Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh: Thoát khỏi trì trệ, tìm hướng đi bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Việc thay đổi nhân sự lãnh đạo đầu năm 2009 là nhân tố quyết định sự ổn định của doanh nghiệp. Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định các phương án sản xuất kinh doanh trên cơ sở dân chủ, tôn trọng ý kiến cổ đông, tập thể thống nhất cao, đồng tâm tìm hướng tháo gỡ đưa doanh nghiệp thoát khỏi trì trệ. Công ty cổ phần chè Minh Thịnh đã hoàn thiện cơ chế khoán, giao quyền tự chủ cho quản đốc các nhà máy chế biến có sự quản lý chặt chẽ của HĐQT và Ban giám đốc.

Nhờ củng cố mạng lưới thu mua Công ty bảo đảm đủ nguyên liệu chế biến cho 3 nhà máy, công suất 50 tấn/ngày.
Nhờ củng cố mạng lưới thu mua Công ty bảo đảm đủ nguyên liệu chế biến cho 3 nhà máy, công suất 50 tấn/ngày.

Từ bài báo Bài học từ cổ phần hóa ở Công ty cổ phần chè Minh Thịnh: “Thuốc” dân chủ chữa bệnh “nan y”phản ánh tình trạng bê bối, trì trệ ở Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh (gọi tắt là Minh Thịnh, có trụ sở đóng tại thành phố Yên Bái). Trở lại doanh nghiệp thời điểm niên vụ chè 2009 sắp kết thúc, điều ghi nhận là sản xuất kinh doanh đã ổn định, lần đầu tiên sau 5 năm cổ phần hoá, đơn vị đã có lợi nhuận. Tuy nhiên, để duy trì ổn định và có những chuyển biến tích cực hơn đòi hỏi Minh Thịnh phải tạo ra những đột phá trong sản xuất kinh doanh một cách bền vững…

Ổn định doanh nghiệp

Nỗi thất vọng bao trùm và không gì tả xiết sự chán nản của người lao động sau tiến hành cổ phần hoá. Những khó khăn khách quan và yếu kém trong quản trị doanh nghiệp của bộ máy lãnh đạo đã kéo Công ty lâm vào cảnh triền miên thua lỗ: năm 2005 lỗ 1,6 tỷ, nợ đọng các khoản 1,2 tỷ; năm 2007 lỗ và nợ đọng 4,5 ty đồng; năm 2008 lỗ 1,8 tỷ đồng, tiếp tục nợ đọng thuế, các loại bảo hiểm theo quy định của người lao động. Trì trệ, rối ren tới mức đơn thư tố cáo liên tiếp được gửi tới các cấp, các ngành và lãnh đạo tỉnh; người lao động chán nản bỏ doanh nghiệp ra ngoài làm.

Việc thay đổi nhân sự lãnh đạo đầu năm 2009 là nhân tố quyết định sự ổn định của doanh nghiệp. Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định các phương án sản xuất kinh doanh trên cơ sở dân chủ, tôn trọng ý kiến cổ đông, tập thể thống nhất cao, đồng tâm tìm hướng tháo gỡ đưa doanh nghiệp thoát khỏi trì trệ. Công ty đã hoàn thiện cơ chế khoán, giao quyền tự chủ cho quản đốc các nhà máy chế biến có sự quản lý chặt chẽ của HĐQT và Ban giám đốc.

Ví dụ: tại các phân xưởng chế biến, chỉ duy trì quản đốc và cán bộ kỹ thuật, đưa trưởng ca làm kỹ thuật ca; các chỉ tiêu định mức được rà soát, thực hiện nghiêm quy trình quản lý chất lượng từng loại sản phẩm theo đơn hàng, tiết kiệm chi tiêu, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, áp dụng các chính sách khuyến khích người lao động, tăng vòng quay vốn và thu hồi nợ đọng. Doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi thiết bị chế biến, rút ngắn quy trình sàng rung, sàng bằng, máy cán để tăng độ đen bóng của sản phẩm; đưa thẳng máy cắt OP và lấy mặt hàng, tỷ lệ hàng cấp cao từ 28% niên vụ trước lên 30-35%.

 Sản phẩm chè đen (chiếm 80% cơ cấu sản phẩm) và chè xanh của Minh Thịnh được bạn hàng trong nước chấp thuận bởi sự đáp ứng yêu cầu về phẩm cấp và giá bán. Theo đơn đặt hàng, sản phẩm chè F, PS, BPS, D chiếm tỷ trọng cao, giá bán những mặt hàng cấp thấp này xê dịch từ 16.300 – 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản xuất mặt hàng cấp cao là hướng đi được chú trọng, chè OP, P, FBOP hiện chiếm từ 30 – 35% trong cơ cấu sản phẩm.

Để có đủ nguyên liệu cho chế biến, Công ty củng cố mạng lưới thu mua, áp dụng mức giá thu mua linh hoạt, chú trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào. Do vậy, các nhà máy chế biến như Đồng Tâm, Hưng Thịnh, Yên Ninh tới tháng 9.2009 chế biến 800 tấn chè khô, tiêu thụ hết không tồn kho. Doanh thu ước cả niên vụ 18 tỷ đồng (vượt kế hoạch đề ra 3 tỷ đồng), nộp ngân sách năm trên 700 triệu đồng, trả nợ ngân sách những năm trước 200 triệu. 100% lao động đủ việc làm, thu nhập bình quân trong vụ từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Huy động vốn, khơi thông thị trường

Việc bán đứt 160 ha đồi chè trong những năm trước đẩy doanh nghiệp vào cảnh rất khó khăn về nguyên liệu, hiện chỉ còn một đội sản xuất nông nghiệp với diện tích chè nguyên liệu 40 ha. Để duy trì sản xuất ở 3 nhà máy chế biến, tổng công suất 50 tấn/ngày, Công ty phải có vốn thu mua nguyên liệu, bao gồm chè búp tươi và chè khô đã sơ chế. Thời điểm cuối năm 2008 và đầu 2009, hạn mức vay ngân hàng của doanh nghiệp đã bị các ngân hàng xiết chặt.

Để có vốn, HĐQT thông qua Đại hội đồng cổ đông đã thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và huy động vốn nội bộ. Riêng thành viên HĐQT thế chấp sổ đỏ đất ở, góp vốn trên 1 tỷ đồng. Công đoàn, Đoàn Thanh niên huy động đoàn viên góp vốn bằng hình thức thế chấp quyền sở hữu tài sản cá nhân. Sự ổn định trở lại của doanh nghiệp đã thuyết phục các ngân hàng thương mại đầu tư tín dụng cho đơn vị.

Cùng lúc, các ngân hàng ráo riết thực hiện chính sách kích cầu tín dụng của Chính phủ đã tạo cơ hội tốt cho Công ty tháo gỡ khó khăn về vốn. Hạn mức tín dụng gần như từ số không đã được nâng lên 5 tỷ đồng, niên vụ 2009 doanh nghiệp huy động khoảng 4,5 tỷ đồng vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thời điểm cuối vụ dư nợ chỉ còn trên 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, đồng vốn vay đã được quay vòng từ 2 – 2,5 lần, đó cũng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có lãi sau nhiều năm thua lỗ.

Về thị trường tiêu thụ, các bạn hàng từng quay đi khi tình hình doanh nghiệp bê bối nay đã trở lại. Thị trường khơi thông, trên 800 tấn chè khô sản xuất tới tháng 9.2009 tiêu thụ hết, dự tính tiêu thụ 1.000 tấn cả niên vụ. Kết quả này là một nỗ lực lớn, có được là nhờ áp dụng một loạt chính sách kinh doanh năng động, tuân thủ yêu cầu về số lượng và chất lượng của bạn hàng. Chưa thể nói tới thương hiệu chè Minh Thịnh nhưng cung cách làm ăn hiện tại của Công ty đã tạo ra sự tín nhiệm bền vững từ các bạn hàng, nhiều khách hàng đã chủ động ứng tiền trước cho các lô sản phẩm sản xuất từ Minh Thịnh.

Tìm hướng đi bền vững

100% sản phẩm của Minh Thịnh bán ra thị trường làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến chè trong nước. Sản phẩm làm ra tới đâu, tiêu thụ tới đó là đáng mừng nhưng chưa phải là hướng phát triển bền vững. Có thể coi niên vụ 2009 đã kết thúc, hoạch định kế hoạch 2010 và những năm tiếp theo, hướng đi của Minh Thịnh là phải tập trung vốn để thay đổi công nghệ. Hiện tại, công nghệ và thiết bị sản xuất của Công ty rất lạc hậu. Khó khăn về tài chính và hậu quả của những trì trệ trong quản lý, quản trị doanh nghiệp những năm qua kìm hãm sự đổi mới cấp thiết này.

Theo lãnh đạo Công ty, thời gian tới sẽ từng bước chuyển công nghệ sản xuất của Liên Xô cũ sang công nghệ Xri-lan-ca hoặc Ấn Độ; quy trình sản xuất quản lý chặt chẽ hơn theo hướng tăng sản phẩm chè cấp cao, bảo đảm chất lượng các loại sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, mục tiêu là có sản phẩm xuất khẩu tại doanh nghiệp. Hiện tại, đã có bạn hàng Đài Loan tiến hành thương thảo để đặt hàng đóng công-ten-nơ tại doanh nghiệp. Niên vụ 2010 được xác định là năm khởi đầu đổi mới công nghệ, thiết bị - đó là hướng đi có tính bền vững để Minh Thịnh có những chuyển biến tích cực hơn.

 Tuấn Anh

Các tin khác
Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái luôn quan tâm, bảo đảm đầy đủ các chế độ, quyền lợi cho người lao động.
(Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Với việc đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất xi măng bằng công nghệ lò quay, công suất 350 nghìn tấn một năm, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái được coi là "đầu tầu" của nền công nghiệp địa phương. Với những gì đã đạt được từ đầu năm đến nay và cả phương hướng phấn đấu của quý IV nước rút, doanh nghiệp xứng đáng giữ vị trí số 1 của khối công nghiệp địa phương Yên Bái.

Nông dân trong tỉnh thu hái chè vụ xuân.

YBĐT - Từ những nương chè quốc doanh đầu tiên do những người lính Cụ Hồ trồng tại thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn), đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 13 ngàn ha chè, trong đó có 10 ngàn ha chè kinh doanh, đứng thứ 3 toàn quốc về diện tích cũng như sản lượng. Nhưng có điều là suốt hơn 40 năm qua, cuộc sống của hàng ngàn hộ làm chè vẫn đứng trước ngưỡng cửa đói nghèo. Điều tưởng như vô lý nhưng ai thấu hiểu về chè, tâm huyết với chè thì lại thấy có lý, bởi cung cách làm ăn giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà buôn đang có nhiều điều phải bàn lại.

Phải minh bạch hóa chi phí đầu vào của xăng dầu. Chỉ trong thời hạn nhất định nào đó, giá đầu vào tăng nhưng chưa điều chỉnh giá tương ứng thì mới lấy quỹ bình ổn ra bù.

Ngày 20-10, dự án Hỗ trợ Thương mại đa biên giai đoạn 3 (EU-Việt Nam MUTRAP III) phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo “Giới thiệu cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam” tại Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục