Khởi sắc Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2010 | 9:14:09 AM
YBĐT - Năm 2009, tổng sản lượng lương thực của Mù Cang Chải (Yên Bái) lần đầu tiên đạt 18.680 tấn, tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2008.
Trung tâm huyện lỵ Mù Cang Chải.
|
Một con số thật ấn tượng bởi đó là mức tăng khá cao đối với huyện vùng cao khó khăn trăm bề như Mù Cang Chải. Từ một huyện mà tỉnh thường xuyên cứu đói lúc "tháng ba, ngày tám" thì nay Mù Cang Chải đã có lương thực dự trữ.
Kết quả có được, trước hết là nhờ đổi mới tư duy trong lãnh đạo,chỉ đạo. Việc quy hoạch vùng cây lương thực gắn với mùa vụ, tính toán cơ cấu cây trồng phù hợp, theo hướng lấy giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Huyện ủy cho biết: "Tiềm năng, thế mạnh của vùng cao là đất đai. Nhưng trước đây đất trống, đồi trọc bị bỏ hoang, người dân ảnh hưởng nặng nề tập quán canh tác cũ, ỷ lại vào sự cứu trợ của Nhà nước, thậm chí tư tưởng này còn có ở ngay trong đội ngũ cán bộ huyện. Những hạn chế này đã làm chậm quá trình chuyển dịch từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá và làm chậm quá trình phát triển của kinh tế toàn huyện".
Tuy nhiên, những năm gần đây, sự chuyển biến vể tư duy, nhận thức sự cần mẫn của người dân và sự kiên quyết trong chỉ đạo đã đem lại cho Mù Cang Chải sự chủ động trong sản xuất lương thực. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001 - 2009 đạt 8,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông, lâm nghiệp từ chỗ chiếm 80% năm 2000 giảm xuống còn 59,5% năm 2007 và năm 2009 còn 55% và thay vào đó là mức tăng nhẹ, vững chắc của ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ.
Cùng với chỉ đạo tốt sản xuất nông, lâm nghiệp, tới đây Mù Cang Chải sẽ đầu tư chế biến quả sơn tra. Ông Vũ Văn Thuỵ - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết: Hiện nay sản lượng sơn tra của huyện đạt trên 2.000 tấn, nhưng chủ yếu là bán thô, do đó lợi nhuận rất thấp. Sắp tới, huyện có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến rượu sơn tra công suất 3 tấn quả tươi/ngày. Hiện nay, dự án này đang đuợc giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện xây dựng. Bên cạnh cây sơn tra, cây thảo quả cũng đang là một lợi thế của Mù Cang Chải.
Năm 2009, nhu cầu của thị trường trong nước và Trung Quốc tăng mạnh. Giá thảo quả cũng tăng cao và có lúc đạt trên 80.000 đồng một kg quả khô, đem lại giá trị hàng tỷ đồng cho người dân. Để phát triển thảo quả đi đôi với đảm bảo cân bằng sinh thái, Mù Cang Chải đã kiên quyết không mở rộng diện tích mà duy trì ở mức trên dưới 1.000 ha như hiện nay. Nhờ giá trị của những loại lâm sản này mà một bộ phận người dân sống gần rừng đã có thêm thu nhập, từ đó các hoạt động khai thác, buôn bán lâm sản trái phép cũng giảm.
Bên cạnh những kết quả nổi bật của năm 2009, Mù Cang Chải vẫn là một huyện đặc biệt khó khăn. Số hộ nghèo toàn huyện chiếm tới 49,44% và 13/14 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Khắc phục được những khó khăn khách quan, đồng thời tận dụng thế mạnh, tiềm năng để đưa Mù Cang Chải tiếp tục phát triển đi lên vẫn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải trong thời gian tới.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Trạm Kiểm lâm Bản Dõng quản lý địa bàn 9 xã vùng thượng huyện Văn Chấn (Yên Bái) với 14.389 ha rừng tự nhiên.
YBĐT - Những cánh đồng khoai tây đang “chín” như nở ra trên đồng đất. Những nụ cười rạng rỡ vang và lan xa trong nắng mới. Khoai tây- một cây trồng không mới nhưng vụ đông 2009-2010, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo thành công trồng khoai tây giống mới theo hướng liên kết “4 nhà”, tăng hiệu quả kinh tế và mở hướng bền vững trong sản xuất nông nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 124/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2010.
Hơn một tháng triển khai cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà đất theo mẫu mới, quy trình mới, người dân ngao ngán. Thủ tục phát sinh, tốn kém thêm nhiều khoản tiền, thời gian chờ đợi cũng dài hơn. Cơ quan cấp giấy cũng than mệt hơn trước!