Về quyết định áp thuế chống bán phá giá của EU có hiệu lực từ 3/1/2010: Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/1/2010 | 8:27:40 AM

Việt Nam hoàn toàn có quyền đệ đơn kiện ra trước cơ quan xử lý tranh chấp của WTO. Cơ quan này sẽ xem xét Việt Nam có bán phá giá giày mũ da xuất khẩu sang thị trường châu Âu hay không và ra phán quyết.

 

Ngày 3/1/2010, quyết định của Hội đồng châu Âu kéo dài thêm 15 tháng áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên VOV, Tiến sĩ, Luật sư Phạm Liêm Chính, chuyên gia pháp luật thương mại quốc tế về vấn đề này cho biết, thực tiễn nảy sinh một số vấn đề cần được xem xét.

PV: Ông bình luận thế nào trước việc Uỷ ban châu Âu quyết định kéo dài thêm 15 tháng áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da của Việt Nam nhập khẩu vào Liên minh châu Âu?

Luật sư Phạm Liêm Chính: Qua lần bỏ phiếu vừa qua kết quả cho thấy, 13 nước bỏ phiếu trống, 14 nước bỏ phiếu thuận, nhưng thực chất chỉ có 9 nước bỏ phiếu thuận còn 5 nước bỏ phiếu trắng (cũng được coi như phiếu thuận). Tỷ lệ 14 phiếu thuận trên 13 phiếu chống cho thấy, các thành viên của Uỷ ban Châu Âu rất do dự trong việc quyết định có gia hạn hay không gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam.

Chúng ta khẳng định rằng, hàng hoá chúng ta không bán phá giá vào thị trường châu Âu. Giá bán của chúng ta bán thấp hơn các sản phẩm giày da bán tại châu Âu sản xuất tại châu Âu, vì nhân công chúng ta rẻ hơn, điều kiện sản xuất đơn giản hơn. Hàng hoá chúng ta cũng có chất lượng tương đối tạo ra sự hấp dẫn và có chỗ đứng ở châu Âu cho nên việc áp thuế chống bán phá giá 10% trong 3 năm qua và gia hạn tiếp 15 tháng nữa kể từ ngày 3/1/2010 là “oan ức” đối với ngành giày da Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế cũng như lợi ích của người lao động trong lĩnh vực này.

PV: Từ góc độ pháp luật quốc tế, Việt Nam có thể làm gì đối với quyết định này?

Luật sư Phạm Liêm Chính

Luật sư Phạm Liêm Chính: Chúng ta biết rằng, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hình thành trên cơ sở chính sách tự do thương mại. Tự do thương mại là lý tưởng mà tổ chức này theo đuổi và các thành viên tham gia cũng cam kết. Chúng ta đã mở cửa thị trường và thực hiện các cam kết của chúng ta khi gia nhập. Vậy thì hàng hoá của chúng ta cũng cần phải được đối xử một cách công bằng khi vào thị trường của những nước công nghiệp phát triển. Rõ ràng, Hội đồng châu Âu gia hạn áp thuế thêm 15 tháng nữa là điều bất hợp lý và họ đã đi ngược lại lý tưởng của WTO là tự do hoá thương mại và họ quay trở lại chính sách bảo hộ thị trường nội địa ở cộng đồng châu Âu.

Việt Nam đã là thành viên của WTO từ 3 năm nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền đệ đơn kiện ra trước cơ quan xử lý tranh chấp của WTO. Cơ quan này sẽ xem xét chúng ta có bán phá giá hay không và ra phán quyết. Phán quyết đó có giá trị thi hành trên bình diện quốc tế và buộc Hội đồng châu Âu phải tuân thủ.

PV: Nhưng Uỷ ban châu Âu cũng đã cử nhiều đoàn sang Việt Nam để điều tra, rà soát trước khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá?

Luật sư Phạm Liêm Chính: Doanh nghiệp giày da Việt Nam không có động cơ cạnh tranh không lành mạnh mà bị kết là bán phá giá, thì việc này phải có một cơ quan tài phán độc lập với hai bên để họ điều tra xem xét và kết luận, ra phán quyết. Còn điều tra, kết luận của họ có thể chỉ khách quan mức độ nào đó thôi chứ chưa phải là khách quan hoàn toàn. Vì vậy, cần có cơ quan tài phán độc lập với hai bên, đó chính là WTO.

Chúng ta cần có biện pháp, công cụ pháp lý sử dụng luôn để bảo vệ quyền lợi của chúng ta. Rất có thể sau 15 tháng nữa, Liên đoàn giày da châu Âu lại tiếp tục đệ đơn lên cộng đồng châu Âu để xin gia hạn tiếp và chúng ta mãi mãi bị áp thuế chống phá giá. Theo tôi, việc xử lý tranh chấp thương mại quốc tế trong khuôn khổ của WTO là bình thường. Chúng ta cũng không nên coi đó là việc xa vời, phức tạp.

PV: Tuy nhiên việc kiện ra WTO là điều mới mẻ đối với Việt Nam?

Luật sư Phạm Liêm Chính: Chính vì mới mẻ, nên chúng ta cần chuẩn bị kỹ về mặt pháp lý mới có thể làm được. Trung Quốc là một quốc gia rất lớn cũng bị áp thuế chống bán phá giá tới 16,5%. Và ngay khi Hội đồng châu Âu ra quyết định gia hạn 15 tháng nữa áp thuế đối với giày da Trung Quốc, ngay lập tức họ cũng đã chuẩn bị phương án kiện ra WTO. Mặt khác, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế đối với một số mặt hàng của châu Âu nhập vào Trung Quốc. Hai biện pháp đó là nhằm trả đũa tương ứng của Trung Quốc trong quan hệ thương mại với châu Âu.

Việt Nam có nền kinh tế thị trường mới phát triển, sức mạnh kinh tế của chúng ta chưa thể sánh được với Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị cho mình công cụ pháp lý cần thiết như Trung Quốc đang tiến hành ngày hôm nay. Tức là đưa vụ việc này ra giải quyết trước cơ quan xử lý tranh chấp của WTO. Các cơ quan chức năng cần tính đến việc này.

PV: Theo ông, Hiệp hội các doanh nghiệp nói chung và trong trường hợp này Hiệp hội da giày nói riêng cần chuẩn bị những gì về mặt pháp lý để đối phó tốt hơn nữa đối với vụ kiện tương tự trong quan hệ thương mại quốc tế?

Luật sư Phạm Liêm Chính: Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm qua các vụ cá tra, cá ba sa xuất sang Mỹ, các vụ tôm xuất khẩu rồi nhiều vụ việc khác. Châu Âu cũng đã đánh thuế đối với mặt hàng chúng ta áp thuế chống bán phá giá từ 3 năm nay.

Tranh chấp thương mại quốc tế sẽ xảy ra thường xuyên, nên doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề và riêng Hiệp hội Giày da Việt Nam cũng nên chuẩn bị và có những biện pháp, kế hoạch đối phó dài hạn chứ chúng ta không chỉ tuyên bố rằng, chúng ta không bán phá giá, rồi việc áp thuế 10% ảnh hưởng tới 650.000 lao động. Việc làm này mới ở mức độ giãi bày. Nhưng giãi bày thì chưa đủ. Nó chỉ giúp cho những người bạn của Việt Nam họ hiểu chúng ta. Phải dùng công cụ pháp lý quốc tế cho phép để bảo vệ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta cần có chiến lược bảo vệ hàng hoá xuất khẩu.

WTO có một cơ quan chuyên xét xử tranh chấp về thương mại giữa các quốc gia. Việt Nam từ 3 năm trở lại đây là thành viên của WTO, có nghĩa vụ và có quyền khi tham gia vào tổ chức này. Quyền của chúng ta là, khi gặp một vụ kiện mà chúng ta thấy bị thiệt hại, thì có quyền đệ đơn để yêu cầu WTO xem xét.

PV: Như ông nói, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cần có chiến lược tự vệ thương mại cho mình trong quan hệ quốc tế?

Luật sư Phạm Liêm Chính: Cần nói thêm rằng sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong các Hiệp hội còn yếu. Chủ yếu mang tính chất khảo sát thị trường, xem các biểu giá, biểu thuế chứ tiếng nói chung thì chưa được chú trọng. Theo tôi, các hiệp hội cần củng cố và thành lập ban pháp chế, có tổ chức chuyên nghiên cứu chủ động về những vấn đề pháp lý có thể phát sinh với ngành nghề của mình và những biện pháp những kinh nghiệm mà nước ngoài đã từng sử dụng, những nước trong cùng hoàn cảnh đã sử dụng trong hiệp hội đó như thế nào.

Ngoài ra hiệp hội cũng chủ động làm việc với các cơ quan chức năng rồi làm việc với văn phòng luật sư, công ty luật có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để có phương án chuẩn bị. Điều này các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài làm thường xuyên, chặt chẽ và không thể thiếu. Họ lường trước mọi rủi ro pháp lý và sẵn sàng đứng ra bảo vệ doanh nghiệp theo luật pháp. Còn ở Việt Nam hiện nay, nhiều khi chúng ta chỉ mải sản xuất hàng hoá xuất khẩu mà lãng quên đi vấn đề pháp lý, khi phát sinh tranh chấp thì tổn thất rất nhiều. Chúng ta thường bị động trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế và sự phản ứng khá yếu ớt.

PV: Trên thực tế thì đội ngũ người tư vấn giỏi về tranh chấp thương mại quốc tế hiện chưa nhiều?

Luật sư Phạm Liêm Chính: Cách đây mấy tuần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp giới luật sư Việt Nam. Trong cuộc gặp, Thủ tướng cũng nói đến khía cạnh này. Hiện chúng ta đang xây dựng đề án đào tạo luật sư trẻ để có thể trở thành luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh Việt Nam hội nhập. Tuy nhiên, chúng ta cũng có luật sư đào tạo ở các nước phát triển, có kinh nghiệm hiểu biết về thương mại quốc tế, có ngoại ngữ tốt. Đó là địa chỉ tốt để giúp doanh nghiệp và những luật sư đó cũng đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề trong những vụ tranh chấp thương mại trong thời gian qua.

Tất nhiên là chưa nhiều, chưa đủ. Theo tôi, cần tăng cường mối quan hệ giữa hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp với các chuyên gia pháp lý để tạo thành thói quen tự vệ thương mại, vì không phải chúng ta không có luật sư trình độ chuyên môn cao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!.

(Theo VOV)

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 139/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

Công nghiệp bứt phá nhờ những nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp. (Ảnh: Công nhân Nhà máy Luyện gang thép Cửu Long Vinashin bảo dưỡng bộ phận giảm tốc máy cán tinh - Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Hồi đầu năm, khi mục tiêu toàn ngành công thương đạt giá trị sản xuất 2.300 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 17 triệu USD được đưa ra, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng: “Đó là những con số rất khó khăn, tỉnh cần xem xét hạ một số chỉ tiêu nhằm mang tính khả thi!”.

YBĐT - Năm 2009 là năm ngành thuế Yên Bái gặp nhiều khó khăn trong nhiệm vụ thu ngân sách, do những tác động bất lợi của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, nhiều sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh tiêu thụ chậm... Tuy nhiên, toàn ngành đã phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách được giao.

Sông Chảy - nơi diễn ra những hoạt động lễ hội đầu năm.

YBĐT - Tô Mậu là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hoá, nằm dọc theo hữu ngạn sông Chảy ở phía Tây Bắc của huyện Lục Yên (Yên Bái). Với diện tích tự nhiên 20,4 km2, toàn xã có 608 hộ với 2.680 khẩu được chia làm 3 khu dân cư là Làng Thắm, Làng Mường và Khe Mạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục