Trạm Kiểm lâm Bản Dõng: Kiên quyết đấu tranh với lâm tặc

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2010 | 9:12:32 AM

YBĐT - Trạm Kiểm lâm Bản Dõng quản lý địa bàn 9 xã vùng thượng huyện Văn Chấn (Yên Bái) với 14.389 ha rừng tự nhiên.

Các xã: Tú Lệ, Gia Hội, Nậm Búng, Nậm Lành nhiều năm nay luôn là điểm nóng của Văn Chấn, của tỉnh về tình trạng khai thác, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép. Con số 63 vụ vi phạm của năm 2009, tịch thu 80 m3 gỗ các loại và gần 50 tấn đầu mẩu gỗ pơ mu đã phần nào nói nên tính phức tạp của khu vực này.

Bí thư Đảng uỷ xã Tú Lệ - ông Đồng Văn Minh cho biết: “Tú Lệ là địa bàn giáp ranh, có đường giao thông thuận lợi, tình trạng khai thác lâm sản trái phép không nhiều nhưng lại là điểm tập kết, chung chuyển gỗ của lâm tặc. Bằng nhiều phương tiện như: ô tô, xe máy, ngựa thồ thậm chí thả gỗ trôi theo suối... lâm tặc thường vận chuyển vào những lúc nửa đêm, gần sáng rất khó kiểm soát”.

Ông Minh cũng cho biết thêm, lực lượng của xã mỏng, trong khi kiểm lâm địa bàn chỉ có 1 người lại thường xuyên thay đổi, chưa kịp  làm quen với địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin với cơ sở. Mặt khác, ngay chân đèo Khau Phạ có một trạm kiểm soát của huyện Mù Cang Chải, nhưng vì khác địa bàn, công tác phối hợp giữa hai huyện chưa chặt chẽ, do vậy hạn chế rất nhiều đến công tác quản lý kiểm soát.

Không giống với Tú Lệ, một số xã thượng huyện khác của Văn Chấn rừng tự nhiên còn khá giàu như: Nậm Búng, Nậm Lành thì tình trạng khai thác lâm sản lại luôn là vấn đề bức xúc. Ông Vũ Đình Trường - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bản Dõng cho biết: “Trong đợt cao điểm truy quét lâm tặc theo công văn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Trạm đã thu, phá huỷ 3 máy dập hạt pơ mu được lâm tặc đưa vào tận rừng sâu, thu giữ hàng chục tấn đầu mẩu pơ mu do lâm tặc khai thác”. Năm 2009, Trạm Kiểm lâm Bản Dõng cũng đã kiên quyết triệt phá nhiều điểm nóng, tập trung vào một số đối tượng thường xuyên hoạt động tàng trữ, buôn bán lâm sản trái phép. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, các nhóm lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác.

Trước thực trạng đó, nhiều năm nay Trạm Kiểm lâm Bản Dõng đã có nhiều nỗ lực đấu tranh ngăn chặn, hạn chế các hoạt động của lâm tặc. Chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn tham mưu cho UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, kiện toàn 10 tổ bảo vệ rừng của 9 xã, kết hợp với các khối đoàn thể của xã kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng không làm tròn trách nhiệm, để mất rừng.

Bên cạnh đó, Trạm đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, thôn, bản và thể chế hoá Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; nâng cao chất lượng khoán và bảo vệ rừng tới hộ, nhóm hộ. Hàng năm, lực lượng kiểm lâm tiến hành nghiệm thu chất lượng bảo vệ rừng, hộ, nhóm hộ chất lượng rừng tốt mới chi trả tiền công theo quy định.

Cuộc “chiến” với lâm tặc ở các xã vùng thượng huyện Văn Chấn sẽ còn gian nan, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của những người lính bảo vệ rừng, mầu xanh sẽ tiếp tục trải dài trên đất Văn Chấn.

Ông Vũ Đình Trường tâm sự với chúng tôi: “Muốn hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép thì kiểm lâm phải làm tốt công tác dân vận, bám rừng, bám dân; chính quyền cơ sở phải làm tốt công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, tạo ra ý thức nhập cuộc của mỗi người dân trong công tác bảo vệ rừng, tiến tới xã hội hoá công tác phát triển rừng”. Đây cũng là mục tiêu mà cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Bản Dõng hướng tới.

Anh Dũng

Các tin khác

YBĐT - Những cánh đồng khoai tây đang “chín” như nở ra trên đồng đất. Những nụ cười rạng rỡ vang và lan xa trong nắng mới. Khoai tây- một cây trồng không mới nhưng vụ đông 2009-2010, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo thành công trồng khoai tây giống mới theo hướng liên kết “4 nhà”, tăng hiệu quả kinh tế và mở hướng bền vững trong sản xuất nông nghiệp...

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 124/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2010.

Hơn một tháng triển khai cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà đất theo mẫu mới, quy trình mới, người dân ngao ngán. Thủ tục phát sinh, tốn kém thêm nhiều khoản tiền, thời gian chờ đợi cũng dài hơn. Cơ quan cấp giấy cũng than mệt hơn trước!

Nhiều gia đình tại thôn Khe Gầy xã Tân Hương cùng gieo mạ trên 1 thửa ruộng để tiết kiệm nước.

YBĐT - Có lẽ chưa bao giờ người dân Yên Bình (Yên Bình) lại mong mỏi một vụ đông xuân “mưa thuận gió hòa” như năm nay. Tình trạng thiếu nước, khô hạn gần như đã “gõ cửa” từng nhà. Nhà ít thì một thửa ruộng, nhà nhiều thì một sào đến vài sào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục