Tân Thịnh: Hướng phát triển kinh tế bền vững
- Cập nhật: Thứ năm, 28/1/2010 | 2:58:54 PM
YBĐT - Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nên những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã Tân Thịnh đã có những chuyển biến rõ rệt.
Chủ động chăm sóc rau theo quy trình trồng rau an toàn đã giúp nhiều hộ gia đình nông dân thoát nghèo.
|
Ông Nguyễn Xuân Ngọ - Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh khẳng định: "Để triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã xác định, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân tiếp cận và áp dụng tốt những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các mô hình điểm trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt chọn giới thiệu những mô hình làm ăn hiệu quả, có giá trị kinh tế cao để mọi người dân trong xã cùng học tập".
Cụ thể hóa chủ trương đó, Tân Thịnh đã chủ động tham mưu, đề xuất với thành phố và tổ chức thành công 7 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa, chè, rau màu, chăn nuôi gia súc, chế biến nông sản và một lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 320 lượt người tham gia. Năm 2009, toàn xã đã gieo trồng được gần 150 ha lúa (năng suất đạt trên 91 ta/ ha), 27 ha sắn, 1.000 cây ăn quả, 35 ha rừng kinh tế và 23 ha rau mầu các loại. Đặc biệt, trong năm xã đã vận động nhân dân nhân rộng các mô hình trồng hoa, trồng rau hàng hóa với thu nhập bình quân đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/ sào.
Là một trong những hộ thực hiện mô hình trồng rau sạch quanh năm với thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm, gia đình ông Nguyễn Văn An ở thôn Thanh Hùng 3 đã trở thành địa chỉ tin cậy cho bà con trong xã đến tham quan và học tập kinh nghiệm về trồng rau sạch. Ông An cho biết, để cho hiệu quả kinh tế cao trong trồng rau sạch phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất rau, vì thế đòi hỏi người trồng rau sạch phải có kiến thức thì mới làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, cạnh tranh được với thị trường. Ngoài gia đình ông An, xã Tân Thịnh còn rất nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng rau sạch, như gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Thanh Hùng 3; Phạm Văn Sinh, thôn Trấn Ninh 1; Nguyễn Hồng Trường, thôn Thanh Hùng 2…
Bên cạnh phát triển trồng trọt thì chăn nuôi cũng được người dân Tân Thịnh chú trọng. Toàn xã hiện có 12 hộ đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái quy mô 20 con và nuôi gà thương phẩm trên 1.000 con. Điển hình là mô hình nuôi gà của gia đình chị Bùi Thị Sâm, thôn 3 Lương Thịnh với trên 1.000 con gà. Chị Sâm cho biết, sau khi tham quan một số mô hình, thấy phát triển nuôi gà cho thu nhập cao mà thời gian đầu tư ngắn, công tác phòng dịch bệnh cũng dễ nên gia đình chị đã mở rộng quy mô theo hướng này. Một năm xuất 2,5 lứa gà cộng với tiền bán trứng, gia đình chị thu trên 60 triệu đồng.
Chú trọng khai thác tiềm năng về hoạt động thương mại - dịch vụ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hiện xã duy trì ổn định 11 cửa hàng dịch vụ tạp hóa; 14 cơ sở chế biến lâm, nông sản, gỗ gia dụng; 1 cơ sở chế biến chè đen với công suất 5 - 6 tấn/ngày; 1 xưởng gạch… Năm 2009, xã cũng đã hoàn thành được 5,5 km đường bê tông nông thôn, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương buôn bán của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hết năm 2009 giảm còn 7,2%.
Biết phát huy nội lực, xác định đúng hướng đi, năm 2010, Tân Thịnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây chè, trồng rau sạch và nhân rộng những mô hình kinh tế có hiệu quả cao... Đây sẽ là lợi thế để địa phương nhanh chóng xoá nghèo bền vững.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Với mong muốn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, nhiều câu lạc bộ (CLB) khuyến nông tự nguyện (KNTN) đã ra đời ở Văn Yên.
YBĐT - Đầu năm mới, đồng bào Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) liên tiếp đón những niềm vui mới.
YBĐT - Hết năm 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) thực hiện ước đạt 223 tỷ 500 triệu đồng, đạt 111,7% so với kế hoạch và tăng 25,5% so với năm 2008. Kết quả này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành thương mại – dịch vụ của huyện.
YBĐT - Dự án vùng lúa hàng hóa được triển khai đã qua 3 vụ và đạt được những kết quả bước đầu từ cơ cấu giống đến năng suất và chất lượng. Vụ mùa 2008, sản lượng lúa hàng hóa đạt 2.505 tấn, năm 2009 sản lượng đạt 5.444 tấn, năng suất bình quân đạt 12,13 tấn/ha, giá trị đạt 55 - 60 triệu đồng/ha.