Vĩnh Kiên: Chờ những mùa quả bội thu?

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/12/2009 | 10:06:47 AM

YBĐT - Một vài hộ trồng thì tiêu thụ tốt nhưng trồng nhiều rồi lại giá lại rẻ như vải và xoài, rồi không biết bán cho ai, sức mua của người dân trong vùng thì có hạn. Trồng nhiều, trồng tự phát, theo phong trào tới khi cây cho trái lại bán quá rẻ rồi chặt bỏ trồng cây khác đã biến việc thử nghiệm các loại cây ăn trái mới của xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) rơi vào vòng luẩn quẩn.

Thu gom bưởi về xuôi.
Thu gom bưởi về xuôi.

Từ những năm đầu của thập kỷ 90, cây ăn quả đã được chú trọng phát triển ở đây, chủ yếu là bưởi Đại Minh và hồng Bảo Lương. Những năm đó, mỗi năm người dân trong xã trồng mới được từ 5 – 7 ha cây ăn quả các loại, có nhà trồng vài trăm gốc bưởi. Những mùa thu hoạch bưởi thật là nhộn nhịp, thương lái tới tận vườn. Một quả bưởi ngày đó mua được cả cân gạo nên không ít người xoá được đói, giảm được nghèo và làm giàu. Vào những năm  2000 – 2003, có gia đình thu vài chục triệu đồng, cuộc sống của nhiều hộ trồng bưởi đã thực sự đổi thay.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, mấy năm nay, một phần do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một phần do diện tích bưởi già cỗi, cây bưởi vẫn ra nhiều hoa nhưng không đậu quả, cây nhiều thì thu được vài chục quả, cây ít thì vài quả và thậm chí là không có quả, nhiều người đã chặt dần và từ hơn 60 ha đến nay chỉ còn chưa tới 30 ha bưởi. Nhìn vườn cây rộng 1,5ha với 130 gốc bưởi, ông Đặng Văn Liệu (thôn Đa Cốc) buồn bã: “Những năm từ 2000 – 2003, mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 30 triệu đồng từ tiền bán hoa trái trong vườn. Ngôi nhà hai tầng này cũng được xây từ tiền bán hoa quả. Tôi nghĩ cứ đà này chẳng mấy năm mình sẽ trở thành người giàu. Nhưng đã mấy năm nay, cây bưởi mất mùa, năm nay, chỉ thu được 400.000 đồng tiền bưởi, nhưng tôi vẫn tiếc chưa chặt cây nào. Năm tới vẫn mất mùa, tôi sẽ phải chặt dần chuyển sang trồng loại cây khác”.

Cây bưởi đã vậy, cây hồng còn buồn hơn. Khoảng mười năm trước, cây hồng Bảo Lương được trồng theo Dự án 327. Diện tích hồng Bảo Lương được trồng lên tới gần 20 ha. Cây hồng hợp với khí hậu và đất đai nơi đây nên rất sai quả. Nhưng thật đáng buồn là người dân chưa biết xử lý kỹ thuật lúc thu hái nên hồng bị chát, hồng trồng ra nhiều quả mà không biết bán cho ai. Gia đình ông Trần Xuân Hiền – Phó chủ tịch xã Vĩnh Kiên là một ví dụ. Ông cho biết: “Trước kia, nhà tôi trồng hơn trăm cây hồng Bảo Lương nhưng giờ đây chỉ để lại vài cây cho đẹp vườn”. Một giống cây trồng nổi tiếng nhưng không đem lại hiệu quả chỉ để “cho đẹp vườn” sao tránh khỏi chạnh lòng!

Các cây trồng khác cũng không khá hơn. Diện tích vải hiện nay của xã là 15 ha, xoài  5 ha. Vải và xoài phù hợp với đất đồi nên sinh trưởng tốt, sai quả, quả ngon không kém gì ở những vùng trồng nổi tiếng. Nhưng dường như đã thành quy luật, trồng nhiều sẽ thành thừa, bởi bưởi có tư thương tới tận vườn thu mua còn các hoa quả khác, nông dân vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm, mà đa phần bán tại các chợ địa phương như: Vĩnh Kiên, Thác Bà, sức mua không đáng là bao. Cũng theo ông Trần Xuân Hiền: “Trong thời gian tới, xã không có dự án trồng thêm vải và xoài bởi trồng sai quả nhưng giá quá rẻ (chỉ từ 2.500 – 3.000 đồng/kg) và trừ công chăm sóc và phân bón người dân chẳng thu được là bao nhiêu nếu không nói là lỗ”.

Cây bưởi không ra quả, các cây loại cây ăn quả khác trồng nhiều nhưng không có đầu ra, người dân Vĩnh Kiên đang phá dần cây ăn quả chuyển sang trồng cây rau màu và trồng cây lâm nghiệp. Trồng được cây ăn quả tới kỳ thu hoạch phải mất từ 3 -5 năm nhưng đến khi cây không ra quả hoặc có quả mà không có nơi tiêu thụ đành chặt bỏ thì thật xót xa. Trong thời gian qua, Vĩnh Kiên tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm 3ha dưa hấu và hơn 200 gốc thanh long. Các cây này đều phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây, cho năng suất cao, bán được giá (dưa hấu bán được 4.000 – 5.000/kg, thanh long có giá 10.000 – 12.000/kg).

Nhưng, người dân vẫn không khỏi lo lắng. Một vài hộ trồng thì tiêu thụ tốt nhưng trồng nhiều rồi lại giá lại rẻ như vải và xoài, rồi không biết bán cho ai, sức mua của người dân trong vùng thì có hạn. Trồng nhiều, trồng tự phát, theo phong trào tới khi cây cho trái lại bán quá rẻ rồi chặt bỏ trồng cây khác đã biến việc thử nghiệm các loại cây ăn trái mới của địa phương rơi vào vòng luẩn quẩn.

Vĩnh Kiên là xã có nhiều điều kiện thuận lợi với diện tích có thể phát triển cây ăn quả lên tới 200ha, đường giao thông thuận tiện, nhưng lại chưa phát huy được tiềm năng. Các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là ngành nông nghiệp nên tìm một loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của Vĩnh Kiên và tính toán về thị trường tiêu thụ, đó là nguyện vọng tha thiết của nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hồng Khanh

Các tin khác
CPI năm sau chắc chắn là cao hơn năm nay.

Năm 2009, khuyến cáo tái lạm phát luôn song hành với quan điểm cho rằng chỉ số giá trong tầm kiểm soát. Khép lại với mức tăng CPI dưới 7% và đạt mục tiêu đề ra, những người làm dự báo cảm nhận thế nào về diễn biến giá tiêu dùng năm qua?

Công nhân Nhà máy Thủy điện Yaly trực vận hành, kiểm tra kỹ thuật thiết bị các tổ máy.

Năm 2009, mùa mưa thuộc Bắc bộ kết thúc sớm hơn bình thường khoảng 1 tháng. Lượng mưa khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ đạt thấp, tổng lượng mưa 11 tháng tại 64 trạm đo thuộc Bắc bộ chỉ đạt 86% so với cùng kỳ hằng năm.

(Ảnh chỉ có tính minh họa)

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngày 29/12, Sở sẽ tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ đợt 4 năm 2009, do Kho bạc Nhà nước phát hành, với khối lượng gọi thầu 200 triệu USD.

YBĐT - Sau 4 tháng triển khai, đến nay 4 ha cao su trồng thí điểm tại thôn 6, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) đã sinh trưởng khá tốt, 100% cây giống bén rễ và bật lộc mới (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục