Kết quả một số đề tài, dự án khoa học phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị, thành phố vùng thấp 2008-2009
- Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2009 | 11:16:29 AM
YBĐT - Trong 2 năm (2008 - 2009) các huyện, thị, thành phố vùng thấp của tỉnh đã có nhiều cố gắng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu của trung ương và địa phương triển khai ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT mới vào phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương. Các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và bước đầu đã đạt một số kết quả đáng khích lệ.
Năm 2008, Tổng công ty Hoà Bình Minh thực hiện 2 dự án là: “Nghiên cứu thử nghiệm và phát triển loại hoa trồng chậu chịu nhiệt (hồng môn, xương rồng)” và dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi giun quế làm nguồn thức ăn cho gia súc” tại Trung tâm Nông nghiệp - Công nghệ xã Tuy Lộc (Thành phố Yên Bái). Kết quả triển khai cho thấy, đối với Dự án “Nghiên cứu thử nghiệm và phát triển loại hoa trồng chậu chịu nhiệt”, diện tích hoa hồng môn thí nghiệm đảm bảo về chủng loại, số lượng và được bố trí một cách khoa học. Hai giống hoa hồng môn thí nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi giống được bố trí 4 lần lặp lại, mỗi ô thí nghiệm bố trí 100 cây, theo dõi theo đường chéo 5 điểm, mỗi ô thí nghiệm theo dõi 30 cây, 15 ngày theo dõi một lần. Diện tích hoa xương rồng thí nghiệm được bố trí với qui mô 250 m2(1.500 cây), bố trí 4 lần lặp lại theo kiểu tuần tự, mỗi ô thí nghiệm là 187 cây, theo dõi 30 ngày theo đường chéo 5 điểm, 15 ngày theo dõi một lần. Kết quả cho thấy, hai giống hoa xương rồng thí nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt.
Đối với Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi giun quế làm nguồn thức ăn cho gia súc”, kết quả cho thấy diện tích mặt bằng nuôi giun rộng 300 m2. Nhà lợp cọ, quây xung quanh lá cọ, xung quanh móng được xây gạch, trụ nhà bằng bê tông kiên cố. Các ô thí nghiệm được xây gạch, nền đổ bê tông. Diện tích sàn nuôi giun rộng 210 m2 được thiết kế 2 dãy, có khu ủ phân riêng rộng 25 m2. Diện tích ô nuôi là 175 m2, giun được nhập về có nguồn gốc Mỹ đã được thuần hoá tại Việt Nam. Hiện tại, giun nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Viện KHKT Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã thực hiện đề tài “Chọn lọc, phát triển và xây dựng nhãn hiệu hàng hoá tập thể giống lúa thuần chất lượng cao Chiêm Hương tại xã Đại Phác huyện Văn Yên”. Mục tiêu của Đề tài là chọn lọc giống lúa gốc Chiêm Hương thuần chủng và tổ chức sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm này. Vụ mùa năm 2009, Đề tài đã tiến hành phục tráng cá thể tại thôn 4, xã Đại Phác (huyện Văn Yên) với diện tích 1000m2. Kết quả cho thấy, vật liệu khởi đầu từ 48 dòng Chiêm Hương thu được ở vụ xuân năm 2009, căn cứ vào kết quả theo dõi các chỉ tiêu về hình thái, sinh trưởng ngoài đồng ruộng kết hợp với đánh giá các chỉ tiêu cấu thành năng suất của từng dòng và đánh giá cảm quan sau thu hoạch, dự án đã chọn được 6 dòng Chiêm Hương có khả năng sinh trưởng tốt, độ thuần cao đúng với thang tiêu chuẩn nhất, làm vật liệu khởi đầu cho vụ xuân năm 2009. Qua theo dõi các chỉ tiêu, kết quả sơ bộ ban đầu, cho thấy, đã lựa chọn được dòng Chiêm Hương CHC 11 và CH 1 có khả năng sinh trưởng ổn định, các chỉ tiêu về hình thái đúng với thang tiêu chuẩn gốc nhất.
Nhằm hỗ trợ tổ sản xuất giống với lượng giống Chiêm Hương chất lượng cao vào sản xuất đại trà, Dự án đã tiến hành phục tráng quần thể 1 ha lúa Chiêm Hương trong vụ mùa năm 2009 tại 14 hộ ở thôn 4 xã Đại Phác. Quá trình theo dõi cho thấy, độ thuần của giống trên các ruộng đều đạt trên 95% và có sự đồng đều về chiều cao, thời gian sinh trưởng hơn nhiều so với sản xuất đại trà của người dân trong vùng. Đối với sâu bệnh hại lúa, ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn hại nhẹ, nhưng do công tác phòng trừ sâu bệnh tốt nên không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây lúa trong toàn mô hình. Năng suất ước đạt trung bình 4,0 - 4,5 tấn/ha ở các ruộng phục tráng quần thể.
Với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, UBND huyện Văn Yên, nhãn hiệu gạo Chiêm Hương “Đại An Phú” đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng chỉ. Hiện nay, bộ máy tổ chức sản xuất hạt giống và kinh doanh nhãn hiệu đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Vụ xuân năm 2009, lượng thóc thu được từ 1 ha ruộng phục tráng quần thể đã đáp ứng một phần nhu cầu về giống lúa của địa phương.
Đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp KHCN nhằm phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại huyện Trấn Yên” do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ (Viện Nghiên cứu Rau quả) thực hiện. Kết quả cho thấy, cơ quan chủ trì thực hiện đã triển khai xây dựng các công thức thí nghiệm đó là: nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng lá dâu ở vụ xuân và vụ thu; nghiên cứu cơ cấu giống tằm thích hợp cho vụ xuân - hè - thu tại xã Việt Thành (huyện Trấn Yên). Đã bố trí 8 công thức, trong đó 4 công thức thí nghiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật đốn rải vụ trong năm; 4 công thức thí nghiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật bón phân cho cây dâu tại ruộng thuộc tổ hợp trồng dâu nuôi tằm thôn 8, xã Việt Thành; Các công thức được bố trí theo khối ngẫu nhiên, ô cơ sở 120 m2, nhắc lại 3 lần. Nền cho các công thức được thực hiện theo một qui trình chung. Triển khai nghiên cứu cơ cấu giống tằm thích hợp cho vụ xuân - hè - thu đúng yêu cầu và thử nghiệm chất lượng lá dâu từ các công thức thí nghiệm đốn rải vụ và kỹ thuật bón phân, nghiên cứu cơ cấu giống tằm thích hợp cho vụ xuân - hè - thu và nghiên cứu kỹ thuật nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm lớn dưới đất. Đã bố trí kiểm định giống GQ2218 trên phạm vi 4 thôn của xã Tân Đồng, mỗi thôn chọn 5 hộ, mỗi hộ nuôi từ 1- 8 vòng trứng, đối chứng với kết quả nuôi tại 4 hộ ở thôn 5 nuôi cặp lai LQ2 cùng thời điểm. Nghiên cứu chế độ cho ăn, chế độ thay phân san tằm, mật độ nuôi, kỹ thuật bắt tằm chín lên né của nội dung nghiên cứu kỹ thuật nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm lớn dưới đất. Qua 9 tháng triển khai, đã lựa chọn 3 giống tằm có nhiều triển vọng là GQ2218, GQ1862 và GQ9373, trong đó giống GQ2218 nổi trội hơn cả. Kết quả kiểm định giống GQ2218 ở vụ xuân, vụ hè tại Tân Đồng đã xác định cặp lai GQ2218 thể hiện khả năng chống chịu hơn hẳn giống nhập nội. Năng suất kén của 2 vụ cao hơn giống đối chứng 30,37%, vụ hè tăng 52,53%, chất lượng tơ đạt xấp xỉ giống Trung Quốc. Kỹ thuật nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm lớn dưới đất dễ làm, dễ áp dụng. Sử dụng kỹ thuật này thì năng suất kén/vòng trứng đạt >16kg, năng suất kén/ha dâu đạt 1.800 - 2.000 kg kén, thu nhập từ kén/ha dâu đạt từ 80 - 85 triệu đồng, tiết kiệm vật tư, nhân công và các chi phí khác góp phần ổn định và phát triển sản xuất.
Dự án khoa học: “Xây dựng mô hình trồng thâm canh và phát triển giống hồng ngâm Lục Yên tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” thuộc Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010. Dự án do Bộ KH&CN ủy quyền cho địa phương quản lý tại 4 xã: Liễu Đô, Vĩnh Lạc, Mường Lai và Minh Tiến (huyện Lục Yên). Sau hơn một năm triển khai, các đơn vị thực hiện đã đạt được những nội dung chính của Dự án đó là, tổ chức điều tra khảo sát tuyển chọn 30 cây hồng Lục Yên ưu tú thuộc 3 hộ dân của xã Vĩnh Lạc. Đây là những cây hồng chủ lực phục vụ cho nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh hồng của dự án. Lựa chọn được diện tích cùng các hộ dân tham gia thực hiện mô hình với 20,4 ha tại 4 xã (Liễu Đô: 01 ha; Vĩnh Lạc: 14,2 ha, Mường Lai: 3,4 ha và Minh Tiến: 1,8 ha). Tiến hành khai thác mắt ghép hồng Lục Yên từ nguồn cây ưu tú, ghép nhân giống thành công 8.800 cây, đã vận chuyển cung ứng tới các hộ tham gia xây mô hình tại 4 xã triển khai Dự án. Hướng dẫn, chỉ đạo các hộ tham gia trồng thâm canh giống hồng ngâm Lục Yên đạt 70% (14/20,4 ha) diện tích mô hình. Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo, chuyển giao tập huấn 4 quy trình kỹ thuật về trồng chăm sóc cây hồng Lục Yên cho 15 kỹ thuật viên và 400 lượt học viên tham gia.
Đề tài "Nghiên cứu nguyên nhân gây giảm năng suất bưởi Đại Minh và biện pháp khắc phục" do Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai thực hiện tại xã Đại Minh (huyện Yên Bình). Đề tài đã điều tra, đánh giá hiện trạng về giống, kỹ thuật canh tác và nghiên cứu một số đặc tính nông sinh học, biện pháp kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất bưởi Đại Minh. Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp khẳng định và hoàn thiện biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc. Với diện tích 0,5 ha, cây từ 8 - 10 tuổi để xây dựng mô hình tại các hộ gia đình ở các thôn: Quyết Tiến 12, Minh Thân và Khả Lĩnh. Các hộ được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật cần thiết như: cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước kết hợp với thụ phấn bổ sung, phòng trừ sâu bệnh và các biện pháp bổ trợ khác... Qua nghiên cứu, theo dõi, đánh giá bước đầu cho thấy: tỷ lệ đậu quả của mô hình là 0, 72% trong khi mô hình đối chứng là 0,19%;đối tượng sâu bệnh hại như sâu nhớt, nhện đỏ, nhện trắng, rệp mềm, bệnh loét, muội đen... trên cây bưởi đã giảm nhiều. Do tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật và chăm sóc tốt nên tỷ lệ đậu quả cao, năng suất chất lượng tốt, điển hình như: gia đình ông Nguyễn Mạnh Ân, Nguyễn Mạnh Huân ở thôn Quyết Tiến 12, Nguyễn Văn Thông ở thôn Minh Thân và chị Nguyễn Thị Vân ở thôn Khả Lĩnh... vụ bưởi năm nay đã thu hoạch được từ 10 đến 15 triệu đồng. Thông qua kết quả bước đầu của đề tài nghiên cứu khoa học này, sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển trồng chăm sóc cây bưởi ở Đại Minh để nhân ra diện rộng trong thời gian tới và tránh tình trạng mất mùa như những năm trước đây.
Việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người nông dân vùng cao. Các công nghệ mới đưa vào sản xuất, chế biến đã góp phần nâng cao chất lượng các loại nông sản thực phẩm sau thu hoạch.
Nguyễn Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - Theo số liệu của ngành nông nghiệp, hết năm 2009, toàn tỉnh có 112.434 con trâu, 34.313 con bò và trên 422.334 con lợn.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2190/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư đến năm 2020 khoảng 360.000-440.000 tỷ đồng.
Việc kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước nhằm xác định rõ quỹ đất đang sử dụng cũng như diện tích đất chưa được khai thác hiệu quả để có biện pháp khắc phục.
YBĐT - Ngô dưới ruộng, ngô trên đồi, ngô xếp đầy trong lù cở theo lưng ngựa, theo xe máy về bản. Trong nhà dân, ngô chất đống ngoài sân, bên hiên nhà, nhiều nhà còn làm cả kho để ngô. Dưới ánh nắng chiều Tây Bắc, sắc ngô thêm vàng ruộm. Suốt từ đèo Ách xã Cát Thịnh lên đến Nậm Búng, Nậm Mười, Sùng Đô, đâu đâu cũng thấy bà con đang bẻ ngô, phơi ngô và câu chuyện thời sự nhất ở Văn Chấn bây giờ là vụ ngô đông bội thu.