Phát triển chăn nuôi bò ở Trạm Tấu: Nền tảng trong xoá đói giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Trạm Tấu (Yên Bái) chủ yếu là trồng cây lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp. Vì vậy, để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Đảng bộ huyện đã xác định phải phát huy tiềm năng, thế mạnh trong chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc mà con bò là một thế mạnh.

Với kinh nghiệm và truyền thống chăn nuôi từ lâu đời nên con bò gắn với cuộc sống của người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, việc chăn nuôi bò ở Trạm Tấu vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ chưa mang tính sản xuất hàng hoá và tận dụng được các thế mạnh khác của địa phương. Thức ăn cho bò chủ yếu dựa vào nguồn cỏ tự nhiên, người dân chưa mạnh dạn đầu tư chuồng trại đúng yêu cầu về kỹ thuật, chưa quan tâm trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Một vấn đề quan trọng nhưng ít được người dân và địa phương quan tâm nhiều đó là con giống, dẫn đến nguy cơ làm thoái hoá đàn bò.

Mặt khác, trong vài năm gần đây các chương trình hỗ trợ bò đưa vào Trạm Tấu hiệu quả không cao do con giống không thích nghi được với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

Huyện ủy Trạm Tấu xác định chăn nuôi, trong đó chăn nuôi đại gia súc là một hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững. Để đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn, Trạm Tấu đã tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các tổ chức xã hội tạo đà cho người dân chăn nuôi. Từ chỗ phát triển, chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay Trạm Tấu đã hình thành nhiều khu vực chăn nuôi tập trung, liên kết của nhiều hộ với quy mô khá.

Điển hình như xã Bản Mù, với sự giúp đỡ của các đoàn thể, 5 hộ dân ở thôn Giàng La Pán đã rào hơn 0,2 ha đồi làm bãi chăn thả. Toàn bộ trâu, bò của các gia đình đều được chăn thả tập trung ở đây và các hộ thay nhau chăm sóc. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có 7 con sau hơn một năm đàn bò đã tăng lên 14 con, đàn bò phát triển ổn định, kiểm soát được các vấn đề dịch bệnh.

Ông Sùng A Lùa - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mô hình xây dựng bãi chăn thả như ở thôn Giàng La Pán rất phù hợp với điều kiện của xã, tận dụng được lao động, tiện chăm sóc, hạn chế gia súc bị chết do thả rông”. Xây dựng bãi chăn thả tập trung đã bắt đầu được người dân quan tâm, nhiều hộ dân có đàn bò lớn trên 10 con đã có ý thức chăm sóc, bảo vệ, tìm kiếm bãi chăn thả.

Trên thực tế, với địa hình núi cao, độ dốc lớn, cùng với tập quán thả rông gia súc đã hạn chế rất nhiều tới việc chỉ đạo phát triển chăn nuôi. Tuy vậy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của các đơn vị, ban ngành, đoàn thể ý thức của người dân trong việc làm chuồng trại, xây dựng khu chăn thả tập trung đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt là việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bắt đầu được người dân quan tâm. Hiện nay toàn huyện có khoảng 20 ha cỏ voi và cỏ Guatelama.

Ông Hà Chí Họp – Bí thư Huyện uỷ cho biết: “Trồng cỏ chăn nuôi trâu bò là một hướng đi phù hợp đối với vùng cao Trạm Tấu, do việc thả rông gia súc hàng năm làm một số lượng lớn trâu, bò bị chết. Sau nhiều năm thử nghiệm nhiều giống cỏ khác nhau, nay Trạm Tấu đã tìm được giống cỏ mới là cỏ Guatelama, đây là giống cỏ có năng suất và chất dinh dưỡng cao, phù hợp với chất đất, dễ trồng, trâu, bò dễ ăn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực mở rộng diện tích trồng giống cỏ này”. Do điều kiện địa hình nên diện tích trồng cỏ của huyện không tập trung, chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, phân tán. Chính vì khó khăn đó nên người dân đã tận dụng những vị trí đồi thấp, ven suối, chân đồi để trồng.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá có thu nhập cao, huyện đang có kế hoạch chuyển đổi một phần diện tích đất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Tiếp tục vận động người dân tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như: rơm, thân cây ngô, lạc để chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Khuyến khích chăn nuôi hộ gia đình, trang trại nhóm, các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, tiến tới mở một chợ gia súc tại trung tâm huyện, nhằm tạo môi trường thuận lợi để trao đổi, mua bán bò thương phẩm. Những kết quả đạt được bước đầu trong chăn nuôi ở Trạm Tấu là tiền đề để phát huy thế mạnh của địa phương, tạo nền tảng vững chắc trong xoá đói, giảm nghèo bền vững đối với đồng bào vùng cao.

Anh Dũng

Các tin khác
Giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần.

Ngày 12/10, giá vàng tăng nhẹ 5.000-6.000 đồng/chỉ, củng cố thêm mốc kỷ lục 2,3 triệu đồng/chỉ, đạt mức 2,317 triệu đồng/chỉ.

Nông dân xã Thịnh Hưng thu hái chè.

YBĐT - Năm 2000 trở về trước, toàn bộ diện tích chè huyện Yên Bình (Yên Bình) đều là giống chè cũ được trồng bằng hạt, năng suất thấp (trung bình chỉ đạt 4,5 - 5 tấn/ha). Để nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây chè, từ năm 2001 huyện đã xác định cùng với tăng cường đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, phải đầu tư chuyển đổi cơ cấu giống chè.

Tổng cục Hải quan vừa ban hành danh mục mặt hàng quản lý rủi ro về giá và mức giá kiểm tra. Những mặt hàng chính thuộc danh mục kiểm soát chặt chẽ về giá gồm: ô tô các loại, xe máy, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, sắt thép xây dựng, rượu bia, vải các loại…

Vụ đông 2009-2010, tỉnh Yên Bái đưa vào gieo trồng trên 10 ngàn ha cây vụ đông.

YBĐT - Đã hơn chục năm, sản xuất cây vụ đông hiện diện trên đồng ruộng Yên Bái, thế nhưng nó vẫn chưa thực sự trở thành một vụ sản xuất chính, hiệu quả thấp. Với quyết tâm đưa vụ đông trở thành chính vụ, vụ đông 2009-2010 tỉnh Yên Bái đưa vào gieo trồng trên 10 ngàn ha cây vụ đông trong đó có trên 6 ngàn ha cây vụ đông hàng hoá, phấn đấu đạt giá trị trên 100 tỷ đồng. Để đảm bảo mục tiêu đó tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách phù hợp kích thích phát triển: hỗ trợ 30 ngàn đồng/kg giống ngô trong vùng sản xuất ngô hàng hoá, đưa cán bộ kỹ thuật về các vùng quê hướng dẫn nông dân sản xuất, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục