Người Vân Hội nuôi cá bằng... rơm!
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vào thăm xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (Yên Bái) khi đang độ gặt mùa. Thấy bà con vừa thu lúa ở ruộng lên bờ chưa kịp tuốt thì đã vội cắt rạ. Thấy vậy, hỏi một bác nông dân rằng: - Bác vội cắt rạ thế này chắc để kịp làm vụ đông? Bác bảo: - Rạ này cắt cho cá lồng ăn và cũng là lấy đất làm vụ đông luôn!
Cắt rạ cho cá lồng ăn! Tôi cứ nghĩ là bác nói đùa cho vui, vì gốc rạ cứng, khô khốc kia có chất gì đâu, trâu bò ăn còn khó nữa là cá trắm? Đi sâu vào thôn 5, tần ngần đứng ngắm từng cụm hàng chục lồng cá san sát bên nhau phía xa xa và thấp thoáng những bóng người chăn cá. Bỗng có người hỏi:-Bác đang làm gì vậy? Tôi bảo: -Mình muốn ra thăm làng cá mà chẳng có cách nào ra được! Người vừa hỏi tôi tên là Trần Trung Hiếu nói luôn: -Thế thì bác lên thuyền em chở đi!
Mừng quá, tôi xuống thuyền du ngoạn. Hiếu nói: -Bác thích vào khu nào thì cứ bảo! Hiếu đưa tôi lòng vòng thăm nơi thì đang rào đăng chắn cá, chỗ thì vớt rong hồ, nơi thì đang đóng lồng mới…Khi đến bên lồng cá của một chị đang cho cá ăn, mùi rơm mới tuốt còn ngai ngái thì tôi mới bớt hoài nghi về cái “nguồn thức ăn” mà bác nông dân kia vừa nói. Trò chuyện với chị và Hiếu cùng với những người nuôi cá lồng ở đây, tôi được biết thêm bao điều sáng tạo trong nuôi cá lồng của bà con ở Vân Hội.
Trước đây, nghề nuôi cá lồng mới bắt đầu, nhiều hộ dân cũng chỉ biết cho cá ăn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, từ sách báo, đó là những thức ăn từ lá sắn, lá ngô tươi, cỏ voi, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn tự chế bằng nghiền trộn hỗn hợp nông sản...
Những nguồn thức ăn này rất bảo đảm cho sinh trưởng của cá, nhưng cũng có mặt trái của nó là nếu gia đình nào không có vốn hoặc sức đầu tư thức ăn tại chỗ thì rất khó chủ động được nguồn thức ăn quanh năm cho cá. “Cái khó ló cái khôn”, người Vân Hội bắt đầu “sáng tạo” thử nghiệm cho cá ăn thêm các loại thức ăn khác, đó là những cây lúa mọc chồi trên những thửa ruộng ven đầm ngập nước, cá ăn rất mạnh. Thế rồi đến lúc người ta cho cá ăn cả rơm tươi cá cũng vẫn chén.
Qua theo dõi, bà con thấy rằng, không phải là do đói mà chúng ăn, dường như đó là món khoái khẩu”, cá vẫn đảm bảo tăng trọng và chất lượng thịt rất ngon. Từ một vài người làm rồi dần dần tất cả bà con nuôi cá lồng trong xã Vân Hội đều cho cá ăn rơm rạ. Thế là nguồn phụ phẩm nông nghiệp trước đây phần lớn bị bỏ phí thì nay đã trở thành nguồn thức ăn quan trọng của cá lồng. Tính chung hai vụ chiêm, mùa thì lượng thức ăn từ rơm rạ bảo đảm cung cấp cho cá trong khoảng hơn 2 tháng. Lượng thức ăn tại chỗ khác như: cỏ trồng, cỏ hoang, lá sắn, củ sắn, ngô, khoai lang...ít dùng trong mùa rơm rạ sẽ được dùng tập trung khi rơm rạ hết.
Bên cạnh nguồn rơm rạ, một số loại thức ăn khác cho cá lồng cũng không thấy nói đến trong các tài liệu khoa học, đó là loại rong đầm và thân cây súng. Ban đầu có lẽ chỉ do suy diễn rằng, rong đầm và thân cây súng làm thức ăn cho lợn rất tốt thì cũng có thể cho cá ăn được, vậy là bà con lấy cho cá ăn. Tuy nhiên, chỉ có rong đầm là cá ăn mạnh hơn cả và rong đầm Vân Hội rất nhiều nên nó đã trở thành nguồn thức ăn chủ lực cho nghề nuôi cá lồng ở đây.
Bên cạnh những sáng tạo trong tìm kiếm nguồn thức ăn cho cá, người Vân Hội còn có những sáng tạo khác. Chẳng hạn, việc đóng lồng nuôi cá thường có quy định về chiều cao, chiều rộng lớn hơn so với lồng cá ở đây. Nhưng khi một số người đóng lồng theo quy cách đã nhận thấy rằng, nếu lồng đóng to và cao quá thì đáy lồng sẽ gần đáy bùn hơn và nó cũng đồng nghĩa với việc lồng cá tiếp xúc gần với lượng thức ăn thừa, phân cá lắng ở đáy hồ nên nước trong khoang lồng không sạch, cá dễ sinh bệnh.
Mỗi khi có gió to, khó neo lồng và sóng nước dễ đánh trôi dạt lồng đi nơi khác và kéo lồng trở về vị trí cũ là chuyện không hề đơn giản. Nguồn cá trắm giống để nuôi lồng cũng là vấn đề nan giải vì cá giống tối thiểu phải đạt 0,5kg/con và mỗi lồng cần hàng trăm con nên nếu phải mua giống thì sẽ cần vốn khá lớn. Để chủ động được cá giống thì bà con chuẩn bị giống từ các ao nuôi và phần thì đi mua. Nhà nào không có ao, nhưng nếu có ruộng bán ngập thì khi nước ngập bà con dùng đăng chắn (chân đăng có lưới) để nuôi cá. Khi nước rút, cá được lựa chuyển sang nuôi lồng và ruộng lại tiếp tục cấy lúa.
Vân Hội hiện có hàng trăm lồng cá, 6 thôn nuôi cá lồng và tập trung nhiều ở ba thôn 5, 6 và 9. Nhiều hộ đời sống kinh tế khá giả từ nghề này. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nơi cũng đang nuôi cá lồng và có điều kiện mặt bằng nuôi cá tương tự như Vân Hội. Vì vậy những cách làm hay từ làng nghề này hy vọng sẽ là những thông tin để người nuôi cá lồng trong tỉnh cùng tham khảo.
Sơn Nam
Các tin khác
YBĐT - Lĩnh vực xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái tuy còn mới mẻ nhưng trong thời gian qua đã có sự phát triển, đóng góp tích cực trong việc tìm kiếm thị trường, tạo dựng và thúc đẩy các quan hệ thương mại trong và ngoài nước. Có được kết quả đó phải kể đến sự cố gắng thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng của Phòng Thông tin xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương Yên Bái.
Hôm nay, 8-10, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific chính thức giới thiệu đến khách hàng là chủ thẻ ATM của BIDV thêm tiện ích thanh toán tiền vé máy bay thông qua hệ thống gần 1.000 máy ATM của BIDV tại Việt Nam.
Thị trường sáng nay tiếp tục lập kỷ lục mới, giá bán ra leo lên 23,06 triệu đồng mỗi lượng. Các tiệm vàng cũng nhanh chóng thu hẹp biên độ bán mua để hút khách. Giao dịch trên sàn sôi động.
YBĐT - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Yên Bình (Yên Bái) hiện có 35 cơ sở Hội, 268 phân, chi hội thôn, bản, khu phố, với gần 4700 hội viên.