Tân Phượng: Hài hước trâu “thịnh”, bò “suy”

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/5/2010 | 7:54:06 AM

YBĐT - Xã Tân Phượng vốn nổi tiếng bởi nghề nuôi trâu, trâu ở đây được xem là tốt nhất nhì vùng đất Lục Yên (Yên Bái). Trải qua trận rét đậm rét hại lịch sử năm 2008, đàn trâu của xã mặc dù bị thiệt hại nặng nhưng tới nay vẫn còn khoảng 940 con. Hầu như gia đình nào trong xã cũng nuôi trâu, nhà ít thì 1 - 2 con nhà nhiều cả chục con.

Nhân dân xã Khánh Thiện (Lục Yên) chăn nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp.
Nhân dân xã Khánh Thiện (Lục Yên) chăn nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp.

Những tưởng trâu và bò cùng là giống đại gia súc sẽ đều thích hợp với mảnh đất vùng cao vốn có nhiều đất rừng cây và nguồn thức ăn dồi dào với những bãi chăn thả rộng lớn. Nhưng ngược lại với trâu, bò đã và đang trở thành loại vật nuôi dần biến mất trên đất Tân Phượng và việc nuôi bò ở đây đang là một câu chuyện thật hài hước.

Để phát triển đàn bò ở Tân Phượng, Nhà nước đã thực hiện dự án “Hỗ trợ mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng cao”. Năm 2003, Tân Phượng nhận được 12 con bò cái sinh sản từ Dự án. Hai năm sau, xã lại nhận được thêm 5 con nữa. Tên dự án quá dài cộng thêm thời gian đã lâu nên ít người còn nhớ được và họ gọi nôm na đây là “dự án nuôi bò luân chuyển”. 

Theo tinh thần của Dự án, bò sẽ được chuyển giao cho các hộ nghèo trong xã nhằm giúp các hộ này phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau thời gian một năm, khi những con bò này đã sinh sản ra bê thì sẽ được luân chuyển cho hộ khác nhằm phát triển đàn bò, tạo thêm thu nhập cho người nông dân nơi đây. Thế là, sau hai lần nhận bò từ Dự án, Tân Phượng có được tổng cộng 17 con bò cái sinh sản, nhưng tới nay, sau nhiều năm “phát triển”, số bò của xã không những không tăng mà chỉ còn lại vẻn vẹn 13 con và vẫn đang có xu hướng tiếp tục giảm do người dân nơi đây không mấy mặn mà với “bò luân chuyển”.

Lý giải vấn đề này, ông Triệu Tiến Tiên - Chủ tịch UBND xã Tân Phượng cho biết: “Lúc phát triển cao nhất, đàn bò của xã cũng chỉ đạt được 30 con. Đợt rét đậm, rét hại và tập quán thả rông gia súc trên rừng, không có người trông giữ đã làm một số con bị chết. Thêm nữa, nhiều bò trong xã bị bán, do người dân không thích nuôi. Nuôi trâu từ lâu đã là truyền thống của Tân Phượng và đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với bò vì một con trâu hiện nay có giá tầm 10 triệu đồng và một con bò chỉ khoảng 7 - 8 triệu. Trong khi đó, trâu lại tận dụng được sức kéo trong sản xuất nông nghiệp”.

Gia đình ông Triệu Tiến Minh, thôn 8 là một trong những hộ được nhận bò đầu tiên của xã. Nếu như theo đúng Dự án thì trong thời gian một năm, khi con bò cái sinh được bê con, ông sẽ chuyển con bò cái đó cho hộ khác nuôi. Nhưng oái oăm thay, sau những bốn năm nuôi, chú bò vàng Dự án mới cho ra đời một con bê đực. Vậy là, chu kỳ luân chuyển đã lâu gấp 4 lần và hơn thế nữa gia đình ông Minh lại chỉ có một con bò đực nên sau một thời gian nuôi ông đành bán đi.

Ngoài lý do bò lâu sinh sản và bê con phần nhiều là bê đực, sau một thời gian nuôi sẽ bị bán đi thì chăn nuôi bò được người dân nơi đây cho là vất vả hơn so với nuôi trâu. Sau một năm nhận được “con bò luân chuyển”, ông Triệu Hữu Minh ở thôn 9 than thở: “ Gia đình tôi hiện nay có ba con trâu và một con bò. Nhưng tôi không thích nuôi bò vì tốn công chăm sóc và vất vả hơn nuôi trâu nhiều. Bình thường chỉ cần một người đi chăn trâu là đủ nhưng giờ phải cần những hai người bởi chúng không chịu đi ăn cùng nhau, nhà tôi lại neo người. Chỉ có ngần ấy con gia súc mà tôi phải làm hai chuồng vì chúng đâu có chịu sống cùng nhau. Giá như được hỗ trợ thêm một con trâu thì sẽ tốt hơn”. Nhưng khi được hỏi tại sao không thích mà vẫn nhận nuôi, ông Minh lại bảo: “Bò Nhà nước cho thì tôi cứ nhận thôi!”.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện về “dự án nuôi bò luân chuyển” ở Tân Phượng. Không biết những người lập dự án có khảo sát tình hình thực tế tại từng địa phương trước khi triển khai không? Nhưng hiệu quả từ một dự án mà “người cho chỉ biết cho và người nhận chỉ biết nhận” đã rõ ràng sau 7 năm thực hiện.

Hồng Khanh

Các tin khác
Cán bộ đội thuế số 1 (thành phố Yên Bái) kiểm tra của hàng điện gia dụng Vân Văn Vị tại tổ 11, phường Hồng Hà.

YBĐT - Tính đến hết quí I năm 2010, thu cân đối trên địa bàn thành phố Yên Bái đạt trên 36,3 tỷ đồng (đạt 144% so với cùng kỳ). Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt khá như thu thuế ngoài quốc doanh đạt gần 19,5 tỷ đồng (đạt 130% kế hoạch và 145% so với cùng kỳ); thuế thu nhập cá nhân đạt trên 2,9 tỷ đồng (đạt 247% kế hoạch); thuế giao đất đạt 6,3 tỷ đồng (đạt 160 % kế hoạch và đạt 151% so với cùng kỳ…).

YBĐT - Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phấn đấu xây dựng những cánh đồng 100 triệu đồng/ha trở lên, những năm trở lại đây, nghề trồng hoa đã có mặt trên cánh đồng Mường Lò (Yên Bái). Giá trị và lợi nhuận mà cây hoa mang lại không phải là nhỏ, nhưng nghề trồng hoa mới chỉ dừng lại ở sự nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự tập trung quy hoạch. Vì thế, đưa nghề trồng hoa thành một nghề sản xuất hàng hóa tập trung, đang được thị xã Nghĩa Lộ đặc biệt quan tâm.

Nông dân xã Tân Phượng (huyện Lục Yên) trồng ngô trên đất dốc.

YBĐT - Từ đầu năm tới nay, Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên (Yên Bái) đã tổ chức được 56 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho 2.675 lượt người.

Người chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc đang phải đối mặt với thiệt hại lớn do dịch lợn tai xanh hoành hành dữ dội...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục