Kiên cố mặt đường giao thông nông thôn miền núi: Cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ vật liệu mới
- Cập nhật: Thứ năm, 8/7/2010 | 2:45:20 PM
YBĐT - Hiện trạng mặt đường và khả năng nguồn lực đầu tư kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn hiện nay ở Yên Bái đang cần có nhiều giải pháp, trong đó việc chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến là một đòi hỏi có tính cấp thiết từ thực tiễn...
Bê tông hóa tuyến đường liên thôn 2 và 3, xã Phúc Lộc (T.P Yên Bái). (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo, tiềm lực đầu tư phát triển giao thông nông thôn miền núi rất hạn chế. Toàn tỉnh hiện có gần 5.670 km đường giao thông các loại. Trong đó, đường huyện có trên 826 km, đường xã trên 2.575 km, đường thôn bản trên 2.292 km. Hiện trạng mặt đường qua tổng hợp như sau: bê tông xi măng 221 km; đá nhựa 147 km; đá dăm 57 km; ấp phối 288 km; mặt đường đất trên 4.952 km. Với hiện trạng mặt đường như vậy, cộng thêm tác động của thiên nhiên và tình trạng xe chở hàng quá tải trọng thường xuyên diễn ra, dẫn đến chất lượng khai thác rất hạn chế.
Yên Bái đã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, làm mới nhiều tuyến đường trọng điểm nhưng hiện tại đang thiếu trục đường ngang nối các quốc lộ với nhau, nối quốc lộ với các tuyến liên huyện và liên xã, hệ thống mặt đường, công trình thoát nước vẫn còn rất thiếu và yếu, hàm lượng khoa học công nghệ áp dụng vào kiên cố hóa mặt đường chiếm tỷ lệ thấp. Nếu tốc độ kiên cố hóa mặt đường như hiện nay (tạm tính 50 km mặt đường được kiên cố hóa/năm) thì phải 100 năm nữa Yên Bái mới giải quyết xong bài toán kiên cố hoá mặt đường giao thông nông thôn.
Quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào xây dựng mặt đường bộ, những năm gần đây Bộ Giao thông - Vận tải đã cử đoàn công tác gồm các kỹ sư của Cục Đường bộ và Khu Quản lý đường bộ IV đi tham quan, nghiên cứu, học tập công nghệ vật liệu xây dựng mặt đường bộ tại nhiều nơi trên thế giới. Tỉnh Hưng Yên sau khi được Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Giao thông - Vận tải) giúp đỡ, từ tháng 12.2009 tới tháng 01.2010, Sở Giao thông - Vận tải Hưng Yên đã thực hiện thí điểm công nghệ vật liệu xây dựng mặt đường mới (HRB) tại một số tuyến đường nông thôn ở huyện Kim Động, Phủ Cừ.
Qua triển khai thực hiện công nghệ vật liệu HRB cho thấy: giá thành xây dựng mặt đường giao thông nông thôn giảm từ 30 - 50% so với mặt đường đá nhựa cùng cấp như hiện nay. Việc thi công mặt đường đơn giản, mặt đường cũ được tận dụng làm cấp phối cho lớp móng, mặt đường mới không phải sử dụng đá dăm, nhựa đường, cho phép sử dụng nước và đất tại chỗ.
Ở Yên Bái, một số cán bộ ngành giao thông tâm huyết và lãnh đạo địa phương đã tìm hiểu về công nghệ vật liệu mới kiên cố hoá mặt đường, mong muốn được chuyển giao công nghệ vào áp dụng ở một số tuyến đường giao thông nông thôn. Ngày 18.7. 2007, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình đã ký Văn bản số 1448/UBND-VX cho ý kiến về việc UBND huyện Văn Chấn xin tiếp nhận và triển khai công nghệ xây dựng mặt đường giao thông nông thôn bằng vật liệu mới LSF, ISS do Trung Quốc sản xuất.
Theo văn bản này, UBND giao UBND huyện Văn Chấn đăng ký danh mục Dự án với Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức thực hiện trong năm 2009 và những năm tiếp theo; Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn huyện Văn Chấn lập dự án và tổng hợp đưa ra Hội đồng tư vấn xác định đề tài, dự án trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Tuy nhiên, tới nay công nghệ vật liệu tiên tiến này vẫn chưa được áp dụng trong công tác xây dựng mặt đường bộ ở Văn Chấn, nhiều người lo ngại những đề xuất, mong mỏi áp dụng công nghệ vật liệu mới xây dựng mặt đường giao thông nông thôn có vẻ như bị quên lãng.
Trong khi đó, từ kết quả áp dụng thành công công nghệ vật liệu HRB ở Hưng Yên, Bộ Giao thông - Vận tải đã chính thức tiếp thu, chuyển giao các công nghệ này (HRB, LSF, ISS) tới nhiều vùng nông thôn - miền núi trong cả nước. Ở Thanh Hóa, công nghệ, vật liệu mới kiên cố mặt đường giao thông nông thôn sử dụng chất phụ gia (LSF, ISS) đã được UBND tỉnh chỉ đạo ngành giao thông và một số địa phương làm thí điểm cho chất lượng, hiệu quả cao. Các tỉnh khác như Nghệ An, Đồng Nai... cũng đang áp dụng công nghệ HRB, LSF, ISS vào kiên cố mặt đường giao thông nông thôn rất hiệu quả.
Việc chậm trễ trong tiếp thu, học tập, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào phát triển kinh tế ở nhiều địa phương nông thôn miền núi trong cả nước (trong đó có Yên Bái) gợi mấy vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ. Trên 80% cán bộ công chức xuất thân từ nông thôn (trong đó có nông thôn miền núi), cũng từng đó sinh viên ra đi từ nông thôn tới các trường cao đẳng, đại học nhưng khá phổ biến là họ không quay về công tác phục vụ quê hương. Từ đó, những nghiên cứu thử nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến về phát triển giao thông nông thôn thời gian qua quá ít người tiếp thu và say mê thực hiện. Về việc triển khai thực hiện, thẳng thắn mà nói - nhiều nơi còn mang tính chủ quan và có quá nhiều cấp, ngành cùng quản lý, do vậy không có ai chịu trách nhiệm đến cùng.
Hiện trạng mặt đường và khả năng nguồn lực đầu tư kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn hiện nay ở Yên Bái đang cần có nhiều giải pháp, trong đó việc chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến là một đòi hỏi và giải pháp rất thiết thực. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã xác định, được cụ thể hoá trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần được các cấp ngành, địa phương mạnh dạn ứng dụng, áp dụng từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả so sánh trên các mặt kinh tế kỹ thuật để nhân rộng.
T.A
Các tin khác
Theo dự thảo Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, đối tượng chịu thuế gồm 5 nhóm, gồm: xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng.
Giá vàng trong nước sáng 8/7 bật lên mức 28,35 triệu đồng/lượng từ mức 28,20 triệu đồng/lượng cuối giờ chiều qua sau khi giá vàng thế giới tái lập mốc 1.200 USD/oz. Tỷ giá USD thị trường tự do giảm so với chiều 7/7, nhưng vẫn đứng ở mức 19.180 VND/USD, tăng 40 VND/USD so với sáng 7/7.
YBĐT - Gần một tháng nay, nhiều nông dân ở xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bái) đang tìm kiếm vận may đá quý bằng cách phá nát chính mảnh ruộng nhà mình...
YBĐT - Xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 566 hộ với 3.493 nhân khẩu sống tập trung tại 10 thôn, bản. Do địa bàn phần lớn là đồi núi dốc, đất sản xuất ít, dân trí thấp nên việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng thấp nên cả xã có khoảng 360 hộ nằm trong diện nghèo.