Những mùa lúa xuân ở Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ ba, 9/2/2010 | 8:39:58 AM
YBĐT - Tập quán sản xuất một vụ lúa/năm, đã ăn sâu vào trong tiềm thức của đồng bào Mông nơi huyện vùng cao Trạm Tấu, bởi một cái lý rất đơn giản: nếu sản xuất vụ lúa xuân sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất vụ lúa mùa”.
Cánh đồng lúa xã Hát Lừu (Trạm Tấu).
|
Thay đổi tập quán sản xuất đã ăn sâu vào trong tiềm thức của đồng bào vùng cao không phải là chuyện một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có một quá trình tuyên truyền vận động lâu dài với phương châm: “Mưa dầm thấm đất”.
Ông Trịnh Văn Xuê - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trạm Tấu là người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp vùng cao cho biết: bên cạnh việc phát triển kinh tế địa phương theo hướng từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, kết hợp giữa khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng cao với sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước để giúp nhân dân xoá đói giảm nghèo, huyện đã tập trung chỉ đạo theo hướng thâm canh tăng vụ, khai hoang ruộng nước, ruộng cạn, đưa các loại giống có năng suất cao vào gieo trồng, tổ chức các mô hình trình diễn thí điểm để lấy kết quả thực tiễn làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của nhân dân. Năm 1993, huyện Trạm Tấu bắt đầu triển khai sản xuất vụ xuân ở 3 xã Hát Lừu, Phình Hồ, Pá Hu với diện tích 21 ha. Năm ấy, do mới bắt đầu được triển khai lại chủ yếu gieo cấy bằng các giống lúa địa phương nên năng suất lúa chỉ đạt 18, 4 tạ/ ha, sản lượng đạt 38,83 tấn.
Năm 1995, diện tích lúa xuân ở Trạm Tấu tăng lên 46ha, năng suất đạt 34, 28 tạ/ ha, sản lượng đạt 157, 8 tấn đã đóng góp một phần không nhỏ vào tổng sản lượng lương thực chung của toàn huyện, số hộ đói giáp hạt giảm. Đây là một tín hiệu vui trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, diện tích lúa xuân lại chủ yếu tập trung tại xã Hát Lừu nơi có đông đồng bào Thái sinh sống, trong khi đó diện tích đất sản xuất lúa xuân ở các xã người Mông cũng rất lớn. Làm thế nào để đồng bào Mông xuống đồng sản xuất vụ lúa xuân luôn là trăn trở của những người làm nông nghiệp huyện.
Vụ xuân năm 1999, huyện Trạm Tấu tổ chức mô hình trình diễn lúa lai vụ xuân tại 2 cánh đồng Mảnh Tầu - Tàng Ghênh xã Bản Mù và cánh đồng Tàng Ghênh xã Xà Hồ rộng gần 60 ha làm cơ sở bứt phá trong chuyển đổi mùa vụ. Do tập quán canh tác lạc hậu nên người dân chỉ làm một vụ lúa/ năm, nên vụ xuân hai cánh đồng này bị bỏ hoang, việc vận động nhân dân làm lúa xuân ở đây hết sức khó khăn. Huyện Trạm Tấu đã đầu tư rất nhiều nguồn lực từ công tác tuyên truyền vận động, mở các mô hình, các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức KHKT đến đầu tư giống phân bón, huy động các đoàn thể trong huyện, trong xã tham gia sản xuất lúa xuân cùng với nhân dân.
Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình mang lại hiệu quả cao, mang lại niềm vui cho nhân dân canh tác tại hai cánh đồng này. Thành công của mô hình đã tạo không khí thi đua trong sản xuất nông nghiệp. Đây như một lời khẳng định chắc chắn của ý Đảng hợp lòng dân mà hiệu quả ở hai cánh đồng cắm cây lúa xuân đầu tiên này là một minh chứng. Nhờ đó, diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã tăng theo từng năm với cơ cấu giống lúa lai chiếm tỷ lệ cao. Năm 2009, diện tích sản xuất lúa xuân đạt gần 600 ha, tăng trên 300 ha so với năm 2000 với cơ cấu 100 % giống lúa lai; năng suất đạt từ 40 - 43 tạ/ha.
Ông Giàng A Súa, người dân thôn Tàng Ghênh xã Xà Hồ cho biết: “Lúc đầu cán bộ đến tuyên truyền vận động làm lúa xuân, mình ngại lắm, bởi từ trước đến nay có ai làm đâu. Song rồi cán bộ, đảng viên trong xã làm trước thấy hiệu quả thì mình làm theo. Bây giờ nhà nào sản xuất được 2 vụ lúa thì không bị đói giáp hạt nữa. Cán bộ không cần phải tuyên truyền vận động, ăn tết xong là dân mình tự giác xuống đồng để làm ngay. Nhà nọ giúp nhà kia để hoàn thành việc gieo cấy đúng khung thời vụ đề ra”.
Còn ông Giàng A Sinh – Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ thì vui mừng cho biết: “Làm lúa xuân đã trở nên quen thuộc trong tập quán sản xuất của đồng bào. Năm 2008, rét quá nên mạ và diện tích ruộng đã cấy chết nhiều mình cứ tưởng không ai cấy nữa, thế mà toàn huyện cũng đã cấy được gần 400 ha. Mặc dù năng xuất không cao lắm nhưng cũng thể hiện được quyết tâm của người Mông chúng mình. Năm 2009, thời tiết ủng hộ nên cấy được nhiều, năng suất và sản lượng cũng cao hơn. Năm 2010 thì phải cấy được nhiều hơn nữa và vụ lúa xuân chắc chắn trở thành vụ sản xuất chính của đồng bào”.
Trải qua gần hai mươi mùa lúa xuân với những thăng trầm, đồng bào Mông ở Trạm Tấu đã thấy được những lợi ích của việc nghe và làm theo lời cán bộ. Những mùa lúa bội thu, những bữa cơm thơm mùi gạo mới và cuộc sống của đồng bào vùng cao đã từng bước được đổi thay là một minh chứng cụ thể để dân tin Đảng và Đảng thực sự lo cho dân.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Xuân này, có dịp trở lại Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được thấy diện mạo nơi đây đã khác nhiều so với những năm trước. Nhiều công trình mới được xây dựng nhờ sự đầu tư của Nhà nước. Những căn nhà mới lợp tấm phibrô xi măng ẩn hiện sau cánh rừng trồng xanh ngát...
YBĐT - Những ngày đầu xuân, chúng tôi về Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái), đi trên những con đường bê tông vừa mới hoàn thành để cảm nhận niềm vui, niềm tự hào của người dân nơi đây.
Thị trường quốc tế sáng 7/2 đi lên, kéo giá trong nước thoát khỏi mức thấp nhất suốt 3 tháng liền. Hiện một lượng được bán ra ở quanh 25,4 triệu đồng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2010, trong đó nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực và chủ động chỉ đạo cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Canh Dần 2010, tăng cường kiểm tra, đáp ứng đủ lượng hàng hóa, bảo đảm chất lượng.