Đất bán ngập trên hồ Thác Bà: Không thể để hoang hóa thêm nữa!
- Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình thì tranh thủ mực nước hồ xuống thấp, người dân ven hồ tập trung trồng cây rau màu ngắn ngày, trong đó đáng kể nhất là cây lạc với tổng diện tích gieo trồng khoảng 300 đến 400 ha. Tuy nhiên, năng suất rau màu trên đất bán ngập thường rất thấp vì đất đã bị rửa trôi, bạc màu, “có làm mà không có ăn” là tình trạng rất phổ biến.
Rừng tràm 2 năm tuổi trên đất bán ngập hồ Thác Bà do Công ty Lâm nghiệp Thác Bà trồng thử nghiệm.
|
Hồ Thác Bà gồm hai chức năng chính là phục vụ trực tiếp cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà và trị thủy dòng sông Chảy. Hồ có chiều dài khoảng 80 km, chiều rộng từ 8 đến 10 km; diện tích mặt nước gần 2 vạn ha và có khoảng 1.331 đảo nổi. Do đặc thù của dòng sông Chảy và chức năng trị thuỷ nên mực nước hồ Thác Bà dao động rất lớn, trung bình 13,5 m (từ cốt 45 đến cốt 58,5m); mức dao động mực nước càng ngày càng có xu hướng tăng do biến đổi khí hậu (hạn nặng và lũ lớn). Sự dao động của mực nước đã tạo ra một diện tích bán ngập hàng nghìn héc-ta quanh các đảo.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình thì tranh thủ mực nước hồ xuống thấp, người dân ven hồ tập trung trồng cây rau màu ngắn ngày, trong đó đáng kể nhất là cây lạc với tổng diện tích gieo trồng khoảng 300 đến 400 ha. Tuy nhiên, năng suất rau màu trên đất bán ngập thường rất thấp vì đất đã bị rửa trôi, bạc màu, “có làm mà không có ăn” là tình trạng rất phổ biến.
Ông Nguyễn Văn Tập ở xã Thịnh Hưng cho biết, hòn đảo có đến 4/5 diện tích thuộc đất bán ngập ngay cạnh nhà ông không canh tác được gì. Còn lại chóp đồi trồng được mấy chục cây keo, mớn nước phía trên sóng đánh mạnh trơ ra những rễ keo lớn, tiếp đến là một vệt cỏ gà, còn lại đại đa số là đất hoang hoá. Gió heo may thổi, sóng đánh ì oạp vào các phiến đá khiến nước đục ngầu.
Bao năm qua, cảnh tượng vẫn vậy, cứ âm thầm rửa trôi phần đất màu mỡ, để lại những phiến đá khô cằn, không cây gì mọc nổi, ngoại trừ cây xấu hổ - thứ cây như mối hiểm hoạ của hệ sinh thái hồ Thác. Ông Tập tiếc lắm! Tấc đất tấc vàng mà cứ tiếp tục để hoang hoá như thế, nước lên dần cũng chỉ có đất bạc màu và đá cứng nhắc, con cá, con tôm cũng không có gì để ăn, không có nơi để ở. Với người nông dân như ông Tập thì đất là vàng, còn những người có trách nhiệm cần phải nghĩ xa hơn cho hồ Thác Bà - hồ nước mà nhiều người đã đánh giá là hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam, đẹp nhất Việt Nam và tiềm năng về du lịch là vô cùng to lớn. Nếu ai có dịp du ngoạn hồ Thác hai lần (mùa nước và mùa khô) thì mới thấy sự khác biệt rõ nét và sẽ nghĩ ngay đến việc trồng cây trên vùng bán ngập.
Mùa nước, hồ Thác mênh mông, nước trong vắt ôm ấp các hòn đảo xanh thắm, đúng là “Miền xanh trong” như nhà văn Hoàng Thế Sinh đã miêu tả. Những cánh cò trắng vờn bay ẩn hiện trong tán rừng, dưới đám mây hoặc lao xuống mớn nước bắt những con cá tôm nhỏ. Từng chiếc, từng chiếc thuyền chài lặng lẽ buông lưới hay thu rọ tôm. Về mùa cạn, nước hồ xuống rất thấp. Có năm, nước chênh tới 16 – 17 mét. Nước rút, diện tích phần lớn các đảo không phải cây xanh như mùa nước mà đất và đá, đỏ quạch là gam màu chủ đạo của đảo hồ vào mùa khô. Những hòn đảo chỉ còn phần diện tích cây xanh quá nhỏ phía trên, nhìn không khác gì pho tượng khoả thân, trên đầu có cái mũ nhỏ đứng phơi mình giữa mưa nắng. Vậy là, vùng bán ngập của hồ Thác Bà trở thành một vùng đất “chết”.
Làm phong phú hệ sinh thái vùng bán ngập và thay đổi hình ảnh hồ Thác Bà vào mùa khô là việc thật sự cần thiết. Vậy làm bằng cách nào? Ông Vương Quốc Đạt – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thác Bà - người có nhiều năm gắn bó với công tác trồng rừng trên đảo hồ khẳng định: từ năm 2003, Lâm trường Thác Bà đã trồng thử nghiệm và thành công mô hình cây tràm nước ngọt trên diện tích bán ngập nước, địa điểm trồng thử tại xã Vĩnh Kiên và thị trấn Thác Bà. Diện tích trồng thử nghiệm năm 2003 là 7,5 ha, năm 2004 là 4 ha và năm 2005 là 2 ha. Cây đem trồng có tuổi đời 18 tháng và trồng với mật độ 5 nghìn cây/ha (15% cây dự trù cho trồng dặm), cự ly cây cách cây 1 mét và hàng cách hàng là 2 mét.
Đến nay, cây tràm nước ngọt phát triển tốt. Mùa nước lên, cây chìm hoàn toàn trong nước mà không chết, nước rút, hở cây ra tới đâu, mọc mầm, ra lá ngay tới đó. Sau 3 năm, đường kính gốc được 5 cm. Ông Đạt cho biết thêm: tại những rừng tràm, tôm cá vào trú ngụ và chim, cò về kiếm ăn rất nhiều, đặc biệt ngăn chặn rất tốt tình trạng bạc màu do nước mưa và sóng đánh. Theo nhận xét của nhiều người có chuyên môn về kinh tế nông, lâm nghiệp thì việc trồng tràm nước ngọt trên vùng bán ngập ở hồ Thác Bà chỉ có thể theo hướng cảnh quan, môi trường và sinh thái, không thể là trồng rừng kinh tế. Ít nhất có 6 tháng trong năm, cây tràm bị ngập, tuy không chết nhưng không phát triển nên cây lớn chậm, hiệu quả kinh tế không cao và lấy đối tượng cây tràm nước ngọt để trồng rừng kinh tế là kém hiệu quả, không ai làm.
Việc làm phong phú hệ sinh thái vùng bán ngập nước, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường của hồ Thác Bà là việc rất cần thiết, đối tượng cây trồng đã được xác định. Trong bối cảnh không thể đưa cây tràm nước ngọt vào trồng rừng kinh tế thì tỉnh và ngành nông nghiệp cần nghiên cứu lựa chọn đơn vị có khả năng, đưa ra những chính sách phù hợp, tiến hành trồng rừng bán ngập, nhanh chóng phủ kín hàng nghìn héc-ta đất đang hoang hoá trên hồ Thác Bà.
Lê Phiên
Các tin khác
Ngày 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã ban hành Quyết định số 2459/QĐ-NHNN về việc tiếp tục áp dụng mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 7%/năm.
YBĐT - Năm 2009, Lâm trường Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có kế hoạch trồng mới 120 ha rừng kinh tế tại 7 xã vùng Đông hồ Thác Bà. Để chuẩn bị cây giống phục vụ cho trồng rừng theo kế hoạch, ngay từ những tháng cuối năm 2008, Lâm trường đã mua hạt keo ngoại nhập về tổ chức gieo ươm, bảo đảm số lượng và chất lượng, giao cho các đội sản xuất.
YBĐT - Đòi hỏi từ thực tiễn và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở Trạm Tấu (Yên Bái) cho thấy, sự đầu tư của Nhà nước cho chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế vùng cao chỉ hiệu quả khi bắt đầu từ những mô hình cụ thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...