên Bình đâu đâu cũng tràn ngập sơn tra bầy bán. Hiện chưa thể thống kê cụ thể ở hai địa phương này có bao nhiêu hộ chế biến quả Sơn Tra thành hàng hóa, nhưng chắc chắn phải vài trăm. Những điểm tập trung tiêu thụ nhiều sơn tra và các sản phẩm từ Sơn Tra là chợ ga Yên Bái, khu vực Km 3, đường Điện Biên thuộc phường Minh Tân; chợ Km 6 phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái); khu vực Km9, Km 10 trên quốc lộ 70 thuộc thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình). Sở dĩ, những khu vực này tập trung nhiều người kinh doanh Sơn Tra là bởi họ đã tận dụng triệt để lợi thế đầu mối giao thông, nơi dừng chân của khách thập phương trên lộ trình Hà Nội-Lào Cai và từ Yên Bái đi các tỉnh lân cận.

Bà con ở Yên Bái mới chỉ chú trọng chế biến quả Sơn Tra từ vài năm nay, thế nhưng cách chế biến thật tài tình. Bà Ngô Thị Tuyết, tổ 44 phường Minh Tân là một điển hình chế biến Sơn Tra bằng phương pháp thủ công. Vào mùa Sơn Tra bà thường phải thuê khá nhiều người để giúp chế biến cả chục tấn quả. Các sản phẩm sơn tra, của bà đã nổi tiếng ở thành phố Yên Bái với 7 loại sản phẩm khác nhau gồm: táo khô, mứt táo, táo xào đường, ô mai, giấm táo, rượu táo, si rô, táo muối, rất dễ tiêu thụ.

Qua tìm hiểu được biết, số hộ kinh doanh Sơn Tra ngày càng đông còn do họ nắm bắt được những lợi thế mang tính đặc thù của loại quả này như: chỉ có nhiều ở Yên Bái; có niên vụ thu hoạch kéo dài; dễ chế biến, dễ bảo quản lâu dài; thị hiếu người tiêu dùng sản phẩm từ Sơn Tra ngày càng tăng. Đặc biệt, họ đều nắm rất vững các đặc tính về thực phẩm, dược phẩm của Sơn Tra để giới thiệu cho khách hàng. Chẳng hạn, giấm Sơn Tra có tác dụng giúp phụ nữ giảm béo; si rô sơn tra có tác dụng thanh nhiệt, an thần, chống mất ngủ và có tác dụng tốt cho người bị bệnh đường ruột; rượu táo mèo nếu uống đều đặn, đúng liều lượng cũng sẽ là thuốc trị bệnh và bổ dưỡng; Sơn Tra để ăn tươi, luộc, kho thịt, kho cá cũng rất ngon…

Ông Nguyễn Văn Cường - một người kinh doanh sơn tra ở khu vực Km 9 thị trấn Yên Bình khẳng định, chính những người buôn bán sản phẩm này và học sinh, sinh viên đã trở thành lực lượng chủ yếu quảng bá cho Sơn Tra Yên Bái. Những người kinh doanh còn cho biết, năm nay nhiều tư thương ở miền xuôi, ở miền Nam đã lên tận Trạm Tấu, Mù Cang Chải, để thu mua. Nghe nói, còn có một khối lượng lớn quả tươi được bán sang Trung Quốc theo đường cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh và đó cũng là nguyên nhân làm cho giá sơn tra tăng mạnh.

 Một loại quả không phải trồng, chăm sóc mà giá trị kinh tế tới cả chục ngàn đồng/kg quả và qua chế biến tiêu thụ thì giá trị kinh tế tiếp tục tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi thì có lẽ ở Yên Bái không có loại quả nào sánh được với Sơn Tra .

Một loại quả không phải trồng, chăm sóc mà giá trị kinh tế tới cả chục ngàn đồng/kg và qua chế biến tiêu thụ thì giá trị tiếp tục tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi thì có lẽ ở Yên Bái không có loại quả nào sánh được với sơn tra.  Ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải quãng chục năm về trước khi sơn tra bắt đầu chín thì cũng là mùa đói giáp hạt và Nhà nước phải cứu trợ hàng nghìn tấn gạo. Vậy mà giờ đây, bà con người Mông ở nhiều nơi nhờ có sơn tra đã vượt qua đói giáp hạt, giải quyết được việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhiều hộ giữ được rừng Sơn Tra , nhân rộng được diện tích thì nay đang có cơ hội làm giàu từ loại cây này.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế đã được khẳng định thì việc phát triển diện tích, chế biến tiêu thụ sơn tra vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Cây Sơn Tra chỉ có ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải nhưng không phải xã nào cũng có và trong xã có sơn tra thì lợi ích kinh tế phân bố không đồng đều vì chỉ nhà nào gần rừng, có rừng thì mới có tiền từ loại quả này. Nhiều địa phương vùng cao chưa chú trọng phát triển cây Sơn Tra , chủ yếu khai thác từ rừng tự nhiên và nếu trồng mới chỉ tập trung trồng thuần loài ở những diện tích phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của người Mông thì cây nào mọc ở rừng hỗn giao thì mới phát triển tốt, nhiều quả và chất lượng cao hơn. Việc phá rừng vẫn còn xảy ra khiến cho những cây sơn tra mọc tự nhiên cũng bị ảnh hưởng.

Theo điều tra từ hơn chục năm về trước của Sở Công nghiệp (cũ) thì Mù Cang Chải, Trạm Tấu có sản lượng sơn tra mỗi năm  khoảng 2 ngàn tấn. Trong đó, xã Nậm Có và Nậm Khắt của huyện Mù Cang Chải có khoảng 1 ngàn tấn và Sơn Tra ở đây hình thức, chất lượng quả tốt nhất. Từ đó đến nay, một số diện tích trồng mới ở Trạm Tấu đã cho thu hái, vì vậy sản lượng sơn tra có thể đã tăng đáng kể. Nhưng cho đến nay, xã Nậm Khắt và xã Nậm Có chưa có được sự đầu tư nghiên cứu quy hoạch để phát triển vùng sơn tra trọng điểm.

Yên Bái nhiều năm về trước đã có sản phẩm rượu vang sơn tra của Công ty chế biến Lâm nông sản thực phẩm. Sản phẩm này không tồn tại được do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng có một nguyên nhân quan trọng là thị trường lúc đó chưa biết nhiều về Sơn Tra Yên Bái. Tin tưởng vào triển vọng kinh tế của cây Sơn Tra, nên lúc đó tỉnh vẫn quan tâm  chỉ đạo đầu tư nghiên cứu hướng tới chế biến bằng công nghệ tiên tiến, để Sơn Tra trở thành loại cây kinh tế có giá trị cao của tỉnh.

Nhưng cho đến giờ, vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư chế biến. Việc chế biến sơn tra một cách tự do và thủ công như hiện nay cũng có mặt tích cực, nhưng cũng bộc lộ mặt trái. Chẳng hạn, chế biến khô Sơn Tra bao tử thì phải hái ngay từ khi quả còn bé, dẫn đến rất tốn kém nguyên liệu mà giá trị kinh tế không cao. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không được kiểm soát tại các cơ sở chế biến sơn tra bằng phương pháp thủ công. Việc các địa phương khác đến thu mua Sơn Tra Yên Bái đã khiến nhiều người cho rằng, rất có thể đến một lúc nào đó người Yên Bái sẽ dùng những sản phẩm Sơn Tra ở nơi khác mà nguồn nguyên liệu lấy từ Yên Bái và có thể họ sẽ làm giàu bằng Sơn Tra -thứ quả mà trời đã phú cho đất rừng miền Tây tỉnh Yên Bái.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - Năm 2009, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, sản xuất kinh doanh của ngành công thương Yên Bái đứng trước nhiều khó khăn thách thức: thị trường tiêu thụ hầu hết các sản phẩm bị thu hẹp, các dự án đầu tư chậm tiến độ, cung ứng nguyên liệu cho một số sản phẩm công nghiệp chế biến như chè, giấy, sắn... gặp nhiều khó khăn.

Xe máy, ôtô, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, sắt thép xây dựng, rượu bia và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác sẽ bị kiểm soát đặc biệt khi qua cửa hải quan.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, trong tháng 10-2009, hãng sẽ chính thức khai thác 3 đường bay mới, trong đó có 2 đường bay nội địa và 1 đường bay quốc tế.

Sáng nay 6/10, giá vàng trong nước bất ngờ tăng 20.000 đồng/chỉ so với chiều qua, lên trên 2,250 triệu đồng/chỉ. Nguyên nhân là do giá vàng thế giới “leo” lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần sau khi USD suy yếu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục