Sức sống mới trên bản Đồng Ruộng
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/1/2010 | 9:53:16 AM
YBĐT - Cái tên Đồng Ruộng ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) không biết có từ bao giờ? Ngay cả già làng Giàng A Nhà - một trong những người định cư sớm nhất ở bản này cũng không biết vì sao lại có cái tên đó. Chỉ biết rằng, ở bản Đồng Ruộng có suối Ngòi Bu ngày đêm rì rầm như lời thì thầm tỏ tình của trai gái Mông giữa đại ngàn thanh bình. Ở đây có thác 9 tầng (còn gọi là thác Ông Và), quanh năm róc rách. 193 con người cùng sinh sống trong bản Đồng Ruộng cùng đoàn kết để đưa Đồng Ruộng bước qua đói nghèo.
Bên suối.
|
Bản Đồng Ruộng trong ký ức của Giàng A Thào mấy chục năm về trước đói khổ lắm! Năm 1987, có cả thảy 3 hộ người Mông di cư từ bản 2, xã Mỏ Vàng (Văn Yên) về Đồng Ruộng. Cuộc sống mới, nơi ở mới, người Mông ở Đồng Ruộng phải sống chung với những khó khăn, thiếu thốn từ căn lều ở tạm đến bát cơm, manh áo. Thậm chí, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cả bản phải ăn củ nâu từ 5 đến 6 tháng.
Trước những khó khăn đó, người Mông ở thôn Đồng Ruộng đã tích cực vỡ đất khai hoang ruộng nước, đồng thời tận dụng những khoảng đất trống ở ven đồi để trồng thêm cây sắn, cây ngô... Nhờ đó, đời sống đã bớt đói, bớt khổ.
Nhưng thôn Đồng Ruộng chỉ thực sự khởi sắc từ năm 2005, khi người Mông bắt đầu trồng cây tre măng Bát Độ. Được huyện hỗ trợ về vốn, phân bón và kỹ thuật cộng với sự cần cù, chịu khó của người Mông, nên sau 3 năm, thì măng Bát Độ đã cho thu hoạch. Khí hậu, đất đai thuận lợi, cộng với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Vạn Đạt về vốn và chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm nên diện tích măng Bát Độ không ngừng được mở rộng.
Từ vài héc-ta, giờ đây Đồng Ruộng đã có trên 40 ha. Chỉ tính riêng năm 2009, cả thôn khai thác được trên 100 tấn, thu về hơn 260 triệu đồng. Đặc biệt, khi vào chính vụ, có những gia đình mỗi tuần có thể khai thác được hàng tấn măng. Nhờ măng, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, làm được những ngôi nhà sàn trị giá hàng trăm triệu đồng, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ đời sống, điển hình như gia đình ông Giàng A Sáu, Giàng A Khay, Giàng A Nhà...
Bên cạnh cây măng Bát Độ, quế cũng là cây trồng xóa nghèo. Ông Hoàng Văn Láng - Bí thư Chi bộ bản Đồng Ruộng nhớ lại: "Trước đây, chủ yếu là đất tự nhiên, không được đốt phá nên chúng tôi chỉ có thể tận dụng những chỗ đất trống trên đồi để trồng xen kẽ cây quế vào đó, rồi cứ thế diện tích quế mở rộng dần. Đến nay, toàn bản đã có 20 ha quế, trung bình mỗi năm khai thác được 20 tấn, thu về được hơn 100 triệu đồng". Cũng theo ông Láng, ngoài bán vỏ quế, lá quế cũng được bà con tận dụng nấu tinh dầu để nâng cao thu nhập. Hiện ở bản có 2 lò nấu tinh dầu quế, do người dân tự bỏ vốn đầu tư.
Ngoài chú trọng phát triển những cây xóa nghèo, Đồng Ruộng còn tích cực đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 10 ha lúa nước và đưa vào những giống lúa lai có năng suất cao. Đàn gia súc, gia cầm của thôn Đồng Ruộng luôn ổn định và trung bình mỗi nhà có ít nhất một con trâu. Từ đói nghèo, nay bình quân thu nhập đầu người đạt gần 7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 16 hộ giảm xuống còn 3 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Thu nhập ổn định, đồng bào thôn Đồng Ruộng có điều kiện cải thiện đời sống. Tuy chưa có điện lưới quốc gia nhưng mọi nhà cũng sáng ánh điện, bởi nhà nào cũng có một máy phát điện nhỏ có thể cung cấp đầy đủ điện cho những nhu cầu thiết yếu. Người dân Đồng Ruộng còn tự bỏ vốn ra để đầu tư, xây dựng 3 cây cầu gỗ để đi lại được thuận tiện hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục trong phát triển kinh tế - xã hội nên 100% con em ở Đồng Ruộng đều được đến lớp và đã có 2 người có trình độ đại học. Quỹ tiết kiệm bảo vệ rừng cộng động luôn duy trì ở con số 140 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Luỹ - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: 100% người dân ở Đồng Ruộng là người dân tộc thiểu số, trong đó có 5 hộ người Tày, còn lại là gười Mông. Sự cần cù, chịu khó của người dân là yếu tố quan trọng để Đồng Ruộng thay da đổi thịt như ngày hôm nay.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - So với nhiều địa phương khác trong huyện Văn Chấn (Yên Bái), xã Tân Thịnh được coi là xã có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội.
YBĐT - Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được thành phố Yên Bái đặc biệt quan tâm, những năm qua, ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo thêm cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và góp phần quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
YBĐT - Cùng với việc vận hành sản xuất và kinh doanh điện, Điện lực Yên Bái còn làm tốt nhiệm vụ do Tập đoàn và Công ty Điện lực I giao cho, đó là kinh doanh mạng dịch vụ viễn thông EVN Telecom với 27 trạm BTS, 24.741 thuê bao đang hoạt động, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng và cung cấp dịch vụ truyền hình cáp VTC với gần 6000 nghìn khách hàng tại thành phố Yên Bái.
YBĐT - Cả xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có khoảng 260 ha đất gieo trồng cây lương thực thì chỉ có 67,3 ha ruộng nước, trong đó 30 ha có thể cấy được 2 vụ lúa. Sau vụ lúa mùa sang tiết hanh khô là đất bỏ trắng hàng tháng trời. Khả năng tưới của công trình thủy lợi Háng Tàu, Pá Te chỉ có thể tưới được cho nửa diện tích ruộng có thể cấy lúa xuân. Thế nhưng, không phải ăn tết xong ai cũng ra đồng làm đất gieo cấy lúa xuân.