Vẫn còn chờ nhà khoa học!
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hơn 800 hộ trồng bưởi ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) vẫn tiếp tục trông chờ và hy vọng các nhà khoa học sớm có lời giải về nguyên nhân bưởi mất mùa và cách khắc phục.
Anh Trần Văn Hiệp, thôn Quyết Tiến 12 bên cây bưởi sau 7 năm mất mùa mới cho ra quả.
|
Tháng 10, mùa bưởi chín mà các vườn bưởi ở Đại Minh và cả những cây bưởi gần trăm năm tuổi rất ít quả. Cảnh tấp nập chuyển bưởi về xuôi đã không còn. Bưởi Đại Minh đã ngon có tiếng và làm bao người ăn thích thú bởi vị ngọt mát thơm ngon, múi róc, mọng nước nhưng giờ nó lại đang có nguy cơ bị xóa sổ khỏi tập đoàn cây ăn quả Yên Bái.
Sau hơn 8 năm mất mùa, nay các hộ dân ở xã Đại Minh lại có được niềm vui khi cây bưởi lại ra hoa, kết quả. Đó là kết quả của việc áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất bưởi Đại Minh. Tuy nhiên, sản lượng vẫn giảm sút nhiều so với trước và người dân vẫn lo lắng cho số phận của cây bưởi khi những biện pháp kỹ thuật này khó nhân ra diện rộng và nguyên nhân bưởi mất mùa vẫn chưa có lời giải rõ ràng.
Một thời bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực, loại cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất ở Đại Minh. Nhưng đó chỉ là chuyện quãng chục năm về trước, còn vài năm trở lại đây bưởi liên tục mất mùa. Bưởi ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả, khiến đời sống của nhiều hộ dân trồng bưởi gặp khó khăn. Người trồng bưởi nơi đây đã tìm đủ mọi cách để cứu chúng nhưng không mang lại nhiều kết quả.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Đã có rất nhiều nhà khoa học từ trung ương, tỉnh, huyện, đến Đại Minh để nghiên cứu tại sao bưởi không đậu quả nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời thoả đáng. Người trồng bưởi thì cho rằng, mất mùa là tại đất, tại nước, tại biến đổi khí hậu, tại kỹ thuật chăm sóc, tại giống bưởi đã thoái hóa... Trong lúc chờ các nhà khoa học đưa ra được lời giải về nguyên nhân mất mùa thì không ít hộ dân đã chuyển đổi trồng loại cây khác, một số chuyển sang trồng bưởi. Diễn và đã ra quả. Hiện nay, diện tích bưởi toàn xã chỉ còn 135ha. Và khi cây bưởi vẫn tiếp tục mất mùa thì người dân trong xã mỗi năm thất thu trên 1 tỷ đồng”.
Thôn Quyết Tiến 12 có 36 nhà thì hầu như đều trồng bưởi. Năm 2000 trở về trước, cây bưởi phát triển mạnh, người ta đưa cả bưởi xuống trồng ở chân ruộng một vụ. Trồng đúng kỹ thuật, bưởi lên xanh tốt nhưng chẳng ra quả. Nhiều người đã chặt bỏ bưởi để trồng cây khác. Tuy thế, những diện tích bưởi lâu năm trồng trong vườn vẫn được các hộ gia đình giữ nguyên. Với họ, bưởi đã gắn bó cả đời người và là sản vật của ông cha để lại nên chặt đi thì tiếc.
Chia sẻ khó khăn với người trồng bưởi và nhằm từng bước khôi phục, nâng cao năng suất giống bưởi Đại Minh, Sở Khoa học & Công nghệ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai Đề án “Nghiên cứu nguyên nhân gây giảm năng suất bưởi Đại Minh và biện pháp khắc phục”. Một số hộ tham gia mô hình được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: cắt tỉa cành, bón phân tưới nước kết hợp với thụ phấn bổ sung, phòng trừ sâu bệnh và các biện pháp bổ trợ khác. Qua thực tế cho thấy, các hộ tham gia mô hình bưởi đã ra quả và có nguồn thu.
Đứng dưới tán cây bưởi gần 80 năm tuổi, anh Trần Văn Hiệp, thôn Quyết Tiến 12 mừng ra mặt vì sau 7 năm mất mùa cây bưởi này năm nay lại ra quả rất sai. Anh cho biết mọi năm cả vườn bưởi khi thu hoạch cũng chỉ bán được 1 - 2 triệu đồng nhưng năm nay nhờ áp dụng phương pháp kỹ thuật do cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương hướng dẫn nên bưởi sai hơn, gia đình thu khoảng 13 triệu đồng từ bưởi.
Ông Nguyễn Mạnh Ân - Trưởng thôn Quyết Tiến 12 cũng vậy, nhà có 65 gốc bưởi năm nay bán được 11 triệu đồng. Đây là năm thứ hai gia đình áp dụng những kỹ thuật canh tác như cắt tỉa, bón phân, tưới nước giữ ẩm, thụ phấn bổ sung nên vườn bưởi của ông cho thu trên 1.500 quả. Ông Ân nói: “Nếu cả vườn bưởi ra quả, chỉ cần mỗi cây cho 60 quả thôi và bán với giá 7.500đồng/quả thì cũng cho vài chục triệu đồng mỗi năm”.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân không sử dụng bất kỳ biện pháp kỹ thuật canh tác nào nhưng vườn bưởi vẫn ra hoa, đậu quả và cho thu nhập tới 30 triệu đồng. Chỉ có điều, các hộ này trồng hỗn loài không chỉ trồng riêng một loại bưởi ngọt mà còn nhiều loại bưởi khác xen vào. Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh thì phương pháp thụ phấn bổ sung bước đầu đem lại hiệu quả. Một số hộ dân áp dụng đã có nguồn thu, tuy nhiên năm nay vẫn là một mùa bưởi thất thu với người dân vì số lượng cho ra quả còn kém xa trước.
Theo ông Hiền thì những biện pháp kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất bưởi Đại Minh như các hộ trên là rất khó nhân rộng. Chỉ ngay việc thụ phấn bổ sung đã khó vì không thể thụ phấn cho những cây cao mà chỉ làm được ở những cây cành thấp và việc tìm ra nguyên nhân suy giảm năng suất bưởi một cách có cơ sở khoa học thì vẫn chưa có lời giải.
Hơn 800 hộ trồng bưởi vẫn tiếp tục trông chờ và hy vọng các nhà khoa học sớm có lời giải về nguyên nhân bưởi mất mùa và cách khắc phục.
Văn Thông
Các tin khác
Tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang soạn thảo một phương án mới sửa quy định hiện hành, theo đó sẽ đưa các loại sữa ngoại vào diện đăng ký giá.
Giá vàng thế giới tiếp tục hạ sau khi lên mức kỷ lục đã kéo giá kim loại quý trong nước giảm tiếp trên dưới 10.000 đồng/chỉ, xuống còn 2,367 triệu đồng/chỉ, xa hơn so với mức “đỉnh”. Thị trường không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng.
YBĐT - Xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có địa hình phức tạp chủ yếu là đồi núi dốc, giao thông đi lại giữa các thôn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là 2022,4 ha, trong đó đất lâm nghiệp hơn 1100 ha, chiếm 63,2% tổng diện tích đất tự nhiên của xã.
YBĐT - 400 lớp tập huấn cho nông dân Lục Yên / Thị xã Nghĩa Lộ tăng cường phòng, chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc