"CPI năm 2010 sẽ cao hơn"
- Cập nhật: Thứ ba, 29/12/2009 | 1:35:30 PM
Năm 2009, khuyến cáo tái lạm phát luôn song hành với quan điểm cho rằng chỉ số giá trong tầm kiểm soát. Khép lại với mức tăng CPI dưới 7% và đạt mục tiêu đề ra, những người làm dự báo cảm nhận thế nào về diễn biến giá tiêu dùng năm qua?
CPI năm sau chắc chắn là cao hơn năm nay.
|
Chịu trách nhiệm chính trong các tính toán chỉ số giá của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ Giá cả đã chia sẻ về điều này.
“Đầu kéo” xen cùng lực kìm hãm
Trong một năm kinh tế thăng trầm như 2009, CPI chịu tác động của những yếu tố nào, thưa ông?
Năm nay, trong các nguyên nhân kiềm chế CPI có nguyên nhân do suy giảm kinh tế thế giới, khiến giá hàng hóa, nguyên liệu giảm. Trong nước, những tháng đầu năm, tiêu thụ hàng hóa chậm, xuất khẩu không được, sản xuất đình đốn. Tăng trưởng GDP quý 1 rất thấp (GDP quý 1/2009 tăng 3,1%).
Thêm nữa, chính sách kích cầu cũng tạo được công ăn việc làm, doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn rẻ. Cân đối vĩ mô của nền kinh tế cơ bản cũng giữ được ổn định... Đấy là nguyên nhân giữ ổn định được giá.
Ngoài ra còn nguyên nhân tăng lãi suất ngân hàng. Dù ảnh hưởng ít hơn, nhưng cũng có tác dụng thu bớt tiền trong lưu thông vào, tác động giảm giá trong giai đoạn tăng giá sau này.
Năm qua cũng có nhiều nguyên nhân tác động đến sự tăng giá , đặc biệt là các thay đổi chính sách, thưa ông?
Cũng có nhiều nguyên nhân gây tăng giá. Năm nay, đầu tiên là tăng lương tối thiểu hồi tháng 5, từ 540 lên 650 nghìn đồng.
Cũng có thể nhận thấy ảnh hưởng của tỷ giá. Việc tăng giá của USD (so với VND) cũng gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sản xuất, đến giá cả hàng hóa nhập về.
Tiếp theo là Nhà nước thực hiện cơ chế thị trường một số mặt hàng như điện, nước, xăng dầu. Hay ví dụ như giá than cung cấp cho mấy hộ tiêu dùng lớn cũng tăng rất nhiều. Những thay đổi ấy đã kéo chỉ số giá tăng lên.
Ngoài ra, năm nay còn có nguyên nhân thiên tai. Mấy trận bão tại miền Trung, đổ vào tỉnh Phú Yên…
Một trong những lo ngại nhất hiện nay là tăng trưởng cung tiền đã lên đến 28,67%, tăng trưởng tín dụng 37,73% làm mất cân đối tiền - hàng, gây sức ép tăng lạm phát. Quan điểm của ông thế nào?
Kích cầu, gói nọ gói kia của Chính phủ, thấy thì nhiều lắm. Tiền nhiều nhưng không hiểu sao giá không tăng lên.
Chúng ta vẫn thường nói chính sách tiền tệ có độ trễ. Nhưng trễ bao nhiêu thì chẳng ai biết được. Tối thiểu thì 6 tháng nó mới phát tác. Nhưng cũng có thể là một năm, thậm chí hơn…
“CPI phập phù, chúng tôi không yên tâm”
Quan điểm của Tổng cục Thống kê là năm nay CPI diễn biến theo đúng quy luật?
Nhìn trên xu hướng diễn biến, năm nay chỉ số giá hầu như quay lại quy luật tiêu dùng thông thường, khá ổn định, khá giống năm 2006. Có khác là năm 2006, hai tháng cuối năm chỉ khoảng 0,5-0,6%. Năm nay thì đột biến trong hai tháng cuối năm, nó hơi cao.
Năm nay, các mặt hàng cũng tương đối ổn định, hầu như không có cơn sốt giá nào. Vàng với USD thì không tính, còn hàng tiêu dùng không có sốt giá.
Ông đánh giá thế nào về giai đoạn nửa cuối năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng các tháng có mức độ chênh lệch khá cao, tháng sau có thể tăng gấp đôi tháng trước, hoặc giảm một nửa?
Đúng vậy. Thực ra trong phần cuối của năm nay, với diễn biến giá tiêu dùng, chúng tôi cảm thấy không yên tâm. Mặc dù đến hết năm thì nó rõ là theo quy luật. Kỳ thực ra năm nay, càng về cuối càng phập phù.
Dự báo giai đoạn gần đây rất khó khăn. Tháng 11 dự báo 0,5% thì lên 0,55% là được. Nhưng đến tháng 12 thì đúng là vượt ngoài dự báo. Khi họp tổ điều hành thị trường trong nước, dự báo lúc đó có người còn cho rằng không tăng đến 1%, chỉ khoảng 0,8% thôi.
Khi nào thì các ông bắt đầu thấy nó phập phù như thế?
Thực ra, cả giai đoạn đầu năm, diễn biến chỉ số giá khá đúng theo quy luật và biến động không ngoài dự đoán. Những tháng đầu của năm nay, nhiều dự báo nói là lạm phát đang quay trở lại, rồi năm nay có thể đến hai con số… Nhưng thực tế, chúng tôi thấy thấp lắm, đến tháng 4 vẫn còn thấp.
Nhưng khoảng gần nửa cuối năm, diễn biến bắt đầu có sự thay đổi. Quá trình làm thì diễn biến CPI phập phù, nó không như những năm xưa.
CPI không thể "chơi" một mình một sân
Nói về giá cả, dường như đến cuối năm, giá nhiều loại hàng hóa có xu hướng cao lên, đặc biệt là giá đường vừa qua đã lên gần gấp đôi so vơi hồi đầu năm?
Giá đường vừa rôi dân mình kêu sao tăng ghê thế. Thường họ tiêu dùng giá đường 11-12 nghìn đồng một cân. Thế mà giờ, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã 19-20 nghìn đồng một cân đường.
Hiệp hội mía đường thì nói là cũng phải thôi, giá thế giới lên gấp đôi thì chúng tôi cũng lên gấp đôi. Nhưng có chuyện người bán lẻ phản ánh lại, họ muốn kỳ hợp đồng với nhà máy nhưng nhà máy găm lại không bán, để chờ đến lúc giá cao mới bán.
Về chuyện này, Hiệp hội mía đường trả lời không có chuyện găm giữ hàng, bời vì găm lại như thế thì chịu bao nhiêu lãi suất vay, cho nên phải bán tháo ra…
Qua chuyện này có thể thấy hệ thống phân phối của ta còn kém, không chỉ đường mà nhiều loại hàng hóa khác cũng phân phối kém, kể cả lúa gạo hay các thứ khác. Đây cũng là một nguyên nhân gây tăng giá.
Liên quan đến giá gạo, mọi chuyên gia đều khẳng định gạo Việt Nam không thiếu, dù xuất khẩu gạo năm nay hơn 6 triệu tấn. Nhưng vì sao giá gạo cuối năm lại tăng nhiều đến thế?
Năm nay, chính lương thực trong 10 tháng về trước là khá ổn định, thậm chí là giảm. Tháng 11 chỉ số giá mặt hàng lương thực mới tăng 0,6% so với tháng 12.
Riêng tháng 12, giá lương thực được kéo lên mạnh, đến cuối năm thì tăng cao hơn mức chung một chút. Việc lương thực lên giá chủ yếu do có thông tin xuất khẩu được giá. Riêng mặt hàng này trong tháng 12 đã tăng đến 6,8% so với tháng trước đó. Gần hết các tỉnh đều tăng như thế. Chúng tôi hỏi tỉnh nào cũng nói tăng cao lắm.
"Trận" giá lương thực này hơi bất ngờ. Cho nên chỉ số giá lên mạnh, chứ nếu không thì không cao như thế này. Đáng lẽ ra, chỉ số giá cả năm chỉ khoảng 6%. Vì tháng 11 mới có 5,07% so với tháng 12 năm ngoái.
Có thể cho rằng, thị trường quốc tế hiện nay có khả năng áp đặt xu hướng lên giá cả hàng hóa trong nước?
Đúng vậy. Rõ ràng là giá xuất khẩu ảnh hưởng đến giá trong nước. Giá xuất khẩu lên thì giá trong nước phải lên. Nhưng Việt Nam mình cứ muốn giá thấp để bán dễ hơn hay sao ấy!
Giá xuất khẩu lên, giá trong nước lên theo, có khi lại không thích. Tăng giá lương thực trong nước lên thì chỉ số giá lại phải lên…
Cho nên, sang năm chắc là khó khăn lắm!
CPI năm 2010 sẽ cao hơn
Theo ông, chỉ số giá năm tới sẽ tăng ở mức nào?
Sang năm, giá thị trường thế giới chắc chắn là lên. Bây giờ đang phục hồi kinh tế, nếu sản xuất tốt, nhập đầu vào nhiều thì thế nào giá cũng lên. Rồi lộ trình tăng lương cũng sẽ tiếp tục, gói kích thích kinh tế cũng vẫn tiếp tục hoạt động. Sang năm có rất nhiều lễ hội nữa. Thiên tai thì năm nào cũng có.
Cho nên, năm sau CPI chắc chắn là cao hơn năm nay. Một số tổ chức quốc tế dự báo lên 10%. Theo tôi, chắc không đến thế đâu. Có thể chỉ loanh quanh 7%, cùng lắm đến 8%.
Ông đánh giá thế nào về chỉ số giá trong 3 tháng tới đây?
Tháng 1, chúng tôi dự báo CPI vẫn còn tăng khá cao, khoảng 1%. Nhưng tháng 2 sẽ tăng rất mạnh vì là tháng Tết, có thể 1,5-2%. Đến tháng 3 có thể bình bình hoặc giảm một chút. Theo quy luật, tháng 2 lên cao quá thì tháng 3 thế nào cũng giảm. Như thế thì vào khoảng 2,5-3%.
Tết mọi năm đều cỡ ấy, chỉ riêng năm 2009 thấp hơn, vì lúc đó đang trong giai đoạn suy giảm. Mấy tháng trước đó còn âm. Nhưng năm nay thì khác, sẽ cao hơn.
Nhưng chắc cả năm sẽ giữ được mức tăng một con số.
(Theo Vneconomy)
Các tin khác
Năm 2009, mùa mưa thuộc Bắc bộ kết thúc sớm hơn bình thường khoảng 1 tháng. Lượng mưa khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ đạt thấp, tổng lượng mưa 11 tháng tại 64 trạm đo thuộc Bắc bộ chỉ đạt 86% so với cùng kỳ hằng năm.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngày 29/12, Sở sẽ tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ đợt 4 năm 2009, do Kho bạc Nhà nước phát hành, với khối lượng gọi thầu 200 triệu USD.
YBĐT - Sau 4 tháng triển khai, đến nay 4 ha cao su trồng thí điểm tại thôn 6, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) đã sinh trưởng khá tốt, 100% cây giống bén rễ và bật lộc mới (ảnh).
YBĐT - Năm 2009, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phát triển mạnh diện tích ngô vụ hè thu và thu đông. Diện tích gieo trồng hai vụ đạt 1.400 ha, lớn nhất từ trước tới nay.